Chỉ tình yêu thôi chưa đủ

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Yêu là việc của trái tim, nên khi các bạn nam, nữ đã trưởng thành, gặp được người mà mình cảm thấy hợp, tình yêu dễ nảy nở, kể cả khi mới chỉ quen trên mạng. Tuy nhiên, kết hôn hay không, cuộc sống vợ chồng sau này ra sao, liệu có hạnh phúc không… lại là việc của trí óc...

“Yêu là việc của trái tim, nên khi các bạn nam, nữ đã trưởng thành, gặp được người mà mình cảm thấy hợp, tình yêu dễ nảy nở, kể cả khi mới chỉ quen trên mạng. Tuy nhiên, kết hôn hay không, cuộc sống vợ chồng sau này ra sao, liệu có hạnh phúc không… lại là việc của trí óc. Các cháu mới chỉ có duy nhất một thứ, đó là “tình yêu qua mạng”. Các cháu lại là những thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, còn yêu xa, nên cha mẹ cháu có lo lắng, nhắc nhở, thậm chí ngăn cản cháu đừng ảo tưởng vào mối quan hệ hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Họ vì thương, lo lắng cho cuộc sống của con gái mình mai sau, nên mới hành động như vậy. Đây là tấm lòng của tất cả những người làm cha, làm mẹ, mong cháu hiểu và trân trọng…”. Tôi đã nói với bạn gái 28 tuổi tên Nhung như vậy khi nghe bố mẹ bạn “trình bày” câu chuyện của gia đình mình…

Bố mẹ Nhung chở con gái mình trên ô tô của gia đình đến văn phòng tư vấn tâm lý. Họ nói đại ý rằng, họ là những người lớn tuổi, có hiểu biết, cũng thường xuyên khuyên răn mọi người khi họ có vấn đề trục trặc trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi chuyện xảy ra với con gái mình, họ lại lúng túng, nên muốn “nhờ các bác” nói cho cháu hiểu vấn đề, rằng không phải bố mẹ ác, cổ hủ, lạc hậu, không hiểu về tình yêu. Họ cũng bảo rằng “cháu nó bị khuyết tật, đi lại khó khăn, ít giao tiếp với mọi người, chỉ loanh quanh làm bạn với cái đài, tivi, mấy tờ báo, gần đây là mạng internet, cũng biết về Văn phòng tư vấn tâm lý và các bác, nên khi nói rằng đi gặp các bác, cháu nó đồng ý ngay, may quá”.

Chỉ tình yêu thôi chưa đủ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Gia đình Nhung khá giả, bố mẹ là cán bộ, cũng mới nghỉ hưu. Hai anh trai đều trưởng thành, sống độc lập, ở cùng thành phố. Tuy đã 28 tuổi, nhưng bị khuyết tật vận động, nên Nhung ở nhà với bố mẹ. Mặc dù không kiếm được tiền, nhưng Nhung có thể tự phục vụ bản thân, phụ giúp mẹ một số công việc gia đình như lau nhà, nhặt rau, phơi quần áo sau khi giặt, chăm sóc cây cảnh… Bố mẹ Nhung xác định sẽ lo cho Nhung khi ông bà còn sống và khỏe mạnh. Đồng thời cũng mở cho Nhung một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, sau này nếu ai nhận nhiệm vụ trông coi, chăm sóc Nhung, sẽ dùng số tiền lãi lấy từ tài khoản tiết kiệm ấy. Nhung sẽ không trở thành gánh nặng tài chính cho anh chị và các cháu, đỡ bị hắt hủi, ngược đãi. Trong thâm tâm, bố mẹ không dám nghĩ Nhung sẽ lấy được chồng…

Vậy mà năm trước, trong thời gian đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, Nhung lên mạng, tham gia vào “Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật sống độc lập”. Tại đây, Nhung kết bạn, làm quen với nhiều thanh niên với các dạng khiếm khuyết khác nhau trên mọi tỉnh thành. Nhung quý mến và tình yêu nảy nở với một chàng trai hơn Nhung 2 tuổi, bị khiếm thị (mù), sống ở Vũng Tàu. Nhung nói rằng tuy bạn trai của mình bị khiếm thị, nhưng anh ấy “rất giỏi”, biết hát, chơi đàn, tham gia Đoàn nghệ thuật tình thương, đi biểu diễn khắp nơi, từ TP Hồ Chí Minh, đến tận An Giang, Đắk Lắk. Anh ấy có khả năng giao tiếp tốt, sử dụng điện thoại giỏi, thậm chí còn chát nói chuyện với cả người nước ngoài. Anh ấy nói không nhìn rõ mặt Nhung, nhưng anh ấy “chết mê chết mệt cái giọng con gái Hà Nội”. Đặc biệt, hai người nói chuyện với nhau rất hợp. Họ không chỉ nói yêu nhau, dù chưa gặp nhau lần nào, mà gần đây họ còn nói sẽ kết hôn với nhau. Bạn trai của Nhung cũng nói chuyện với bố mẹ anh ấy về mối quan hệ với Nhung, bố mẹ anh ấy “tôn trọng sự tự quyết của anh ấy”, bởi họ tin anh ấy, anh ấy là người tự lập từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, khi Nhung nói chuyện này với bố mẹ mình thì bố mẹ Nhung đã quá nóng nảy, ngăn cấm thô bạo, khiến có lúc Nhung định tự tử, hoặc trốn nhà ra đi.

Chỉ tình yêu thôi chưa đủ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Họ nói rằng không có ai yêu thật lòng một “con què” (khó khăn trong đi lại) như Nhung, chắc bạn trai chỉ tán tỉnh cho vui. Họ nói rằng hai người lành lặn, mà yêu xa còn khó, đằng này lại người khuyết tật kẻ Bắc, người Nam, lối sống khác nhau, lấy nhau sao được. Họ cũng bảo chàng trai khiếm thị cần một người vợ khỏe mạnh làm bờ vai vững chắc để anh ấy tựa vào, chứ làm gì có chuyện hai người khuyết tật lấy nhau. Bố mẹ Nhung cũng nói, bây giờ bố mẹ còn sức khỏe, có điều kiện kinh tế lo cho Nhung, chứ Nhung đi lấy chồng, ai nuôi, ai chăm sóc. Nhung sẽ ở nhà một mình, còn chồng sẽ đi biểu diễn khắp nơi kiếm tiền, ngộ nhỡ hai đứa có con với nhau, người như Nhung chăm sóc, nuôi nấng con làm sao? Ngộ nhỡ “cậu kia” khiếm thị, sinh con ra cũng bị khiếm thị thì sao? Họ cũng nói rằng nếu Nhung muốn sinh con, có đứa con cho vui, sau này nương nhờ nó, bố mẹ cô sẵn sàng đưa cô vào viện nhờ bác sĩ thực hiện thụ tinh nhân tạo, để Nhung thành “mẹ đơn thân”. Họ nói Nhung đang sung sướng, ở nhà mình, không phải làm gì, mọi thứ có mẹ lo cho, sau này còn có vốn liếng bố mẹ để lại, tự nhiên lại muốn “đâm đầu vào chỗ khổ”. Nhung cãi lại bố mẹ, Nhung khóc rất nhiều, Nhung tâm sự, chia sẻ với người yêu, anh ấy động viên, an ủi Nhung. Không có anh ấy, Nhung đã “đi chết cho xong” rồi…

Sau khi nghe cả nhà trao đổi câu chuyện của mình, tôi đã nói với Nhung những lời như đã nêu ở phần đầu bài viết này. Sau đó tôi dành thời gian nói chuyện khá nhiều với bố mẹ của Nhung. Chúng tôi khẳng định với họ rằng việc yêu đương, mong muốn có vợ, có chồng là một nhu cầu chính đáng, hợp pháp, kể cả những người có những khiếm khuyết nhất định. Đừng bao giờ nghĩ rằng một cô gái khuyết tật thì không có ai yêu, ai lấy. Thật ra cuộc sống có một quy luật “nồi nào vung ấy”. Nhung đã gặp một người bạn cũng có những khó khăn nhất định, họ đã yêu thương nhau và đã nghĩ xa hơn tới việc kết hôn. Nếu để ý, chúng ta còn thấy nhiều đôi, hai vợ chồng đều bị mù, có người cụt hai chân, hai tay, thậm chí không có chân tay, họ vẫn kết hôn, sống hạnh phúc, sinh con đẻ cái. Việc cô gái có khó khăn trong vận động sống ở Hà Nội, yêu và kết hôn với chàng trai mù, quê Vũng Tàu, nhưng đi kiếm ăn khắp nơi… không phải là vấn đề khó nhất. Bố mẹ Nhung đã thương, chuẩn bị tiền bạc cho Nhung, thì nay chuyển sang hỗ vợ “vợ chồng chúng nó” vẫn tốt chứ sao. Bố mẹ Nhung nên ủng hộ và tạo điều kiện cho con mình và chàng trai kém may mắn kia đến với nhau. Tuy nhiên, mọi việc cần thực hiện có lộ trình.

Chỉ tình yêu thôi chưa đủ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đầu tiên, Nhung cho bố mẹ số điện thoại của người yêu, hoặc nhắc “cậu ấy” gọi điện nói chuyện với bố mẹ mình. Sau khi xác định rằng hai đứa yêu thương nhau thật, hãy tạo điều kiện cho chàng trai ra Bắc gặp gỡ người yêu và gia đình, hoặc ngược lại, gia đình Nhung thực hiện một chuyến du lịch Vũng Tàu, tiện thể “ghé thăm con rể tương lai và ông bà sui gia”. Gặp nhau rồi, cả đôi bên nói cho nhau hiểu mọi khó khăn, từ việc làm gì, ở đâu, sống ra sao, sinh con thế nào. Khó khăn nào bố mẹ đôi bên “gánh đỡ” được thì gánh, còn lại hai bạn trẻ phải tự mình lo. 

Bạn gái có thể theo chồng về sống ở Vũng Tàu, chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, nuôi con, hoặc có thể kiếm tiền bằng những công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, chẳng hạn mở ki ốt bán hàng, hay bán hàng online. Chàng trai có thể ra Bắc chung sống với bố mẹ cô gái, cứ đi hát như vẫn thường làm. Ở ngoài Bắc, Hội người khiếm thị hoạt động cũng mạnh và cũng có nhiều việc cho bạn ấy làm. Hai bạn ấy không thích sống gần bố mẹ đôi bên, mà thích sống độc lập, hãy tôn trọng tinh thần tự lập ấy của hai bạn, bố mẹ đôi bên chỉ “dang tay cứu giúp” khi đôi trẻ thật sự khó khăn và chủ động “kêu cứu”. Tuy nhiên, từ nói đến thực hiện là cả chặng đường khó khăn. Vì vậy, cha mẹ hãy đồng hành cũng con cái mình dò dẫm từng bước chắc chắn trên con đường đi tìm hạnh phúc. Chỉ có khi nào cố gắng, nỗ lực hết sức mà không thành công mới chấp nhận… buông tay.

Sau khi các nhà tư vấn phân tích, nhắc nhở, góp ý, gợi ý định hướng, nét mặt cô gái tên Nhung rạng rỡ hẳn lên. Đặc biệt, bố mẹ cô gái cũng thấy có con đường để đi, chứ không còn bị bế tắc như trước nữa. Ông bố nói rằng, quan trọng nhất là một hướng đi. Chúng tôi lúng túng vì cứ kéo con gái mình đi theo con đường mình chọn, mà chưa thử cùng con tìm những con đường khác. Tiếp lời ông bố, một chuyên gia tư vấn tâm lý gạo cội kết luận rằng: “Cho nhau nghìn vạn lạng vàng/ Không bằng chỉ giúp quãng đàng mà đi”, nghề của chúng tôi là “nghề chỉ đường”, còn đi hay không đi, đi nhanh hay đi chậm, đi đến cùng hay nửa chừng dừng lại là việc của… mọi người.

Trước khi chia tay, thấy vợ chồng vị khách nói với nhau rằng tối nay gọi điện nói chuyện ngay với “cậu kia”, nếu mọi điều tốt đẹp, thì dịp Quốc Khánh tới nhà mình đi Vũng Tàu, tiện thể thăm Côn Đảo nhé. Những người làm tư vấn rất mong hai bạn trẻ thiệt thòi sẽ thương yêu nhau và có một cuộc sống an bình, hạnh phúc!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.