Chốn nương thân

Trần Ngọc Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhìn tôi, ai cũng bảo số sướng hưởng. Còn nếu tính theo ngày giờ sinh, tôi được cả giờ đẹp, ngày tháng sinh cũng đẹp. Nhưng, thực tế, cuộc đời tôi đâu có sung sướng, an nhàn như vậy.

Tôi là con gái duy nhất của bố mẹ. Ông bà lấy nhau muộn, 2 năm sau cưới thì mẹ mới mang bầu tôi. Sau đó, vì mưu sinh mà bố tôi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Bố đi đằng đẵng gần 7 năm trời không về thăm nhà, lúc được về hẳn thì tôi đã 9 tuổi. Bố mẹ tôi vì thế cũng không có điều kiện sinh thêm con nào nữa, mọi hy vọng tuổi già đều dồn lại nơi tôi.

Nhờ có tiền lao động của bố mà chúng tôi mua được một ngôi nhà nhỏ trên phố. Có thể nói, những tháng ngày thơ bé được ở cùng bố mẹ với tôi là yên bình nhất. Đến năm 22 tuổi, tôi có người yêu. Anh ta cũng là con một trong gia đình khá giả. Sau 3 tháng gặp gỡ, trong một lần đi chơi, tôi trót dại dẫn tới có bầu.

Một đám cưới được tổ chức chóng vánh dù bố mẹ chồng không ngớt lời chê bai tôi dễ dãi. Còn tôi cũng chưa kịp tìm hiểu kỹ đã trở thành vợ người ta. Cho tới khi thực sự bước chân vào hôn nhân, tôi mới thấy anh ta đâu có tình cảm gì với tôi. Không chỉ lười lao động, sống dựa vào tiền của bố mẹ, anh ta còn hay đi chơi thâu đêm suốt sáng. Tôi ở nhà ôm bụng bầu, biết chắc là chồng lại đang ở bên một cô gái trẻ đẹp nào đó.

Chốn nương thân - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau đó, trong một lần đi khám sàng lọc, bác sĩ thông báo một tin kinh hoàng: Cái thai trong bụng tôi có các chỉ số phát triển không bình thường. Nhiều khả năng em bé sẽ bị chậm phát triển trí tuệ. Trong khi tôi đau khổ cùng cực, thì chồng tôi đã bỏ về từ lúc nào. Không một lời an ủi, động viên vợ, anh ta còn nghi ngờ tôi mang gen bệnh từ bố mẹ cao tuổi nên di truyền sang thế hệ sau chứ nhà anh ta toàn người sáng láng. Ngay tối đó, anh ta mang chăn gối sang phòng khác ngủ vì sợ “ở gần” một người vợ như tôi. Anh ta kinh sợ cả cái thai “chậm phát triển trí tuệ” trong bụng tôi, bất chấp đó cũng là máu mủ của mình.

Trong tình huống ấy, sẵn đã bị nhà chồng ghẻ lạnh, tôi lại càng rơi vào thế tuyệt vọng hơn. Tôi sắp xếp hành lý trở về nhà với bố mẹ. Cả nhà chồng không hỏi thăm, níu giữ tôi một lời, còn sai người giúp việc gọi xe taxi cho tôi đi thật nhanh. 1 tuần sau, chồng tôi bắn tin muốn ly thân. Sau đó đợi tôi sinh xong, con cứng cáp thì vợ chồng sẽ ly hôn. 

Từ đó đến lúc ra tòa, tôi không gặp lại anh ta lần nào. Suốt thời gian trước đó, khi con tôi ra đời rồi lớn dần, anh ta và cả gia đình anh ta gần như mất dạng. Biết là tôi một nách phải nuôi con bệnh tật, thu nhập không có (khi biết cái thai không bình thường tôi đã phải xin nghỉ việc để tập trung lo cho con), anh ta cũng chẳng mảy may trăn trở. Anh ta không gửi một đồng nào nuôi con mà phủi hết trách nhiệm cho nhà ngoại. Bố mẹ tôi nói, với những người như thế thì không cần níu kéo làm gì. Từ nay, ông bà sẽ luôn đồng hành với mẹ con tôi. 

Chốn nương thân - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi đã bước đi trên hành trình làm mẹ đơn thân với biết bao khó khăn, vất vả. Tôi đưa con đi chạy chữa khắp nơi, có những giai đoạn, riêng tiền đóng học để can thiệp cho con đã lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng. Bố mẹ tôi đã dồn hết tiền lương hưu, rồi lãi tiết kiệm từ chút tiền nhỏ còn lại dưỡng già của ông bà để chi trả. Rồi bố mẹ thu dọn lại phòng khách, cả nhà dồn lại ở trên tầng hai lấy mặt bằng cho một người bán nước thuê lại, mỗi tháng có thêm được dăm đồng. Cả nhà tôi 4 người chỉ ăn tiêu trong khoản tiền cho thuê mặt bằng đó, còn lại tất cả đều chỉ dành cho đứa con côi cút bệnh tật của tôi.

Tuy nhiên, vì thế, lúc nào cả nhà tôi cũng ở trong cảnh thiếu trước hụt sau. Bố mẹ tôi tuổi cao, cũng bắt đầu có nhiều bệnh mà không có tiền chạy chữa. Còn tôi, ăn uống thì kham khổ, chỉ mải mê lo cho con nên cơ thể cũng ngày càng gầy mòn. 

Cuối cùng, bố tôi quyết định sẽ bán nhà để lấy tiền. Tôi đã phản đối kịch liệt vì ngôi nhà này lưu giữ biết bao kỷ niệm của cả gia đình, là công sức đi làm bao năm của bố tôi ở xứ người. Nhưng, tôi can ngăn thế nào, bố mẹ tôi cũng không từ bỏ ý định. Ông bà nói, giờ, tôi và con mới là tài sản quan trọng nhất của ông bà. Mấy tháng sau, ngôi nhà có có chủ mới. Bố mẹ tôi mua một ngôi nhà nhỏ ở huyện ngoại thành. Nhà tuy ở xa nhưng thoáng đãng, có đủ không gian cho con tôi chơi đùa chứ không bị bó buộc trong 4 bức tường ở nội đô chật chội như nhà cũ. 

Dọn đến nhà mới, tôi hy vọng cuộc đời mẹ con tôi rồi đây sẽ khấm khá hơn, những âu lo của quá khứ sẽ bị dẹp bỏ lại phía sau. Con tôi cũng có nhiều biểu hiện tiến bộ hơn, đã biết khoanh tay chào hỏi mọi người đến chơi nhà, những cơn tăng động có phần giảm đi. Bà con chòm xóm xung quanh biết hoàn cảnh của gia đình tôi nên cũng cưu mang, đùm bọc. 

Chốn nương thân - ảnh 3
Ảnh minh họa

Duy chỉ có chồng cũ của tôi, bố của con tôi vẫn không một lần liên lạc. Anh ta coi như đã vứt bỏ được một thứ gì đó nặng nợ. Cách đây hơn 1 năm, anh ta cưới vợ mới, một cô vợ rất trẻ, nghe nói gia đình cũng khá giàu có. Thi thoảng, tôi vẫn đi qua ngôi nhà của gia đình chồng cũ. Nó vẫn đứng đó, sừng sững, sang trọng. Nhưng tôi thấy thật nực cười khi bên trong là những con người thật bạc tình. Tôi tin rằng, nếu con trai tôi sinh ra thông minh, kháu khỉnh, không đời nào họ để cho tôi mang đi một cách dễ dàng như vậy. Nói không chừng, họ còn tìm mọi cách để giành quyền nuôi con với tôi. 

Có người khuyên tôi, không nên để cho chồng cũ và gia đình của anh ta được yên ổn như vậy. Tôi phải viết đơn tố cáo sự vô trách nhiệm của anh ta, ít ra cũng yêu cầu anh ta phải có nghĩa vụ đóng tiền nuôi và chữa bệnh cho con. Với một đứa trẻ bình thường, việc nuôi nấng hàng tháng đã tốn kém. Đằng này, con tôi còn cần phải can thiệp đặc biệt. Tuy nhiên, đúng như bố mẹ tôi nói, một người bạc bẽo với cả núm ruột của mình như thế thì không bao giờ cần tới. 

Với số tiền bán nhà cũ, bố mẹ tôi để lại một khoản lớn cho hai mẹ con tôi. Bố mẹ tôi nói, ông bà rồi cũng sẽ tới ngày khuất núi, tôi cũng già đi, không còn sức lao động nữa. Vậy thì khi đó tôi sẽ dùng số tiền đó để hai mẹ con nương nhờ viện dưỡng lão. Ngôi nhà đang ở, ông bà nói cũng cho mẹ con tôi. “Chết là hết, con không cần giữ nhà lại để làm nơi thờ cúng bố mẹ. Sau này, nếu cần, con cứ bán nhà đi để lấy tiền cho bản thân và thằng bé”, bố mẹ tôi nói.

Nhiều lúc, nhìn sang các gia đình khác, tôi cũng hơi buồn tủi vì thấy cuộc đời mình sao cơ cực quá. Ở tuổi này rồi, tôi cũng chưa một ngày báo hiếu lại được bố mẹ. Nhưng, tôi sẽ không để cho nỗi buồn đó đeo bám mình quá lâu khiến cho tôi mất đi nghị lực và niềm lạc quan.

Tôi vẫn luôn cảm ơn ông trời đã không đẩy mẹ con tôi vào bước đường cùng. Ít ra là tôi vẫn có bố mẹ ở bên và bố mẹ đã giúp sắp xếp cuộc sống tương lai cho hai mẹ con tôi. Sau tất cả, thì gia đình vẫn là chốn nương tựa yên bình để mẹ con tôi nương nhờ. Đứa con đau yếu của tôi không có bố, nhưng không có nghĩa là con cô đơn trên cuộc đời này. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.