Cho mùa thi
(PNTĐ) -
Em nghe không, những hòa thanh kỳ diệu
Một mùa thi lại đứng đợi trước thềm
Mắt em đỏ và một mùa hạ đỏ
Tháng năm ngực đầy rực rỡ ước mơ.
Ngọn đèn nào cháy suốt những canh khuya
Mồ hôi mùa hạ rơi nhòe trang vở
Bình yên đấy và cũng nồng nàn đấy
Cả những nhọc nhằn thầm lặng cháy trong em.
Ve lột xác mỗi mùa và day dứt thêm
Treo âm thanh vào nỗi buồn thiếu nữ
Loài hoa đỏ cứ dầy thêm mắt lửa
Em ngày mai rồi sẽ khác ngày xưa?
Mỗi lớp học trò đi nói gì với thầy cô
Ngân ngấn mắt, rưng rưng bàn chân bước
Chiếc bảng đen, chỗ ngồi rưng rưng nốt
Bài thơ rưng rưng khóc ở ngăn bàn.
Tháng năm nói, mùa dâng tràn nắng gió
Lo toan kề sau màu áo học trò
Ngọn đèn khuya đổ mồ hôi xuống vở
Tháng năm thở dài, đêm ngắn dần đi.
Bình minh nào hát bài ca chia li
Ở phía trước những con đường xa mãi
Ve và phượng và tháng năm ngủ lại
Ngày hôm qua gối đầu lên ngày mai.
Bình Nguyên Trang

LỜI BÌNH
Bình Nguyên Trang là tên tuổi khá quen thuộc của những lớp học trò thập niên 90 của thế kỉ XX. Thơ Bình Nguyên Trang đã nói hộ tiếng lòng của họ bằng những rung cảm của thế hệ sinh ra sau chiến tranh, vượt qua gian khó của thời bao cấp, đứng trước những thử thách của thời đầu mở cửa và luôn khẳng khái trước những lựa chọn của mình. Tuy nhiên, ngoài những điều đó, Bình Nguyên Trang còn mang một giọng điệu thơ khác lạ, luôn đứng giữa ranh giới của cảm xúc là triết lý.
Bài thơ có 6 khổ nhưng ở khổ thơ nào cũng mang một gam màu sôi nổi của: “hạ đỏ”, “nồng nàn”, “mắt lửa”, “dâng tràn”… lại chứa chất sự lắng đọng suy tư như một sự đối lập mà song hành với những: “rơi nhòe trang vở”, “ngân ngấn mắt”, “khóc ở ngăn bàn”…
Em nghe không, những hòa thanh kỳ diệu
Một mùa thi lại đứng đợi trước thềm
Mắt em đỏ và một mùa hạ đỏ
Tháng năm ngực đầy rực rỡ ước mơ.
Mùa thi với Bình Nguyên Trang là một sự trình diện, một thực tại không né tránh và cảm xúc chia ly đã hiện hữu: “Mắt em đỏ và một mùa hạ đỏ”. Hai màu đỏ ấy lại mang hai nghĩa đối nghịch. Hạ đỏ lên như sắp trôi qua gấp gáp, em đỏ mắt như muốn níu giữ:
Ngọn đèn nào cháy suốt những canh khuya
Mồ hôi mùa hạ rơi nhòe trang vở
Bình yên đấy và cũng nồng nàn đấy
Cả những nhọc nhằn thầm lặng cháy trong em.
Câu thơ mà người đọc cảm thấy xúc động nhất chính là tiếng lòng của cô bé mùa thi: “Bình yên đấy và cũng nồng nàn đấy”. Bình yên nào cũng chứa chất lo âu, càng gấp gáp, ngắn ngủi càng thiết tha và nồng nàn bởi những chân trời phía trước đang mời gọi.
Ve lột xác mỗi mùa và day dứt thêm
Treo âm thanh vào nỗi buồn thiếu nữ
Loài hoa đỏ cứ dầy thêm mắt lửa
Em ngày mai rồi sẽ khác ngày xưa?
“Nhân vật” ở khổ thơ thứ ba này chính là chiếc “đồng hồ” thời gian kỳ diệu được tạo nên bởi tiếng ve và hoa phượng. Chiếc đồng hồ không quay theo vòng tròn mà tuyến tính đi từ “ngày xưa” đến “ngày mai”. Trên hành trình thời gian ấy là những dấu mốc chỉ có ở tuổi học trò: “Bài thơ rưng rưng khóc ở ngăn bàn”, là: “Tháng năm thở dài, đêm ngắn dần đi”. Để rồi kết lại là một mùa hè không ngủ yên:
Bình minh nào hát bài ca chia li
Ở phía trước những con đường xa mãi
Ve và phượng và tháng năm ngủ lại
Ngày hôm qua gối đầu lên ngày mai.
Có lẽ với mỗi chúng ta dù ở độ tuổi nào khi gặp lại mùa hè cũng sẽ tâm niệm như nhà thơ Bình Nguyên Trang: “Ngày hôm qua gối đầu lên ngày mai”…