Cần nâng cao cảnh giác, đẩy lùi nạn buôn bán người

Chia sẻ

9.154 cuộc gọi tới đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân mua bán người trong 3 năm (từ 11/2018-2/2022) là số liệu được công bố tại hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 14/2 vừa qua tại Hà Nội.

Đây có lẽ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi còn rất nhiều nạn nhân không thể gọi điện kêu cứu và được trở về nhà.

Đa số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em

Những năm qua, vấn nạn buôn bán người đang ngày càng trở nên phức tạp. Thủ đoạn của bọn tội phạm buôn người ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Nhiều người trở thành “miếng mồi ngon” của bọn buôn người, trong đó, phụ nữ, trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa là đối tượng có nguy cơ cao. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, mỗi năm các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, với 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người nhằm mục đích hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán người nhằm mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khẳng định, Việt Nam là một trong những điểm nóng về tội phạm mua bán người và di cư bất hợp pháp. Trong giai đoạn Covid-19, do giãn cách xã hội và việc siết chặt biên giới nên tình hình mua bán người giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, tệ nạn mua bán người vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cao, các đối tượng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, môi giới dẫn dắt hình thành đường dây xuyên tỉnh, xuyên quốc gia. Thủ đoạn của các đối tượng lừa bán ra nước ngoài là lợi dụng mạng xã hội để kết bạn làm quen nạn nhân, dụ dỗ hứa hẹn tìm việc ở nước ngoài với mức lương cao, hoặc môi giới lấy chồng nước ngoài giàu sang; lợi dụng người có hoàn cảnh khó khăn, nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, đồng bào dân tộc thiểu số; giả danh cán bộ công an, bộ đội để kết bạn, yêu đương rồi bán ra nước ngoài.

“Các đối tượng mua bán người trong nước thì lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động, thông qua hợp đồng lao động để hình thành đường dây mua bán người. Hiện nay, một số đường dây mua bán người dưới 16 tuổi đang thực hiện một cách tinh vi, lợi dụng mạng xã hội để làm quen, sau đó giới thiệu là đồng hương để được nạn nhân tin tưởng, rồi bán nạn nhân sang tỉnh khác làm các dịch vụ matxa, karaoke…” – Đại tá Tô Cao Lanh nhận xét.

Trong báo cáo của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thì: Chỉ tính từ tháng 11/2018 đến tháng 2/2022, sau gần 3 năm, Đường dây nóng đã tiếp nhận 9.154 cuộc gọi, trong đó có 1.069 cuộc gọi về tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 129 ca chuyển tuyến với 165 người được giải cứu. Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực đồng bằng sông Hồng, chiếm tỉ lệ 29,3%; các tỉnh vùng Đông Bắc với 16%; vùng Tây Bắc với 13,1%; các tỉnh Đông Nam Bộ là 11,6%; các tỉnh Bắc Trung bộ chiếm 10,4%...

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà, Chính phủ xác định mua bán người là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết khẩn cấp. Do đó, nhu cầu được tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn, thông tin về phòng, chống mua bán người đang ngày càng gia tăng. Việc vận hành Đường dây nóng được xem là một trong những giải pháp phù hợp, hữu ích để có thể tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. “Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương để bảo đảm sự phát triển bền vững của Đường dây nóng và mạng lưới hỗ trợ, can thiệp cho nạn nhân và các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ em” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Cần nâng cao cảnh giác với nạn mua bán người

Trong 7 năm qua, Dự án Tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người do JICA tài trợ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người. Nhờ việc chia sẻ số điện thoại 111 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, Đường dây nóng cũng góp phần phòng, chống mua bán người thông qua việc cung cấp các thông tin liên quan tới mua bán người, tư vấn cho các nạn nhân bị mua bán trở về và chuyển tuyến tới các cơ quan liên quan để tìm kiếm, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hội LHPN Việt Nam cũng đã phát huy thế mạnh của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với cách tiếp cận truyền thông đa dạng như tổ chức các phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, triển lãm, các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, truyền thông chung giữa các tỉnh/huyện hai bên biên giới…; chủ động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Nổi bật là mô hình Ngôi nhà Bình yên được thành lập từ năm 2007 cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, là điểm sáng về bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em. Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ, hội viên, phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân; đổi mới hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân; đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo bền vững kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại quê nhà, giảm các nguy cơ phát sinh do di cư thiếu an toàn…

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu, yêu cầu cụ thể của chương trình là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm; xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân...

“Ai cũng có thể là nạn nhân của mua bán người”, nghệ sỹ Xuân Bắc, Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam nhấn mạnh. Anh cho rằng cha mẹ cần dạy con biết cảnh giác, nhận biết các nguy cơ để phòng tránh, ngăn chặn và phát hiện các hành vi phạm tội. Từ đó, các con biết cách chia sẻ thông tin với bố mẹ và người đáng tin cậy. Cha mẹ hãy tìm hiểu kiến thức pháp luật, thực trạng mua bán người, từ đó có thể bảo vệ con mình và cả chính mình. Còn Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đưa ra lời khuyên: Người dân cần chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn. Đặc biệt, phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, giao tiếp, quan hệ với người lạ trên mạng xã hội. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý giáo dục, định hướng việc sử dụng điện thoại, internet, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dục con kịp thời… “Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, công an, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi phạm tội mua bán người; chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn. Đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, giao tiếp, quan hệ trên mạng xã hội. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý giáo dục, định hướng việc sử dụng điện thoại, internet cho các con; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dục con kịp thời” – Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khuyên.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.