Cánh đồng

Mai Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Thở dồn dập khi nhìn thấy cánh đồng
Cỏ hết mùa trơ gốc rạ nằm im tháng mười hai
Heo may hút chân trời nỗi nhớ

Mùi phân bò mùi cố hương trú ẩn
Trong ngóc ngách thẳm sâu tâm hồn đã lâu rồi phố xá
Thức dậy
Như gốc cây bật rễ một ngày xanh trở lại
Ký ức úp mặt luống cày

Cánh đồng
Miên viễn cõi lòng hanh hao tiếng thở
Nghe trong tim nhói đau
Nhắm mắt dạt về tuổi thơ dáng mẹ
Nón trắng bùn nâu
Mồ hôi nhòe ướt bóng gầy

Ngửa mặt nhìn trời tu tu tiếng gió
Khóc mùa vàng đã xa
Khóc đôi bàn chân mỗi bước đi một lần không thể quay đầu lại
Ký ức chân trời tróc lở màu mây

Cánh đồng
Hãy để ta nhặt nhạnh giấc mơ
Đang chật hẹp dần bởi mùa đô thị hóa
Hãy để cỏ may cào xước ngực ra chân trần rớm máu
Khất thực một tình yêu sắp sửa lâm chung.

                                                       Bình Nguyên Trang 

Cánh đồng - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Câu chuyện về cánh đồng thật dài, kể một lần, kể một đời không hết vì nơi rạ, rơm đồng đất ấy đâu chỉ có tháng năm tuổi thơ trú ngụ mà còn chở che cho tâm hồn của cả một đời người. Nhưng, sớm muộn khúc ca về cánh đồng cũng được cất như cách mà nữ sĩ thành Nam có cái tên thật đặc biệt Bình Nguyên Trang đã viết:

Thở dồn dập khi nhìn thấy cánh đồng
Cỏ hết mùa trơ gốc rạ nằm im tháng mười hai
Heo may hút chân trời nỗi nhớ

Thế là đã về được với ký ức, một ký ức tưởng như gần lắm, ngay “gốc rạ’ mà thực ra lại xa “hút chân trời nỗi nhớ”. Và, ở khúc ca thứ nhất, ta nghe những cảm nhận được những điều này: 

Mùi phân bò mùi cố hương trú ẩn
Trong ngóc ngách thẳm sâu tâm hồn đã lâu rồi phố xá
Thức dậy
Như gốc cây bật rễ một ngày xanh trở lại
Ký ức úp mặt luống cày.

Ở đoạn thơ này, những “mùi cố hương”, “ngóc ngách thẳm sâu”, “gốc cây”, “ký ức úp mặt”… gọi ra được một quê hương xưa cũ, mộc mạc, thô nhám mà vững bền căn cốt. Đến khổ thơ tiếp theo là một cánh đồng khác, cánh đồng của sự liên tưởng:

Cánh đồng
Miên viễn cõi lòng hanh hao tiếng thở
Nghe trong tim nhói đau
Nhắm mắt dạt về tuổi thơ dáng mẹ
Nón trắng bùn nâu
Mồ hôi nhòe ướt bóng gầy.

Ở đây, mọi hình ảnh không còn đầy chất hiện thực nữa mà bắt đầu thanh thoát, ảo diệu hơn nhưng không vì thế mà mất đi sức lan tỏa. Tiếng thở hanh hao, tiếng chim nhói đau, mồ hôi nhòe bóng… đã không còn của riêng làng quê nữa mà đã thành ảo ảnh, thành một ấn tượng còn đọng lại trong cuộc đời. Cho đến khi, tác giả thảng thốt nhận ra:

Ngửa mặt nhìn trời tu tu tiếng gió
Khóc mùa vàng đã xa
Khóc đôi bàn chân mỗi bước đi một lần không thể quay đầu lại
Ký ức chân trời tróc lở màu mây.

Tiếng khóc của gió, mùa xa, khóc lần bước đi không thể quay đầu trở lại gợi một điều gì như vừa mất đi, như vừa tuột khỏi bàn tay. Nhưng lo âu, hoảng hốt vẫn chưa phải là điều lớn lao nhất, trước mùa đông, tâm hồn người phụ nữ nhạy cảm nhận ra cần phải níu kéo lại thời gian bằng chính tình yêu của mình:

Cánh đồng
Hãy để ta nhặt nhạnh giấc mơ
Đang chật hẹp dần bởi mùa đô thị hóa
Hãy để cỏ may cào xước ngực ra chân trần rớm máu
Khất thực một tình yêu sắp sửa lâm chung.

Câu thơ cuối cùng thật sâu lắng: “Khất thực một tình yêu sắp sửa lâm chung” không chỉ là tâm trạng mà là một tâm thế. Từ thực đến ảo, từ hồ hởi đến lo âu, có nhiều cánh đồng khác nhau trong sự liên tưởng thú vị ấy.

Con người đi thật xa để trở về, có khi đó chỉ là điểm xuất phát, để tìm lại sự hồn nhiên khờ dại của mình. Một sự trở về đầy ngậm ngùi mà cũng rất sâu lắng, thiêng liêng. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.