Các cấp Hội Phụ nữ phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng… trong đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn để lại dấu ấn đặc biệt. Phong trào không những góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng mà còn tạo được niềm tin, sự yêu mến về hình ảnh của tổ chức Hội và cán bộ Hội trong lòng mỗi gia đình.

Giáo dục truyền thống cách mạng 

Thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, vào những ngày tháng 7 này, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống “về nguồn” trong cán bộ, hội viên phụ nữ, tổ chức các chương trình ý nghĩa như tham quan các địa chỉ đỏ, các di tích cách mạng, kháng chiến, dâng hương, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ của thành phố Hà Nội, nghĩa trang liệt sĩ một số tỉnh khu vực miền Trung như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Tại Thành cổ Quảng Trị, cán bộ Hội viên Phụ nữ đã được tìm hiểu và ôn lại truyền thống cách mạng trong cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: Thành cổ Quảng Trị là một điểm tham quan gây nhiều xúc động, nơi đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì quê hương, hòa bình, thống nhất đất nước.

Chuyến “Về nguồn” của các cấp Hội Phụ nữ đã đem đến cho mỗi cán bộ, Hội viên Phụ nữ nhiều cảm xúc cũng như lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây cũng là dịp để các thế hệ cán bộ, hội viên phụ nữ được bày tỏ lòng tri ân, khắc ghi những giá trị của lịch sử về thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Các cấp Hội Phụ nữ phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trao khen thưởng cho các tập thể có có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2017-2022 tại quận Hoàn Kiếm Ảnh: TT

Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò là “địa chỉ đỏ” cho các đoàn tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng. Đây là nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… và 5 đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.

Nơi đây có thể giam cầm thể xác nhưng không thể giam cầm được ý chí, lòng yêu nước của những chiến sỹ. Chị Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm cho biết, nhân dịp tháng 7, cán bộ Hội viên Phụ nữ quận Hoàn Kiếm đã tới tham quan Nhà tù Hỏa Lò - di tích lịch sử minh chứng cho cả một thời kỳ gian lao, biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của những người Việt Nam yêu nước.

Tinh thần tự hào dân tộc luôn được các thế hệ cán bộ Hội ghi nhớ, kế thừa, tiếp nối. Chị Huệ cũng cho biết thêm, bên cạnh đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, Hội viên Phụ nữ về ngày Thương binh – Liệt sĩ, Quận Hội đã phát động cán bộ, Hội viên Phụ nữ tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu về ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7” thu được gần 1.000 bài dự thi. Nhiều bài viết được viết tay, đầu tư công phu về tư liệu nội dung, hình ảnh…Điều đáng ghi nhận là các bài viết này đều được các bác, các chị hội viên viết bằng cả tâm huyết và sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Các cấp Hội Phụ nữ phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” - ảnh 2
Cán bộ hội viên phụ nữ quận Hoàn Kiếm tổ chức “về nguồn” tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò Ảnh: H.A

Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa

Cũng trong dịp này, Hội LHPN các quận, huyện: Long Biên, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm… đã tổ chức loạt hoạt động biểu dương các gương điển hình tiên tiến trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2017 – 2022 trong các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn; chỉ đạo Hội LHPN cơ sở tổ chức các hoạt động: Giao lưu, gặp mặt, tọa đàm, sinh hoạt nói chuyện truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ…

Đặc biệt, các cấp Hội tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách neo đơn; ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời ra quân tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh, tôn tạo khu nghĩa trang liệt sĩ, quét dọn đường làng ngõ xóm.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tại huyện Mê Linh, Hội LHPN huyện đã đến thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện. Đó là các Mẹ Việt Nam Anh hùng: Nguyễn Thị Sản (sinh năm 1926 tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong); Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1929 tại thôn Hoàng Kim, xã Hoàng Kim); Phạm Thị Đen (sinh năm 1926 tại thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng). Hoạt động ý nghĩa này đã động viên tinh thần của các mẹ, bày tỏ lòng tri ân đối với những hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Các cấp Hội Phụ nữ phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” - ảnh 3
Hội LHPN huyện Mê Linh thăm tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng Ảnh: HPN

Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” triển khai sâu rộng, hiệu quả, hàng năm Hội LHPN phường Dịch Vọng quận Cầu Giấy ngoài việc phối hợp với UBND, Ủy Ban MTTQ phường Dịch Vọng nắm rõ số lượng, hoàn cảnh gia đình thương, bệnh binh, gia đình chính sách, có công với cách mạng; đồng thời còn tăng cường tham mưu với chính quyền để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực như sửa chữa 6 công trình “Mái ấm tình thương” trong giai đoạn 2017 - 2022 với tổng kinh phí là hơn 300 triệu đồng. Hàng năm Hội LHPN phường phối hợp hỗ trợ khám sức khỏe, cấp thuốc cho bố, mẹ, vợ, con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh…

Ở quận Hoàn Kiếm, chị Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện quận Hoàn Kiếm có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 785 thương bệnh binh, 41 mẹ liệt sỹ và 77 vợ liệt sỹ, 29 nữ thương bệnh binh và người bị nhiễm chất độc hóa học. Trong thời gian qua, Hội LHPN quận đã hỗ trợ sửa chữa 3 “Mái ấm tình thương” cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, vợ liệt sỹ cô đơn và vợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam với tổng trị giá 90 triệu đồng. Hội còn duy trì việc hỗ trợ thường xuyên đối với 1 mẹ liệt sĩ (mức 1 triệu đồng/tháng) từ năm 2016 đến nay.

Cùng với đó, hàng năm Hội cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sỹ, đã trao tặng 85 sổ tiết kiệm và hàng trăm suất quà cho cán bộ hội tiêu biểu là thương binh, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam Dioxin, Hội viên Phụ nữ thuộc diện hộ cận nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo; tặng quà trẻ em bị di chứng chiến tranh, trao trên 100 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Tại chương trình kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức vào ngày 19/7, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm khen thưởng 21 tập thể có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2017 – 2022, trao 3 giải Tập thể và 7 giải cá nhân trong cuộc thi viết “Tìm hiểu về ngày Thương binh – Liệt sĩ” và tặng quà tới cán bộ hội là Thương binh, gia đình Liệt sĩ.  

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.