Cha mẹ làm gì khi con công khai giới tính thứ ba?

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Come out” chưa từng là một lựa chọn dễ dàng với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Ngoài những căng thẳng của chính họ, thái độ của cha mẹ và cái nhìn của xã hội càng khiến việc công khai nặng nề hơn.

Những nghệ sỹ “come out”

Mới đây, ca sĩ Thiện Nhân, Quán quân “The Voice Kids 2014” chính thức thừa nhận đang chung sống với Ngân Trác - một cô gái mà cô gọi là “chị” và không liên lạc với gia đình chỉ vì bị cấm đoán chuyện tình yêu đồng tính khiến nhiều người quan tâm. Trong buổi livetreams của mình, Thiện Nhân cho biết, khi yêu Ngân Trác, cô từng dẫn về “ra mắt” gia đình song không được bố mẹ chấp thuận. Việc quyết liệt ngăn cản, cấm đoán của bố mẹ khiến cô cảm thấy bức bối và bỏ nhà đi. Thiện Nhân cho rằng, ai cũng có quyền hạnh phúc riêng và cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) cũng vậy.

Quán quân “The Voice Kids 2014” không phải là trường hợp duy nhất công khai mình là người đồng tính. Mới đây, trong Vlog “83 ngày trước 30”, nghệ sĩ Vũ Cát Tường cũng đã công khai giới tính: I am gay. Vũ Cát Tường cho biết, mình không có nhu cầu phải giải thích về bản dạng giới của bản thân nhưng cô nghĩ, sau 30 tuổi, sẽ có nhiều người hỏi “bao giờ lấy chồng”… Do đó, cô “come out” (công khai) để mọi người hỏi... “bao giờ lấy vợ”. “Câu chuyện Tường là ai, yêu trai hay yêu gái, Tường không giấu nhưng cũng chưa một lần nói rõ vì Tường có quá nhiều nỗi sợ” – Vũ Cát Tường nói. Nữ nghệ sĩ cũng thừa nhận, việc “come out” với gia đình là điều vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi đối diện với bố. “Bố luôn giục tôi lấy chồng. Tôi biết bố không hiểu gì về con gái và chưa quan tâm đến cảm xúc của tôi” – cô nói. 

Cha mẹ làm gì khi con công khai giới tính thứ ba? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Không chỉ những nghệ sỹ mới khó khăn khi “come out” bản dạng giới và bị gia đình phản đối tình yêu đồng giới, với nhiều người trong cộng đồng LGBT, vượt qua định kiến từ gia đình luôn là một “cửa ải” khó khăn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh có con trong cộng đồng LGBT cũng khó tránh được trở ngại tâm lý, tinh thần khi con “come out”. Họ cũng cần thời gian, sự đồng hành để hiểu, chấp nhận giới tính và chuyện tình cảm của con mình. Thực tế, nhiều cha mẹ khi nhận ra bản dạng giới của con đã kỳ thị, cấm đoán, ép “chữa bệnh”, đẩy con vào “bước đường cùng”. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như tháng 2/2022, một cặp đôi đồng tính nữ ở Bình Thuận đã cùng nhau tự tử tại bãi biển vì trầm cảm do bị ngăn cấm chuyện yêu đương. Trước đó, một đôi thiếu nữ ở quận 12, TP Hồ Chí Minh cũng nhảy lầu tự tử sau thời gian dài có quan hệ tình cảm với nhau... Trước khi tìm tới cái chết có thể thấy phần đa họ đều trải qua quãng thời gian tâm lý đầy bất ổn mà một trong nguyên nhân chính là xuất phát từ phản ứng của gia đình.

Việc “come out” (công khai) đối với bất kỳ ai trong cộng đồng LGBT cũng là một sang chấn. Các nghiên cứu cho thấy, gần 60% thanh thiếu niên LGBT từ 13-21 tuổi sau khi “come out” cho biết cảm thấy không an toàn ở trường và ở nơi công cộng vì xu hướng tính dục của họ và 45% vì các biểu hiện giới tính của họ. 67% số LGBT sau khi “come out” báo cáo rằng gia đình vẫn tiếp tục đưa ra những nhận xét mang tính kỳ thị và 48% cảm thấy tồi tệ khi là một thành viên nhóm LGBT. 
 

 Cha mẹ hãy chia sẻ và cảm thông với con

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, khi ca sĩ Thiện Nhân lên tiếng về tình yêu đồng tính, nhiều phụ huynh đã inbox cho anh với câu hỏi: “Nếu con nói, bố mẹ ơi con đồng tính thì cha mẹ nên làm sao?”. Thực tế, nhiều phụ huynh cho rằng mình không kỳ thị người đồng tính, nhưng nếu đó là con mình thì họ sẽ cảm thấy rất đau đớn. Cha mẹ nào cũng yêu con, nhưng khi con nói mình thuộc giới tính thứ 3, đa số họ đều rất sốc và hoảng hốt, thậm chí khó chấp nhận sự thật. “Đầu tiên, cha mẹ sẽ cho rằng, con mình trẻ người non dạ nên hiểu sai về bản thân. Họ không tin, không muốn tin và tìm đủ mọi cách để phủ nhận sự thật ấy. Khi không thể phủ nhận, họ sẽ tìm cách “chữa”. Có nhiều phụ huynh thiếu hiểu biết đã tìm đến ông đồng bà cốt vì cho rằng con mình bị quỷ dữ ám. Và cuối cùng, khi không thể “chữa”, họ mới chấp nhận thì đã quá muộn. Nhiều trẻ đã bị trầm cảm, mất kết nối với cha mẹ, tìm cách thoát khỏi thực tại như tự tử, hay không liên lạc với gia đình như ca sĩ Thiện Nhân” – nhà văn Hoàng Anh Tú nói.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ, bình tĩnh chấp nhận bản dạng giới của con, bởi đồng tính không phải bệnh nên không có thuốc chữa, không phải tâm thần nên không có liệu pháp tâm lý nào có thể thay đổi. Thay vào đó, cha mẹ hãy tìm hiểu kiến thức, chấp nhận sự thật, tìm hiểu con có đặc điểm nào trong 4 đặc điểm này: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, và xu hướng tính dục. Khi đã hiểu rõ con đồng tính theo đặc điểm nào, cha mẹ có thể giúp con hiểu về bản dạng giới của mình, từ đó định hướng để con có lựa chọn đúng đắn cho cuộc đời mình. Bởi có nhiều trẻ nhầm lẫn giữa việc yêu quý bạn đồng giới với bản dạng giới của mình; hay yêu thích đặc biệt với quần áo, phụ kiện, khuôn mẫu hành vi nào đó mà nghĩ rằng mình thuộc giới tính bên kia. 

Cha mẹ làm gì khi con công khai giới tính thứ ba? - ảnh 2
Ảnh minh họa

“Cha mẹ đừng vội phản đối, chỉ trích, hãy bên cạnh chia sẻ những khó khăn mà con phải đối mặt. Việc cha mẹ chấp nhận con không phải là khuyến khích con trở thành đồng tính mà giúp con nhận ra bản dạng giới thật sự của mình” – nhà văn Hoàng Anh Tú khuyên.  

Còn PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) thì, để đồng hành với các con, thay vì thể hiện như đất trời sụp đổ, cha mẹ hãy vui mừng cho con một cái ôm thể hiện sự lắng nghe, đồng cảm. Những người cha, người mẹ đừng gán nhãn việc mình có con LGBT có nghĩa là mình thất bại trong việc nuôi dạy con cái và làm cha mẹ. Cha mẹ cần biết rằng, đồng tính chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tình dục. Người đồng tính vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường, có tương lai và cuộc sống như bao người khác. Thay vì không chấp nhận với giám sát, cấm đoán con, cha mẹ nên cố gắng vượt qua định kiến, để tạo cho con một môi trường "an toàn tinh thần". Khi cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện bất thường trong cuộc sống thì mới nên tới gặp các chuyên gia về giới để được hỗ trợ tư vấn cho bản thân cha mẹ và trẻ vị thành niên, tránh để lâu sẽ ảnh hướng đến tâm lý của con và cha mẹ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phụ huynh có con phát triển giới tính bình thường cũng nên giáo dục trẻ ứng xử văn minh, tôn trọng những người thuộc giới tính khác, không kỳ thị, không chỉ trỏ và bình phẩm những người thuộc cộng đồng LGBT. Bản thân người có tình yêu đồng giới cũng cần có nhận thức đúng về bản thân mình, họ cần tiếp xúc với những môi trường tích cực chấp nhận họ trước như gia đình, bạn bè, cộng đồng LGBT.

Tình yêu của mẹ!
“Con ra sao thì mình chấp nhận vậy” – đó là câu nói của bà Lý (trú tại TP Hồ Chí Minh) khi phát hiện cậu con trai Nhất Linh của mình là người chuyển giới. Ngay từ khi còn bé, Nhất Linh đã thể hiện sự nữ tính trong dáng đi, cử chỉ, thái độ và sở thích như thích váy vóc điệu đà, để tóc dài, đi giầy cao gót, trang điểm… Hồi ấy, vợ chồng bà Lý cũng rất lo lắng, tìm mọi cách “chữa bệnh” cho con. “Có lần đang đi nhà thờ, tôi trông thấy có một cô gái khá xinh đằng trước. Tôi tiến lên nhìn thì phát hiện đó là con trai mình. Lần này, tôi bắt đầu tìm hiểu về những người “pê đê” và chấp nhận con là người chuyển giới” – bà nói. 
Hơn 40 tuổi, “chị” Nhất Linh đang sống cùng mẹ, cùng mẹ bán hàng dạo để kiếm thêm thu nhập. Chị bảo, xã hội vẫn còn kỳ thị những người thuộc giới tính thứ 3 lắm. “Lúc mình còn trẻ, còn đẹp thì không sao nhưng già đi, người ta soi mói, nói bóng vừa già vừa xấu rất tủi thân…” – “chị” Linh kể. Lúc đó, bà Lý bênh vực con trước mặt mọi người, đồng thời an ủi cô mạnh mẽ vượt qua những khó khăn trước mắt. 
Chị Linh hào hứng nói về viễn cảnh một ngày khi Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua, chị và những người bạn mừng rỡ thế nào khi được khi làm lại giấy tờ, được cầm tờ giấy ghi mình là con gái. “Bây giờ có già có chết thì người ta cũng phải làm một cái giấy con gái chứ không thể nào là giấy con trai” - chị kể. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.