Cảm nhận

Lâm Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Cái màu tím hoa cỏ may lấm tấm
con đê làng khi hội đã ra giêng
Cái màu tím hoa xoan tơi tả rụng
xuống buổi chiều trở gió nhớ về em.

Cái màu trăng như áo lụa tơ tằm
em vắt tạm trong vòm cây tối thẫm
Bông thiên lý trên giàn cao rũ xuống
chạm đôi vai tròn trĩnh thuở ban đầu.

Cái mùi hương như rượu mới trao nhau
nồng đậm thế mà tươi tắn thế
Không biết nữa tiết xuân hơi ấm trẻ
hay chớm hè mát rượi một làn da.

                                 Ngô Quân Miện

Cảm nhận - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Khúc cuối của mùa xuân bao giờ cũng lưu luyến bâng khuâng. Nói như cô gái trong bài Mưa xuân của thi sĩ Nguyễn Bính là “mùa xuân đã cạn ngày”. Nhưng trong cuộc sống đôi khi có những khoảnh khắc lại làm lóe lên bao ấn tượng về cảm xúc, về sự giao hòa giữa thiên nhiên và lòng người. Và, đương nhiên, còn có cả những tâm tình kín đáo.  Lâu nay, người ta biết đến nhà thơ Ngô Quân Miện với bài thơ Mùa hoa loa kèn, nhưng ở bài thơ Cảm nhận này, ông lại có một giọng điệu thật khác. Bài thơ được mở đầu bằng sắc màu của mùa xuân:

Cái màu tím hoa cỏ may lấm tấm
con đê làng khi hội đã ra giêng
Cái màu tím hoa xoan tơi tả rụng
xuống buổi chiều trở gió nhớ về em.

Mùa xuân được khắc họa bằng muôn vàn màu sắc. Trên cái nền xanh của cỏ, của bầu trời là sự tiễn biệt các loài hoa. Khi hoa xoan rụng xuống, cái màu tím ấy biệt ly bằng một cách thật đặc biệt: Màu tơi tả, để rồi cả chiều hôm ấy chỉ gợi nhớ một người: “Cái màu tím hoa xoan tơi tả rụng/ xuống buổi chiều trở gió nhớ về em”. 

Mặc dù lúc này không còn là đầu xuân khi hoa xoan còn phơi phới: “Tháng hai ấm, hoa xoan rơi tím ngõ/ Chị trồng cây, chim sẻ đến từng đàn...” (Chị - Võ Văn Trực); cũng không hẳn là hoa xoan đầy thao thiết như trong thơ Nguyễn Đức Hạnh: “Nồng nàn đôi mắt hoa xoan/ Mà sao nỡ rụng đầy vườn tháng ba/ Ngày mai em bỏ quê nhà/ Em đi ra phố lụa là vây quanh”. Ngược lại, trong tâm hồn người đang yêu từ màu hoa xoan những sự vật khác đều có bóng dáng cô gái ấy:

Cái màu trăng như áo lụa tơ tằm
em vắt tạm trong vòm cây tối thẫm
Bông thiên lý trên giàn cao rũ xuống
chạm đôi vai tròn trĩnh thuở ban đầu.

Thiên nhiên cuối xuân như nàng thiếu nữ đang có những chuyển biến tâm trạng thật đặc biệt. Nàng hiện lên với dáng dấp mềm mại dịu dàng (đôi vai tròn trĩnh thuở ban đầu), với cử chỉ nhẹ nhàng khi “áo lụa tơ tằm” (vắt tạm trong vòm cây). Chỉ hai hình ảnh đó đủ để thấy sự bình yên, sự tha thiết của tâm hồn đang yêu. Đến khổ thơ cuối cùng là sự cảm nhận qua làn da, qua những tiếp xúc tinh tế và nhạy cảm:

Cái mùi hương như rượu mới trao nhau
nồng đậm thế mà tươi tắn thế
Không biết nữa tiết xuân hơi ấm trẻ
hay chớm hè mát rượi một làn da.

Một làn hương thiếu nữ mà say như rượu mới, một làn da dịu mát, những ấn tượng thuở ban đầu sẽ còn lưu luyến mãi trong tâm hồn người thơ để rồi khép lại một mùa xuân như thế.

Lắng lòng đọc lại bài thơ, ta nhận ra trong tất cả các sắc màu, các xúc cảm ấy dường như đều được khởi phát từ hoa xoan hôm nào. Màu tím khi rớt xuống thảm cỏ, xuống đường làng không gợi cái não nề mà thắp lên hy vọng về một tình yêu lứa đôi, một tình yêu cuộc sống tha thiết. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.