Chị nên đồng hành cùng anh

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Người phụ nữ ấy đã ngoài 60, gọi điện đến số điện thoại của Văn phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân – gia đình của chúng tôi, nói là “xin ý kiến” các chuyên gia tư vấn xem có nên đi cùng chồng thăm lại chiến trường xưa và nhân tiện thăm “cô bạn gái cũ” của anh ấy không.

Anh Hoàng và chị Hoa năm nay 61 tuổi. Họ học cùng lớp cấp ba ngày xưa. Tháng hai năm 1979, khi ấy anh Hoàng và chị Hoa đang học lớp 10, lớp cuối cấp (theo hệ giáo dục 10 năm trước kia) chiến tranh biên giới bước vào những tháng ngày khốc liệt nhất, Anh Hoàng cùng một số bạn trai cùng trường khác gác lại bút nghiên, lên đường ra trận. Chị Hoa lúc ấy chỉ là “bạn cùng lớp bình thường, không phải là người yêu, vì hồi ấy các bạn học sinh cấp ba còn ngoan, hiền, ngố lắm!”.

Chị nên đồng hành cùng anh - ảnh 1
Ảnh minh họa

Anh Hoàng đi từ ấy, đến tận năm 1988 mới ra quân. Anh trở về làng, tham gia công tác địa phương. Kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ già, đông các em, chị Hoa tần tảo làm ăn, buôn bán thêm để lo kinh tế gia đình. Chính vì thế, chị được gọi là “muộn chồng”. Trai chưa vợ, gái  “chưa có gì”, việc họ đến với nhau, yêu thương nhau, xây dựng tổ ấm uyên ương là điều hết sức tự nhiên, bởi họ lại còn là bạn học cũ, mà bây giờ người ta hay gọi là “đồng môn”.  Họ sống với nhau hơn 30 năm hạnh phúc, nay cả hai ngoài 60, có con dâu, con rể, có cháu nội, cháu ngoại, đủ nếp, đủ tẻ. Vậy mà gần đây, chị Hoa nói, “ông ấy giở chứng, sinh sự”, khiến cho chị buồn lòng, khó nghĩ, không biết nên làm gì.
Chị kể, chồng chị suốt mấy chục năm qua làm cán bộ địa phương rất nhiệt tình, có uy tín, được mọi người yêu quý, tín nhiệm. Anh đã kinh qua gần như hết các vị trí công tác ở địa phương, tiếc là do trình độ học vấn hạn chế, chỉ mới tốt nghiệp cấp ba, nên không thể phát triển hơn. Mấy năm lại đây anh nghỉ hết mọi vị trí công tác, chỉ giữ mỗi chức “Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường” (xã chị giờ đã lên phường của một quận mới), nên cũng đỡ bận rộn. Anh dành thời gian chăm sóc cây cảnh, làm thơ, lên mạng kết nối tìm đồng đội cũ, lập hội nhóm giao lưu cho vui. 

Đầu xuân năm vừa rồi, vừa vui vì đại dịch Covid-19 cũng đã qua, anh em trong Hội đều an lành, nên Hội của anh tổ chức chuyến đi “Trở lại chiến trường xưa”. Chị Hoa và các con cũng nhắc nhở anh rằng Hà Giang núi cao, hiểm trở, dành cho thanh niên đi phượt, chứ không dành cho những cụ U60-70 đâu. Anh giận, nói rằng anh chưa già. Hơn nữa, bao nhiêu đồng ngũ của anh “sống bám đá, chết vùi trên đá”, có người không trở về. Bây giờ đi lại không khó khăn, đường xá làm đẹp, lẽ nào anh và các “chiến hữu” không đi lên đó được một chuyến? Anh vẫn là “con nhà binh”, nói là làm, không ai cản được. Cũng may, chuyến đi an toàn, nhưng từ hôm trở về, “ông ấy như con người khác”!
Ông tủm tỉm cười suốt ngày. Ông gọi điện hết cho người nọ, người kia, trách rằng “chuyến đi tuyệt vời mà mày không đi được, tiếc quá!”.

Chị nên đồng hành cùng anh - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ông buôn chuyện với những người khác, rồi cảm hứng trào dâng, ông kể chuyến đi, không sót một chi tiết nào. Ông khoe, được các đồng chí ở Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện ở trên đó tận tình đón tiếp, giao lưu, thắm tình hữu nghị. Ông khoe với người bạn cũ rằng: “cô ấy vẫn ở đấy cậu ạ. Không ngờ, bao nhiêu năm rồi, cô ấy vẫn nhớ từng chi tiết của cuộc sống hồi ấy. Chồng cô ấy chết mấy năm trước do bệnh ung thư, giờ ở với con trai và con dâu, bế cháu. Trước cũng có tham gia làm y tế xã, được cử đi học y sĩ, về phụ trách trạm, nhưng nghỉ hưu 5 năm rồi”. Nghe câu chuyện này, chị Hoa tra hỏi anh Hoàng rằng đó là ai mà anh nói về cô ấy hào hứng thế. Anh thật thà khoe, đấy là cô Vi Thị H, trước cùng đơn vị, là người địa phương. Cô ấy xinh đẹp, da trắng, vừa là anh nuôi, vừa làm cứu thương, băng bó cho chiến sĩ khi bị thương. Người nho nhỏ thôi mà anh dũng kiên cường lắm. Bao nhiêu anh bộ đội thích cô ấy mà không anh nào dám tán tỉnh, vậy mà anh Hoàng lại được cô ấy “để ý từ lâu”. Hai người đã chính thức yêu nhau và trao nhau nụ hôn đầu đời vụng về ngay trên mỏm đá, ngay lúc im tiếng súng giữa hai trận đánh…

Chị Hoa bắt đầu nổi máu nóng, hờn dỗi, khóc lóc. Chị bảo, vậy là bao năm nay anh vẫn ôm ấp bóng hình ấy, và bây giờ anh đã tìm lại chị ấy. Chồng chị ấy đã mất, anh gặp lại chị ấy mà hào hứng như vớ được vàng. Chị lo tình cũ không rủ cũng đến. Anh còn bàn với mấy anh em trong Hội sẽ “trở lại nơi ấy” với những túi quà, món quà thiện nguyện, giúp đồng bào và trẻ em. Họ đang có kế hoạch triển khai đi quyên góp ở địa phương, chắc ra giêng họ lại lên đường. Anh Hoàng còn rủ chị Hoa “tham gia cùng anh em nhé!”.
Nghe xong chuyện của chị Hoa mà chuyên viên tư vấn tâm lý cứ tủm tỉm cười. Tình yêu thật là kỳ diệu, sự hờn ghen của người vợ ngoài 60 với người chồng sau chuyến “trở lại chiến trường xưa” mới đáng yêu làm sao. Các chuyên viên chia sẻ tâm trạng với chị Hoa, ca ngợi chị phải yêu chồng lắm mới có cảm giác như “sắp mất anh ấy” như vậy.

Chị nên đồng hành cùng anh - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nhắc chị nhớ lại những năm tháng anh chị đồng hành với nhau, từ lúc hai bàn tay trắng, đến khi mọi thứ đủ đầy như bây giờ. Anh ấy là người đàn ông mẫu mực, người cán bộ địa phương tận tụy. Anh còn là người sống có trước, có sau, có thủy, có chung, thật đáng trân trọng. Tất cả những gì ở anh ấy mà chị cho là “dở hơi”, thật ra đó là những cảm xúc mới, do kỷ niệm cũ mang lại. Ai cũng có quá khứ, nhất là những kỷ niệm thiêng liêng, cần trân trọng và nâng giữ. Nhờ chuyến đi mà anh ấy đã vui hơn, khỏe hơn, hào hứng với cuộc sống và dự định có ý nghĩa hơn, điều này không liều thuốc tiên nào mang lại được. Anh ấy trở lại chiến trường xưa, chắc hẳn không phải để đi tìm người yêu cũ. Việc gặp lại người xưa có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng nó làm cho chuyến đi thêm ý nghĩa.

Chị là người bạn học cũ, là người cùng làng (nay là phường), là người vợ, cùng anh ấy đồng hành suốt ba mươi mấy năm qua, không lẽ chỉ vì việc vui thế mà chị lại bỏ anh đi một mình, không đồng hành cùng anh trong chuyến đi tới. Hãy cùng anh và đồng đội thực hiện những chuyến đi du lịch mang ý nghĩa từ thiện, vừa mang lại niềm vui cho người khác, vừa mang lại niềm vui cho chính mình!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.