Cần sớm có biện pháp ngăn chặn!

Hồng Nhung (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần đây, trào lưu thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng “xâm nhập” nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá. Việc siết chặt quản lý thuốc lá điện tử đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô về vấn đề này.

Anh đánh giá thế nào về thực trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay? 

LS. Nguyễn Ngọc Hùng: Hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng ngày càng gia tăng ở nhóm tuổi học sinh. Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những trường hợp học sinh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng ảo giác, tinh thần hoảng loạn, hôn mê bất tỉnh… do ngộ độc các chất có trong thuốc lá điện tử. Các tội phạm lợi dụng việc học sinh thường có cái “tôi” cao của tuổi mới lớn và tâm lý tò mò nên đã cố tình trộn các chất ma túy, các chất kích thích khác vào thuốc lá điện tử gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi gia tăng từ 0,2% (năm 2015) lên 3,6% (năm 2020), đặc biệt là tập trung ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 (chiếm 7,3%). Trước thực tế học sinh sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng như hiện nay đã đặt ra thách thức lớn đối với các cấp quản lý và toàn xã hội trong việc khắc phục và giảm thiểu tác hại đối với nhóm đối tượng này.

Thuốc lá điện tử vẫn được quảng cáo là phương pháp thay thế “an toàn” hơn cho thuốc lá truyền thống. Thực chất thuốc lá điện tử là gì? Việc sử dụng thuốc lá điện tử có tác hại như thế nào đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của các em học sinh?

LS. Nguyễn Ngọc Hùng: “Thuốc lá điện tử có thực chất là phương pháp thay thế thuốc lá truyền thống tốt hơn theo như lời quảng cáo của những người bán hàng hay không” vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm và đã có nhiều câu trả lời không chính xác, đề cao sự “thần thánh hóa” về tác dụng của nó. 

Thực chất, thuốc lá điện tử được nhà sản xuất sử dụng nhiều hương liệu khác nhau như: Mùi hoa quả, café, bạc hà, kẹo… để kích thích vị giác, khứu giác, khiến cho người tiêu dùng hiểu nhầm rằng thuốc này có mùi thơm, không gây hại như mùi của thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, thiết bị thuốc lá điện tử là dụng cụ sử dụng nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc, có nhiều hình dáng khác nhau phổ biến là hình trụ giống hình dạng điếu thuốc lá truyền thống, sử dụng pin và hóa chất vẫn chứa chất gây nghiện nicotine.

Cần sớm có biện pháp ngăn chặn! - ảnh 1
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Những người sản xuất thuốc lá điện tử lý giải rằng, đây là biện pháp ban đầu để cai thuốc lá. Song, đến nay, chưa có một nghiên cứu nào cho rằng sử dụng thuốc lá điện tử có thể cai được thuốc lá truyền thống mà trái lại còn gây hại rất nghiêm trọng trên nhiều khía cạnh. 

Tác hại đầu tiên phải kể đến là gây tổn thương hệ hô hấp tương tự như thuốc lá truyền thống, gây ra các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến tổn thương phổi cấp tính, dẫn đến viêm phổi, tắc nghẽn phế quản, ung thư, dị tật bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe liên quan khác. Ngoài ra, việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử còn khiến tinh thần các em không tỉnh táo, học tập sa sút, suy giảm trí nhớ, gây hại cho sự phát triển của não bộ, hủy hoại sức khỏe làm mất khả năng học tập, lao động.

Thứ hai, sử dụng thuốc lá điện tử cũng khiến cho người xung quanh khi hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh lý tương tự như người trực tiếp hút. Các chất hóa học trong khói thuốc còn bám trên sofa, rèm cửa, quần áo, trên bề mặt vật dụng và khi con người tiếp xúc sẽ bị thấm qua niêm mạc không tốt cho sức khỏe. Pin thuốc lá điện tử có thể phát nổ trong khi sạc, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người tiếp cận ngay tức khắc. 

Ngoài ra, trong thiết bị thuốc lá điện tử có chứa các chất như nhựa, pin, lọ dung dịch điện tử… khi vứt bỏ sẽ thải ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine... gây ô nhiễm môi trường. 

Theo luật sư, thực tế cha mẹ và nhà trường đã có sự quan tâm về vấn đề học sinh sử dụng thuốc lá điện tử chưa? Cách phòng ngừa hiện nay đã thực sự có hiệu quả?

LS. Nguyễn Ngọc Hùng: Trên thực tế, đa số các em học sinh thường giấu giếm sử dụng thuốc lá điện tử mà bố mẹ và thầy cô giáo không hay biết. Bởi hút thuốc lá điện tử rất khó phát hiện, khói thuốc bay rất nhanh và ít lưu lại mùi. 

Tại một số gia đình, cha mẹ bận làm ăn, kiếm tiền nên nhiều khi đi làm về mệt rồi không quan tâm con cái. Đôi khi, chính việc vô tâm của cha mẹ khiến các em buồn chán cộng với việc áp lực từ học tập mà tìm đến các chất kích thích, trong đó tiêu biểu là thuốc lá điện tử. Các em cho rằng, việc sử dụng các chất kích thích sẽ khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn, nhanh quên chuyện không vui, giúp vượt qua áp lực cuộc sống.
Hiện nay, cách phòng ngừa được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, bởi các chương trình, bài viết tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử chưa thực chất đi sâu vào đời sống sinh hoạt, học tập của học sinh.

Vậy theo luật sư, đâu là khó khăn trong việc quản lý không cho trẻ sử dụng thuốc lá điện tử? Cần phải làm gì để siết chặt quản lý thuốc lá điện tử trong học sinh hiện nay?

Việc quản lý không cho trẻ sử dụng thuốc lá điện tử là một khó khăn và đã trở thành một vấn nạn khiến các cơ quan, đơn vị quản lý đau đầu. Việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử do tác động từ nhiều phía cả về đối tượng cung cấp và người sử dụng. Việc mua bán các sản phẩm của thuốc lá điện tử chủ yếu được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu và tiếp cận đến người tiêu dùng thông qua mạng internet, các trang mạng xã hội từ các tài khoản không chính chủ, giả mạo.

Ngoài ra, một số địa điểm thường trưng bày sản phẩm là những nơi lén lút có nhiều người sử dụng, gần các khu trường học, đông dân cư. Vì vậy, việc ngăn chặn và xử phạt các đối tượng cung cấp trái phép là cực kỳ khó khăn. Việt Nam cần có các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh việc xử lý vi phạm của các quy định về phòng, chống buôn lậu, buôn bán các sản phẩm ma túy, thuốc lá điện tử để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong trường học và toàn xã hội.

Cần sớm có biện pháp ngăn chặn! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về thuốc lá điện tử. Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, sản phẩm thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi. Mặt khác, sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa chất nicotine và cơ chế sử dụng cũng dùng để hút như thuốc lá truyền thống. Do đó, thuốc lá điện tử được xem là một sản phẩm của thuốc lá. Vì vậy, việc quản lý và xử phạt hành vi sử dụng thuốc lá điện tử cũng cần được áp dụng theo các quy định về thuốc lá hiện nay. 

Cụ thể, pháp luật quy định về Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá, Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá, Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá, Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá tại Nghị định 67/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi 106/2017/NĐ-CP và Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Theo đó, để có đủ điều kiện cấp giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu được quy định cụ thể trong Nghị định đề ra. 

Do thuốc lá là một loại chất đặc biệt, có thể gây hại về sức khỏe cho cá nhân người sử dụng và những người xung quanh nếu hít phải khói thuốc. Vì vậy, pháp luật có quy định rõ ràng về việc hạn chế những đối tượng và địa điểm không được sử dụng thuốc lá. Tại Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm: Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Theo đó, nếu người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi sử dụng thuốc lá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 29 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Còn đối các cơ sở bán, cung cấp thuốc lá, nếu không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; Nếu bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng. (Điều 26 Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, đối với các địa điểm đặc biệt sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật lĩnh vực chuyên ngành. (Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Vì vậy, để giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng thì người tiêu dùng nên hạn chế việc hút thuốc lá, nếu có sử dụng cũng không được sử dụng thuốc lá tại các địa điểm cấm, không tiếp cận, buôn bán các sản phẩm thuốc lá đối với những đối tượng dưới 18 tuổi và tránh gây hại đến sức khỏe, tinh thần của những người xung quanh. 

Xin cảm ơn luật sư!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.