Chiếc điện thoại không im lìm của ông nội
(PNTĐ) -Sau khi lo xong việc tang ma cho ông, mọi người trong nhà tôi mới bình tĩnh dọn lại căn phòng nơi ông ở. Trong ngăn kéo tủ ở đầu giường là chiếc điện thoại “cùi bắp” ông vẫn dùng.
Bố tôi kiểm tra điện thoại, người cuối cùng ông gọi chính là tôi. Nhưng, đó lại là 3 cuộc gọi nhỡ. Tôi vẫn nhớ hôm đó, tôi đang đi chơi với bạn thì ông gọi. Nghĩ là ông lại chỉ hỏi thăm tôi như thế nào, tại sao lâu rồi không về chơi với ông nên tôi không nghe. Ông gọi đến lần thứ 3 thì dừng. Tôi cũng chẳng mảy may áy náy gì vì ông vẫn thường hay gọi đi gọi lại cho con cháu nếu con cháu không nghe máy như vậy. Không ngờ, đó là khi cảm thấy trong người khó chịu, ông đã gọi cho tôi để nhờ hỗ trợ.
Khi ông được đưa vào viện cấp cứu, tôi nhận được tin báo vội vào ngay với ông và quên luôn những cuộc gọi nhỡ. Chiếc điện thoại của ông tôi thuộc loại “cùi bắp” chỉ dùng để nghe và gọi nên pin có thể duy trì khá lâu. Mãi gần 1 tuần sau được bố tôi tìm thấy, điện thoại vẫn còn pin, dù yếu ớt, đủ để nhắc tôi rằng ông đã cần tới tôi trước khi mất rồi mới tắt lịm.

Bố trao điện thoại cho tôi, nói “con giữ lấy kỷ vật của ông”. Về tới nhà, tôi không đủ can đảm để sạc điện thoại. Tôi sợ đối diện với sự thật là tôi đã quá vô tâm với ông. Từ lúc nào, tôi đã coi việc được ông thường xuyên hỏi thăm, gọi điện là phiền phức. Tôi khó chịu khi cuối giờ chiều, ông hay gọi điện mà nội dung chẳng có gì ngoài việc hỏi cháu hôm nay thế nào. Rồi thi thoảng buổi tối, ông lại gọi cho tôi nói mấy chuyện chẳng gấp gáp gì, có thể để hôm sau, hôm sau nữa nói cũng được. Thế là thay vì trả lời ông cho tử tế, tôi đã luôn nói mình đang bận, hay là nói qua quýt cho xong để dập máy làm việc khác.
Chỉ khi ông qua đời rồi, tôi mới thấy mình đã bỏ lỡ điều gì đó vô cùng quý giá. Tôi chỉ có một người ông nội nên ông qua đời rồi sẽ chẳng còn ai gọi cho tôi nữa. Dù tôi có muốn và mong đến thế nào.
Mấy ngày sau, chiếc điện thoại hết pin của ông nội vẫn nằm trên giường, im lìm. Vì ông tôi đã mất và nó không còn hoạt động nên vĩnh viễn điện thoại của tôi không bao giờ còn hiện lên danh bạ với hai từ “ông nội” gọi đến nữa.
Thật là buồn, khi người thân của chúng ta còn sống, chúng ta lại vẫn thường làm tổn thương họ. Và khi họ qua đời, việc chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình lại đã quá muộn mằn.