Chàng rể cả nghĩ

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - 10 năm làm rể, Mai có cảm giác chồng mình vẫn không thoát khỏi tâm lý tự ti, luôn tự cho mình chỉ là phận “chó chui gầm chạn”. Trong khi đó, bố mẹ Mai chưa một lần, coi thường con rể. Bản thân Mai cũng thế, luôn tôn trọng chồng.

Chồng Mai là con trai tỉnh lẻ, lên thành phố lập nghiệp. Còn Mai là con gái Thủ đô, từ nhỏ đã lớn lên ở phố cổ. Năm Mai 10 tuổi, bố mẹ Mai bỏ phố ra ngoại thành, mua một căn nhà vườn. Hồi đó, cũng chỉ vì bức xúc nhà cũ chật chội, lại chẳng có tiền mua nhà to trong trung tâm mà bố mẹ Mai phải chấp nhận đi xa. Đến nỗi, cả năm, nhà Mai chẳng có mấy khách nào sang thăm vì đường xá đi lại khó khăn. Ông bà ngoại còn sụt sùi khóc, thương vợ chồng con gái ở khổ.

Kể như vậy để thấy nhà Mai cũng chẳng phải đại gia gì. Chẳng qua là theo thời gian, huyện ngoại thành nơi Mai ở được lên quận. Rồi đời sống cũng phát triển, mọi người mua ô tô, xe  máy thay cho xe đạp nên xa cũng thành gần. Việc được sở hữu một căn nhà vườn rộng hàng trăm mét tự nhiên lại trở thành điều gì đó ghê gớm. Nhiều người cứ xuýt xoa, nói nhà Mai đang ở trên cả một kho vàng. 

Đúng vào lúc đất được giá, bố mẹ Mai  bán đi một góc vườn. Không chỉ đủ tiền để xây lại nhà mới khang trang, hiện đại, phần còn lại bố mẹ Mai gửi tiết kiệm để dưỡng già và đỡ đần thêm con cháu. Mai sau khi ra trường thì quen chồng bây giờ. Bố mẹ anh ở quê là nông dân, gia cảnh cũng khó khăn nên chẳng giúp được nhiều cho con trai.

Chàng rể cả nghĩ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Khi yêu và rồi quyết định lấy anh, không ít người can gián Mai, nói cô phải cân nhắc kỹ. Đàn bà lấy chồng là để có người dựa vào, chứ chồng Mai nghèo rớt mồng tơi, nuôi thân đã khó thì lấy gì để che chở cho vợ con? Nhưng, Mai chưa bao giờ đem vấn đề vật chất xen vào chuyện tình cảm. Mai thấy người yêu mình tốt bụng, tử tế, hiền lành và hơn cả là cô yêu anh nên sẽ đến với anh.

Bố mẹ Mai cũng vậy, rất tôn trọng quyết định của cô nên không cấm cản gì. Chỉ có điều, khi biết Mai và con rể bàn tính sẽ thuê nhà ở sau đám cưới, thì bố mẹ Mai đã có lời muốn hai đứa về ở cùng. “Với bố mẹ, con nào cũng là con, không phân biệt dâu rể. Nhà mình rộng, thêm người lại càng vui”, bố mẹ Mai đã nói vậy.

Mai sợ chồng không vui nên đã để anh quyết định. Cuối cùng, chính chồng Mai đã đồng ý sẽ về ở rể sau một hồi hai đứa đi tìm nhà thuê mà chẳng được cái nào ưng ý. Nhà ít tiền thì xập xệ, nóng bức, mà nhà nhiều tiền thì vợ chồng không có để trả. Mai hiểu, chồng mình đồng ý ở rể là đang nghĩ cho cô phần hơn. Anh không muốn cô phải sống khổ sở, sau này, con cái ra đời cũng vậy.

Mai và chồng dọn về ở trong chính căn phòng của cô. Hồi đó, Mai còn rủ chồng đi mua sắm đồ đạc mới, thay giường cưới mới để không gian ở khác đi. Bố mẹ Mai cũng tâm lý lắm, còn giục hai vợ chồng cứ sang sửa lại phòng, ông bà không có ý kiến gì. Ông bà còn đưa tiền để hỗ trợ thêm kinh phí cho vợ chồng Mai.

Chàng rể cả nghĩ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng, Mai thuyết phục cách nào chồng cũng không nghe. Anh nói không có nhu cầu gì phải làm mới phòng. Sau cưới, anh chỉ xách đúng chiếc va li quần áo về nhà Mai, rồi từ đó, hai vợ chồng nằm trên chính chiếc giường cũ, sử dụng chính tủ quần áo của Mai hồi trước. Mọi thứ đều không hề suy suyển, ngay cả việc kê dọn lại cho mới mẻ. Mai nghĩ, có thể chồng còn ngại ngần nên không ép anh.

Song, sau 1 năm, 2 năm ở chung nhà, Mai càng ngày càng nhận ra chồng thực sự quá khách khí và giữ ý tứ với gia đình cô. Anh gần như hạn chế nhận mọi sự trợ giúp từ nhà vợ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, va chạm với mọi người trong nhà. Đi làm thì chớ, về tới nhà là chui vào phòng, đóng cửa lại, đợi tới giờ ăn cơm thì xuống ăn. Nếu bố mẹ Mai có muốn nói chuyện thì phải gọi anh mới xuống. Mà xuống phòng khách rồi thì anh cũng chỉ ngồi ở đúng cái ghế trong góc nhà, ai hỏi gì thì nói nấy rồi im lặng. Chưa bao giờ Mai thấy anh chủ động chia sẻ chuyện nọ, việc kia cho mọi người cùng nghe. Anh cũng không bao giờ sang thăm bố mẹ Mai ở phòng riêng. Trừ khi ông bà nhờ anh sửa cái đèn, thay cái khóa cửa thì anh sang làm hộ, rồi lại lập tức về phòng mình.

Đến nay đã là người một nhà 10  năm, nhưng chồng Mai còn không thuộc hết vị trí các đồ đạc ở trong nhà. Tất cả cũng đều do anh ngại, muốn hạn chế tối đa “dùng đồ” nhà vợ. Như hồi mùa hè năm kia, cái quạt điện trong phòng hỏng, trong khi nhà Mai vẫn còn thừa quạt không dùng đến, ấy vậy mà chồng Mai tự bỏ tiền ra mua quạt mới về dùng vì ngại mở lời hỏi mượn đồ. Vì chuyện này mà bố mẹ Mai giận vợ chồng cô mất cả tuần.

Hàng tháng, vợ chồng Mai vẫn đưa cho bố mẹ mấy triệu, gọi là đóng góp tiền sinh hoạt phí. Thực ra, bố mẹ đủ sức nuôi vợ chồng Mai, nhưng cũng để tránh cho con rể phải suy nghĩ nên ông bà đồng ý nhận tiền. Có tháng, việc làm ăn của hai vợ chồng gặp khó khăn, Mai tính đưa tiền muộn vài hôm cho mẹ cũng được. Nhưng chồng Mai không chịu, anh còn đi vay tiền bạn bè để có tiền đưa cho bố mẹ vợ đúng hạn. Mùa hè nóng, vợ chồng Mai sử dụng thêm điều hòa. Sang tháng sau, chồng Mai lại nhắc cô đưa thêm một khoản để phụ vào tiền điện phụ trội, còn nói nếu ông bà không cầm thì sẽ không dùng điều hòa. Bình thường, nhìn cách ứng xử ấy, nhiều người có thể khen là chồng Mai biết điều. Song, bố mẹ Mai lại không thấy như vậy. Ông bà tâm sự với cô: “Bố mẹ nuôi con lớn khôn được, không lẽ không cho con nổi chút tiền điện chạy điều hòa. Nhưng cái gì chồng con cũng muốn cưa đứt đục suốt, trả nợ cho sòng phẳng. Nó sống trong nhà mình nhưng luôn tự coi mình là kẻ mắc nợ, còn bố mẹ là chủ nợ của nó thì thật buồn quá”. 

Chàng rể cả nghĩ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Rất nhiều lần, Mai tâm sự với chồng để anh giải tỏa tâm lý ăn nhờ ở đậu nhà vợ. Mai nói bố mẹ cô rất quý mến anh, thậm chí còn coi trọng anh. Nhà có việc gì lớn nhỏ đều muốn hỏi ý kiến anh, hoặc là thông báo cho anh biết vì anh cũng là một thành viên trong nhà. Nhưng chồng Mai lại tự mình tước bỏ quyền ấy. Anh gần như không tham gia mọi việc trong nhà Mai vì nghĩ rằng mình ở rể nên giữ đúng phận là “khách”.

Mai biết, cách ứng xử của chồng đã khiến cho quan hệ giữa mọi người trong gia đình xa cách hơn. Bố mẹ Mai mỗi lần nói chuyện với con rể đều phải suy nghĩ trước sau vì sợ có gì lỡ lời thì con rể lại nghĩ quẩn. Ông bà thi thoảng cũng muốn cho vợ chồng con gái đồ này món kia song lo con rể sòng phẳng, cho rồi thì nó lại bỏ tiền mua đồ biếu lại mình. Còn Mai thì mệt mỏi vì tính cả nghĩ của chồng cũng khiến vợ chồng cô sống cảnh tạm bợ. Hai mặt con ra đời, căn phòng của vợ chồng Mai ở vẫn gần như không được mua sắm mới bất cứ đồ đạc gì vì chồng Mai nghĩ đây không phải là nhà của mình. Sau này có nhà riêng thì anh sẽ sắm sửa, trang hoàng gì cũng chưa muộn.

Nhiều lúc Mai tự hỏi, tại sao ngoài kia vẫn có những chàng rể… ở rể mà vẫn rất vui vẻ, hạnh phúc, cả gia đình luôn hòa thuận, đầm ấm. Tại sao các chàng rể khác có thể coi nhà vợ cũng là nhà của mình… nhưng chồng Mai thì không. 

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.