Cháu nội “nhỏ mà có võ”

Chia sẻ

Hôm đó, sau khi đi ra ngoài trở về, sẵn trong người đang bực mình, ông liền thốt lên: “Khốn kiếp nhà nó. Lần sau là ông không tha cho chúng mày đâu”, rồi ông quẳng luôn chiếc cặp táp lên mặt bàn.

Bà chẳng hiểu chuyện gì nhưng thấy ông như thế nên đành im lặng. Bà sợ nói gì thêm lúc này lại càng khiến ông bực tức thêm.

Bỗng đứa cháu nội 6 tuổi của ông đang ngồi học bài gần đó chạy lại. Nó nhíu mày nhìn ông rồi nói: “Sao ông nội lại nói bậy? Bình thường, ông bảo cháu nói bậy là xấu, là hư, là bẩn mồm cơ mà. Vậy lần này là ông xấu, ông hư rồi nhé!”.

Ông nội định quát cháu đã làm phiền ông, nhưng sau khi nghe cháu nói vậy thì ông ngẩn người, xấu hổ quá. Ông vội ôm lấy cháu, rối rít xin lỗi: “Đúng rồi, lần này ông sai. Tại ông đang có việc bực mình, ông quên mất. Từ nay ông sẽ không nói bậy nữa. Cháu xí xóa cho ông nhé”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cháu nội vẫn không chịu “bỏ qua” cho ông. Nó lại hẩy ông ra, tiếp tục phê bình: “Ông đi về chưa rửa tay chân sạch sẽ mà đã ôm lấy cháu. Nhỡ ông lây bệnh Covid cho cả nhà thì sao? Rồi cái cặp của ông nữa, ông bảo đồ đạc lấy ở đâu dùng xong phải để lại chỗ đó, vậy mà ông lại vứt cái cặp bừa bãi trên bàn uống nước của cả nhà”.

Lần này thì ông nội không biết trốn vào đâu để giấu đi sự xấu hổ. Ông vội đưa mắt sang cầu cứu bà. Thấy vậy, bà vội dắt cháu vào trong nhà, không quên nói đỡ cho ông: “Đúng là ông sai rồi. Giờ, cháu cho ông đi sửa sai nhé”.

Ông nội có bà “cứu” liền chạy đi rửa tay, thay quần áo ở nhà rồi cất cặp vào đúng vị trí. Khi hai ông bà ở trong phòng, bà tủm tỉm cười, nói nhỏ với ông: “May quá, trong nhà từ nay có người giám sát, uốn nắn ông rồi. Ông liệu đường mà bỏ thói hư tật xấu, kẻo cháu nó không phục đâu nhé”.

Bình thường, ông nội không dễ gì mà nghe góp ý của bà. Có lần, bà nói đúng mà ông vẫn còn nổi cáu, lấn lướt bà. Nhưng cháu nội của ông tuy nhỏ mà có võ ghê gớm. Nó phê bình ông điều gì thì ông chỉ có “tâm phục, khẩu phục”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vì thế, cách tốt nhất để “chữa ngượng” của ông nội là phải điều chỉnh lại tác phong, lời ăn tiếng nói của mình. Bà nhận thấy, từ ngày hai vợ chồng con trai gửi con đến nhờ ông bà trông giúp một thời gian vì chúng nó phải đi làm ăn xa, ông nội cũng “ngoan” hẳn lên. Sáng ra, ông chăm chỉ dậy sớm tập thể dục, trưa đến thì ăn đúng giờ. Tối ông cũng ít thức khuya hơn. Ông còn hạn chế việc hút thuốc lào. Đó là bởi ông đang làm gương cho cháu về nếp sinh hoạt điều độ, lành mạnh. Ông cũng ít hẳn nói nặng lời với bà và còn hay giúp bà việc nhà. Là ông nội sợ lại bị cháu hỏi “vì sao ông lại hay… bắt nạt bà thế?”. Ngồi lên xe máy, dù chỉ đi một đoạn ngắn, ông không bao giờ quên đội mũ xe máy. Trong khi đó, trước đây, có lần thấy ông không mũ, bà nhắc thì ông quạu lại: “Gớm, tôi đi có một đoạn ngắn, việc gì phải đội mũ cho vướng ra”. Nay, ông không muốn cháu nghĩ rằng ông là người lớn mà không chấp hành luật an toàn giao thông.

Từ ngày có cháu nội nhắc nhở ông, bà tâm đắc lắm. Thật đúng là: “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.