Cái chân đau của bà

Chia sẻ

Bà nội ở cách nhà chúng tôi chỉ vài con phố. Nhà bà rộng, đủ để cả gia đình tôi dọn về sống chung, nhưng bà là người chủ động cho chúng tôi ra ở riêng. Bà bảo: “Các con cháu ở riêng cho thoải mái chứ bà già rồi, trái tính trái nết lắm”.

Hồi mới dọn đi, bố mẹ tôi hứa sẽ thường xuyên qua lại thăm bà. Lúc đầu thì một tuần đôi ba lần. Sau đó thì chỉ đến chơi, ăn cơm với bà vào cuối tuần. Dần dần, công việc bận rộn, những cuộc thăm nom thưa dần. Có khi, hai nhà gần nhau thật đấy nhưng vài tuần mẹ mới thay mặt cả nhà đáo qua một lần rồi lại về luôn. Riêng tôi, bận học thêm tối ngày vì sắp thi đại học nên càng có lý do vô cùng chính đáng để ít sang nhà bà.

Chúng tôi có một giao ước ngầm, có việc gì hệ trọng xảy ra thì bà sẽ gọi điện tới báo tin để con cháu biết. Còn bình thường thì thôi. Thành thử, nếu 1 tuần trôi qua mà không thấy bà gọi tới thì cả nhà đều rất yên tâm là bà vẫn khỏe mạnh, bình an.

Cho đến lần vừa rồi, mẹ lại sang thăm bà, mang cho bà chục trứng gà. Mẹ bấm chuông mãi thì bà mới tập tà tập tễnh ra mở cửa. Mẹ hoảng quá, nhìn xuống, phát hiện một chân của bà bị sưng to, tím bầm. Thì ra, một tuần trước, bà bị ngã trong nhà tắm, cái chân bị đập xuống sàn nên sưng tấy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy mà bà không gọi điện báo cho nhà tôi. Bị mẹ trách, bà bảo: “Thôi, có việc gì đâu hả con, mẹ vẫn ổn. Mẹ không muốn vì chuyện này mà làm các con phải lo lắng, rồi cuộc sống của cả nhà lại đảo lộn hết cả lên”.

Nhưng mẹ tôi không chịu với cách giải thích “mẹ không sao” của bà. Trông cách bà đi đứng, hẳn là bà vẫn đang đau lắm. Ngay ngày hôm sau, mẹ xin nghỉ làm để đưa bà vào viện thăm khám.

Kết quả không sao, bà chỉ bị tổn thương ở vùng cơ, xương đầu gối may mà không bị ảnh hưởng. Nhưng, qua khám tổng thể, bác sĩ lại phát hiện bà có thêm mấy bệnh khác về máu và tim. Mới chỉ nghe qua thôi là đã thấy nguy hiểm. “Chị để ý nhắc bà ngày nào cũng phải uống thuốc huyết áp, không được để huyết áp tăng cao. Nếu bà thấy đánh trống ngực thì phải uống ngay thuốc giảm nhịp tim. Thuốc tim lúc nào bà cũng phải để trong tầm với”, bác sĩ dặn mẹ tôi thế.

Mẹ đưa bà về nhà với tập hồ sơ bệnh án và một túi to các loại thuốc bác sĩ kê, lòng buồn rười rượi.

Hôm đó, cả nhà tôi họp gia đình, dù bà cứ gạt đi, nói là bác sĩ đang trầm trọng hóa lên thôi chứ bà có làm sao đâu. Bố mẹ tôi mời bà về sống chung để tiện bề chăm sóc sức khỏe cho bà song bà kiên quyết từ chối. Vẫn với lý do bà già rồi, ở chung sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các con. Bà chỉ nhận lời là để bố mẹ thường xuyên qua lại thăm bà thôi.

Khi bà bị ốm, chúng tôi mới thấy bà có ý nghĩa với chúng tôi như thế nào. Sẽ chẳng có thành công, tiền bạc… nào bù đắp lại được nếu một ngày kia, chúng tôi không còn có bà nữa. Nỗi ân hận vì đã vô tâm, không quan tâm đến bà mình sẽ đeo bám chúng tôi suốt đời.

Bố tôi quyết định, sẽ không đi làm tối ngày và phó thác việc chăm sóc bà cho mẹ và tôi nữa.

Mẹ tôi cũng hứa, không thể tin chiếc điện thoại “không đổ chuông” nói rằng bà tôi vẫn đang khỏe. Mẹ sẽ sắp xếp việc để thường xuyên qua xem tình hình của bà như thế nào.

Còn tôi bố trí lại lịch học và dành riêng ra một buổi tối cuối tuần không đi học thêm để cùng bố mẹ sang thăm, ăn bữa cơm sum họp với bà. Tôi thấy rằng, mình học các kiến thức trên trời dưới bể, nhưng, có một bài học quan trọng là phải quan tâm tới bà của mình mà lại bỏ qua thì việc học đó cũng là vô nghĩa.

Thế rồi ai vào việc đó, chúng tôi đều tự giác thực hiện. Đầu tuần, mẹ tôi giúp bà đi chợ, trong tuần có món gì ngon thì lại mang sang biếu bà. Bố cũng hay qua, xem bà có cần gì thì làm và để bà luôn thấy có bóng con cháu trong nhà. Còn tôi, từ ngày năng ăn cơm với bà, tôi thấy mình gần gũi và hiểu bà hơn. Bà tôi cũng luôn vui vẻ, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Nghe bà kể, mấy tuần rồi bà không phải uống thuốc tim vì tim bà hoạt động rất tốt.

Rất may là chúng tôi đã kịp sửa chữa thiếu sót. Thay vì đợi tới lúc quá muộn, chúng tôi đang cố gắng tận dụng từng ngày ý nghĩa để được ở bên người bà thân yêu.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

(PNTĐ) - Sau mỗi câu chuyện không hay trong gia đình, người ta thường nhắc đến kèm hai từ “giá như”. “Giá như hồi ấy không tham công tiếc việc quá”, “Giá như hồi ấy mình nghe chồng/vợ một chút”, hay “giá như hai vợ chồng không cố đẻ thằng con trai”… Ừ thì giá như được xoay chuyển quá khứ theo ý mình, thì chắc hẳn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc.
Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

(PNTĐ) - Với nhiều gia đình, hạnh phúc không phải là một con đường dễ đi. Thế nhưng, chỉ vì “chúng ta là một gia đình” mà họ sẵn sàng nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão. Bởi khi nghĩ về một gia đình hạnh phúc, họ luôn nghĩ về cách mà họ cùng nhau bắt đầu một gia đình, là sự cam kết, tự nguyện hay mong muốn được san sẻ cuộc sống cùng nhau.
Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

(PNTĐ) -Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia.
Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

(PNTĐ) - Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, đó là duyên số. Nhưng cái nghĩa, cái tình và mối ràng buộc với con cái thì không thể chối bỏ. Sau ly hôn nhiều đôi coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Họ chặn hết mọi mối liên hệ, có khi còn cấm cản không cho gặp con. Rồi đôi bên thi nhau nhồi vào đầu bọn trẻ những điều không tốt đẹp về bố, mẹ của chúng. Vậy sau ly hôn liệu có thể là bạn?