Chiếc thùng phuy đựng gạo

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bà tôi sinh được 3 người con trai, trong đó có bố tôi. Một lần sang nhà tôi ăn cơm, bà kể cho chúng tôi nghe về chiếc thùng phuy đựng gạo của bà năm xưa.

Chẳng là bữa đó, mẹ tôi thổi loại gạo mới ST25 ngon nhất thế giới mà mẹ vừa mua được. Bưng bát cơm mới thổi dẻo, mềm, hương thơm dịu, bà tôi bỗng nhớ về thùng phuy gạo trong nhà bà năm xưa.  

Thì ra vào cái thời mà 3 con trai của bà đang tuổi lớn, nỗi canh cánh của bà tôi hàng tháng chính là lo đủ gạo ăn cho cả nhà. Cứ đầu tháng, sau khi lĩnh lương, việc đầu tiên của bà là mua đủ 1 tạ gạo, đổ đầy cái thùng phuy nhựa. Tôi vẫn nhớ đó là cái thùng phuy to màu xanh nước biển, thường dùng để đựng nước nhưng ở nhà, bà tôi dùng nó để đựng gạo. Kinh tế trong nhà không dư dả, bà chỉ dám mua loại gạo giá rẻ, hạt gạo thổi lên chương to và khô, đến cuối bữa thì cứng như cơm nguội, chưa kể có lúc gạo còn có mùi oai oải.

Chiếc thùng phuy đựng gạo  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế mà bà kể, 3 con trai của bà ai cũng ăn khỏe, có thể chén bay 3 bát cơm mà vẫn thấy như chưa ăn gì. Để đảm bảo công bằng, bà luân phiên cho 3 con ngồi đầu nồi, xới cơm cho cả nhà. Bởi ngồi đầu nồi sẽ không thể ăn được nhiều vì các anh em ăn quá nhanh, có khi chưa kịp nhai xong miếng cơm đã có người chìa bát ra để lấy thêm cơm. Riêng chú út ít được ưu tiên cuối bữa ngồi vét nồi. Chú lấy cái thìa nhôm, vét quèn quẹt tới khi trong nồi không còn hạt cơm nào. Bà tôi có lúc còn phải nói vui, không khéo chú làm thủng nồi mất.

Cũng vì thế mà mỗi bữa bà thổi hơn 3 bò gạo, khi chín cơm dâng lên đầy miệng chiếc nồi gang. Bây giờ, nồi cơm ấy chắc một gia đình 4 người ăn ngày hai bữa không hết. Tính ra mỗi ngày, nhà bà ăn hết hơn 3kg gạo, một tháng “tiêu thụ” gần 1 tạ gạo. Thế nên, chỉ khi nào nhìn cái thùng gạo đầy thì bà mới cảm thấy yên tâm. 

“Tiền lương của bà lúc nào cũng dành để mua gạo đổ vào thùng trước, còn tiền mua thức ăn tính sau. Được cái thời đó còn đói khổ, mấy con trai chỉ cần có chút dưa cà mặn, vài hạt lạc phủ muối là đã trôi cơm, không cần thịt thà như bây giờ”. 

Tính ra, phải mất 10 năm bà mới hết giai đoạn “chạy gạo”. Đó là khi các con trai lần lượt bước qua cái tuổi ăn như tằm ăn rỗi. Sau đó thì bác cả tốt nghiệp trường trung cấp nghề và đi làm thợ điện, bắt đầu kiếm được tiền phụ thêm cho bà. Bố tôi cũng xuống thành phố học đại học còn chú út vào cấp 3. Lượng gạo đong hàng tháng ít dần. Cái thùng phuy không còn dùng để đựng gạo nữa mà chuyển qua đựng sắn khô bà tôi tích trữ để nuôi lợn. Cũng nhờ thế mà bà có đồng ra đồng vào nuôi các con. 

Câu chuyện bà kể với chúng tôi - thế hệ lớn lên trong sự no đủ - thật vui và lạ kỳ giống như câu chuyện cổ tích vậy. Bởi bây giờ, chúng tôi cũng đang ở tuổi ăn, tuổi lớn nhưng cũng chẳng có sức mà ăn nhiều. Đến bữa, mẹ tôi còn phải giành ngồi đầu nồi để cố gắng lèn thêm cơm vào bát nhân lúc tôi không để ý. Mẹ biết tính tôi chỉ ăn đúng một bát cơm là xong bữa nên lèn cơm thêm để tôi ăn được nhiều hơn. Ấy vậy mà có lúc tôi vẫn cứ đẩy qua đẩy lại, còn cố gắng xúc trả lại mẹ một vài thìa cơm. 

Chiếc thùng phuy đựng gạo  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bây giờ, cuộc sống ngày một no ấm, nhất là ở thành phố, cảnh thiếu đói đã không còn. Bà tôi cũng vậy, từ lâu, đã không còn phải lo lắng cái ăn, cái mặc cho đàn con. Ngược lại, bác tôi, bố tôi và chú tôi đã có đủ điều kiện để phụng dưỡng bà, mua cho bà những loại gạo thật ngon phù hợp với khẩu vị. Nhưng, bà tôi sức yếu, mỗi bữa chỉ ăn được lưng bát cơm con là no. Hai hàm răng bà rụng gần hết, dù hạt gạo dẻo thơm thì bà cũng vẫn nhai trệu trạo. 

Nghe chuyện kể về cái thùng gạo nhân bữa cơm sum họp với gia đình mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, càng thương bà nhiều hơn. Ngày trước, mình bà tất bật lo cho các con đủ gạo. Giờ, ba con đủ sức lo gạo cho bà, kể cả việc đổ đầy cái thùng phuy xanh cũng rất đơn giản, nhưng bà tôi chẳng bao giờ cần nhiều gạo đến thế.

Rốt cuộc, sự hy sinh của mẹ dành cho con vẫn luôn nhiều hơn những gì các con có thể báo đáp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.