Cây hoa gạo
(PNTĐ) -
Cây hoa gạo đầu làng sao rồi em
Chỗ em tiễn trời xanh trôi tới
Anh sẽ về còn em mãi đợi
Bóng nắng tròn trong tay áo bà ba.
Tựa như máu dễ nào phai mất
Đỏ khôn nguôi hoa ríu rít bàn chân,
Mỗi độ đường tháng ba vẫy gọi
Gió qua làng thổi dọc đoàn quân
Hoa gạo ơi đừng vừa rơi vừa đợi
Mỗi xuân đi gom nhặt sắc lặng im
Em nghe thấu lời nhớ cây nhức nhối
Rằng anh sẽ về như em đã tin...
Lê Thị Mây

LỜI BÌNH:
Cây hoa gạo hay còn gọi là cây hoa mộc miên, hoa pơ-lang… cái tên nào cũng đẹp và đi vào thơ ca, nhạc họa đều gây ấn tượng mạnh mẽ. Hoa gạo đặc biệt ở chỗ luôn nở trước khi thân cây trổ lá, điều đó tạo nên một dấu ấn về thời gian khiến người ta phải ngẫm ngợi, suy tư thật nhiều. Nhà thơ Lê Thị Mây là một trong số những người viết về loài hoa này bằng một cảm xúc như thế:
Cây hoa gạo đầu làng sao rồi em
Chỗ em tiễn trời xanh trôi tới
Anh sẽ về còn em mãi đợi
Bóng nắng tròn trong tay áo bà ba.
Ngay gốc cây hoa đỏ ối ấy là nơi họ tiễn nhau, nhưng cũng chính thời điểm mùa hoa ấy, họ chờ nhau, nơi không gian và thời gian giao hòa ấy là một tình yêu chung thủy. Bởi thế, nơi đó có “trời xanh” có “bóng nắng tròn” bình yên, tha thiết. Anh hỏi cây gạo đấy (Cây hoa gạo đầu làng sao rồi em) mà thực ra để hỏi tình em còn nhớ, còn khắc ghi. Biết là người con gái đó vẫn nhớ mà vẫn muốn hỏi, đó mới là tình yêu. Mùa hoa gạo đồng hành cùng những người lính ra mặt trận, những đoàn quân đi với khí thế của một thời đại nhưng vẫn có những tình cảm riêng tư, những rung cảm lãng mạn:
Tựa như máu dễ nào phai mất
Đỏ khôn nguôi hoa ríu rít bàn chân,
Mỗi độ đường tháng ba vẫy gọi
Gió qua làng thổi dọc đoàn quân
Màu hoa, màu máu hay dấu son in hằn… tất cả tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ, khắc khoải trong tâm hồn người lính. Anh tưởng như đi dọc đất nước mình, dù là mộc miên hay pơ-lang thì đều là quê hương, đều là làng bản, đều có tình quân dân, đều thấy bóng dáng em thân thương. Câu thơ bình dị “Mỗi độ đường tháng ba vẫy gọi” cứ ngân lên như thế, khắc khoải lòng anh lính trẻ trên đường ra mặt trận.
Hoa gạo ơi đừng vừa rơi vừa đợi
Mỗi xuân đi gom nhặt sắc lặng im
Em nghe thấu lời nhớ cây nhức nhối
Rằng anh sẽ về như em đã tin...
Câu thơ cuối như một sự khẳng định: “Anh sẽ về như em đã tin...”. Nhưng đâu chỉ có thế, nhà thơ còn bao nhắn nhủ: “Đừng vừa rơi vừa đợi”, còn nhận ra vẻ đẹp âm thầm, “màu sắc” của vô thanh: “Sắc lặng im” và nghe được âm thanh của tâm trạng: “Lời nhớ cây nhức nhối”… Như thế để biết rằng trong sự quyết liệt của hoa ấy có sự dịu dàng, tinh tế nhưng cũng không vì lưu luyến nhớ mong mà bi lụy…
Bài thơ ngắn, không trau chuốt cầu kỳ nhưng gây ấn tượng mạnh về tâm thế người lính trẻ trong cái lần hành quân qua làng nơi có người con gái đã chờ đợi anh trở về. Chờ đợi mùa hoa gạo năm sau sẽ gặp lại nhau trong thanh bình và hạnh phúc. Có những cuộc tiễn đưa và nhắn nhủ như thế, âm thầm giữa muôn biến động của chiến tranh nhưng đã tạo nên chất thơ, tạo ra một vẻ đẹp trong cuộc đời này. Thơ Lê Thị Mây mang đến cho chúng ta một góc nhìn khác về mùa hoa đang nở trên khắp mọi miền đất Việt khi tháng Ba đã cận kề...