Cháu có thể nghỉ học một buổi được không?

Chia sẻ

Cuối tuần với tôi luôn là thời điểm rất bận rộn. Tôi sẽ phải tham gia nhiều lớp học thêm vì chỉ ít bữa nữa, tôi sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp.

Từ đầu năm, bố mẹ tôi đã ra “nghị quyết”, năm nay, cả nhà mình sẽ tập trung cho việc học của tôi. Tất cả hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi trong hè đều dừng lại cho tới khi nào tôi thi xong.

Và vì thế, thời gian tôi dành cho ông bà cũng sẽ không còn nhiều. Bà biết tôi bận học nên chia sẻ và thông cảm với tôi. Nếu tôi bận không đến thăm ông bà được thì thi thoảng, bà lại bắt xe đến nhà, mang quà cho tôi. Nhưng, ông tôi lại bị bệnh tiểu đường, mắt kém, chân tay yếu. Việc đi một quãng đường xa đến nhà con cháu với ông không đơn giản.

Vì thế, độ vài tuần không được gặp cháu là ông tôi giận. Ông gọi điện trách bố mẹ và tôi vô tâm, cạn nghĩ. Ông nói, con cháu có học giỏi đến đâu mà không biết hiếu đễ với ông bà thì cũng bỏ đi. Thay vì cố học thêm một buổi Toán, buổi Văn, tôi nên ở bên ông bà nhiều hơn. Những lúc ấy, bà lại an ủi: “Thôi, ông già rồi nên khó tính khó nết. Cháu cứ ưu tiên việc học của cháu trước. Chỉ cần cháu đỗ đạt là ông vui ngay”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi vin vào đó nên gần như “bỏ ngoài tai” lời phàn nàn của ông. Tôi biết ông thực ra rất thương yêu tôi, luôn mong tôi học hành tấn tới, sau này có sự nghiệp tốt. Tôi tin, chắc chắn ông sẽ không so đo, hay là bắt tôi làm điều gì mà tôi không mong muốn.

Cho đến một ngày cuối tuần cách đây hơn 1 tháng, tự nhiên ông gọi cho tôi, hỏi: “Cháu có thể nghỉ một buổi học thêm để hôm nay về chơi với ông bà không? Ông lâu rồi chẳng được gặp và chuyện trò với cháu”. Tất nhiên câu trả lời của tôi là: “Không thể”. Tôi nói với ông là tôi đang vào giai đoạn nước rút thi cử. Nếu nghỉ một buổi học thêm, tôi sẽ mất nhiều kiến thức. Tôi nói ông đợi thi xong tôi sẽ qua nhà chơi với ông thường xuyên.

Nghe tôi nói vậy, ông cũng chấp thuận: “Thôi thì đành vậy. Ông không nỡ vì ông mà làm ảnh hưởng đến việc học của cháu. Ông già rồi, lẩm cẩm thật rồi. Cháu đi học thì còn có kiến thức chứ ở bên ông chẳng để làm gì”.

Tôi cũng hơi mủi lòng khi nghe ông nói những câu đó nhưng rồi lại vội cho qua. Với tôi, áp lực phải thi đỗ đã choán hết suy nghĩ, hành động, cuộc sống của tôi lúc này.

Tôi đã không bao giờ nghĩ tới một tình huống khủng khiếp xảy tới. Ngay đêm đó, ông tôi bị đột quỵ và qua đời mà không kịp gặp con cháu. Nghe bà tôi kể lại, hình như ông linh tính điều không lành nên trước đó cứ căn dặn bà phải chăm sóc nhà cửa, con cháu. Ông nhắc lại lời của tôi là sau khi thi xong sẽ đến chơi với ông bà thật nhiều. Vì thế, ông muốn bà phải dọn nhà gọn gàng, nấu nhiều món ăn ngon để đón tôi tới chơi. Sau đó, ông kêu đau đầu, muốn đi nằm và không bao giờ trở dậy nữa.

Tôi đã gào khóc thảm thiết vì thương ông. Nhớ lại câu hỏi của ông với tôi chỉ vài tiếng trước: “Cháu có thể nghỉ một buổi học thêm không?” mà tôi ân hận vô cùng. Giá thời gian quay lại, tôi sẽ không chỉ nghỉ một buổi học thêm mà sẵn sàng để riêng một ngày mỗi cuối tuần để đến thăm ông bà. Giờ có làm vậy, tôi cũng đã vĩnh viễn không còn ông trên cõi đời này.

Ông tôi đến cuối đời vẫn nghĩ đến tôi, còn tôi, thì chỉ dành cho ông một góc rất nhỏ trong suy nghĩ…

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.