Chúa sơn lâm với đạo Mẫu Việt Nam

Chia sẻ

Trong quan niệm của nhân dân ta hổ hay cọp được coi là vị chúa tể sơn lâm uy dũng. Còn trong văn hóa tâm linh, hổ từng tới cứu công chúa Diệu Thiện để Ngài tu đắc đạo Quan Âm; với Mẫu Thượng Ngàn hổ lại được Ngài thu phục, khắc chế; với Mẫu Thiên Y A Na, cọp hóa thành tùy tướng Bạch Hổ sơn quân cùng xông pha đánh giặc…

Năm 2022 là năm Nhâm Dần (Hổ Kim Bạch Kim - Hổ vàng pha bạc) chúng ta cùng tìm hiểu về Hổ, linh vật đứng thứ 3 trong 12 con giáp với văn hóa tâm linh mà cụ thể ở đây là đạo Mẫu (“Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”- do UNESCO ghi danh năm 2016).

Nếu cách đây hơn 100 năm, núi rừng còn phủ kín nhiều vùng, nhân dân ta vẫn gọi hổ bằng cách vừa sợ sệt, vừa tôn kính: “Ông Cọp!” hay nhiều nơi gọi hổ là: “Ông Ba Mươi!” để nhắc nhớ về câu chuyện sự tích con hổ là một tướng nhà trời có sức khỏe hơn người, đánh đâu thắng đó nên tự kiêu, tự phụ thách thức cả Ngọc Hoàng, được Đức Phật thu phục và Ngọc Hoàng cho xuống trần gian làm “Chúa tể sơn lâm”. Còn ngày nay, khi loài hổ đã trở thành một trong những loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và cả thế giới dành riêng ngày 29/7 hàng năm là “Ngày quốc tế về bảo tồn hổ” thì nhiều người đã gọi hổ với cái tên thân thiện, đi vào “thành ngữ” hiện đại: “Ông kễnh!” như: “Thôi đi ông kễnh!”, “Kễnh vừa thôi nhé!” ý nói: “Cu cậu cũng ghê đấy, không phải dạng vừa đâu!”…

Chúa sơn lâm với đạo Mẫu Việt Nam - ảnh 1

Chúa sơn lâm với văn hóa tâm linh nhiều nước đã trở thành linh vật, được tôn thờ: ở Trung Quốc, Bạch Hổ là một trong Tứ Thánh Thú - cai quản phương Tây; ở Hàn Quốc Hổ là Thần bảo hộ; tại Ấn Độ, nữ thần năng lượng - bất khả chiến bại trong đạo Hindu: Durga dùng sư tử hoặc cọp beo để cưỡi.

Còn trong văn hóa tâm linh Việt Nam thì Chúa sơn lâm có vị thế ra sao? Nếu ai đã từng đọc truyền thuyết “Quan Âm Diệu Thiện” sẽ nhớ chi tiết: Khi công chúa Diệu Thiện, con gái út của Vua Triệu Trang Vương quyết một lòng đi tu, không chịu lấy chồng theo ý cha và xảy ra nhiều chuyện ngoài ý muốn khiến cha nàng bắt xử giảo (thắt cổ hành hình). Trong khi nguy khốn, Diệu Thiện đã được thần núi Hương Tích hóa thành Bạch Hổ tới cứu mang về chùa Hương để sau này nàng tu đắc đạo, trở thành Quan Âm Diệu Thiện - Phật Bà chùa Hương Tích: “Bỗng đâu hổ đến bên nàng/ Đó là do chính Thần Hoàng hiện ra/ Cõng thây nàng chạy đi xa/ Chạy vào núi thẳm tránh xa chuyện đời”.

Với Lâm Cung Thánh Mẫu - Mẫu Thượng Ngàn trong Tam Tòa Thánh Mẫu thì ngài đã thu phục hổ tinh, do Mộc tinh hóa hiện ra bằng độc chiêu: chơi đàn một dây. Trong khi tất cả mọi người nghe đều thấy du dương, êm dịu, tinh thần phấn chấn, tươi vui thì Mộc tinh phải hiện hình thành một con hổ dữ, Thánh mẫu đã hóa phép ra một sợi dây xích lớn quấn quanh cổ hổ dắt đi.

Trong Điện Trường Bà thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na - Chúa Ngọc Thánh Phi (đã được công nhận là “Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2014”), tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quãng Ngãi có am thờ Bạch Hổ sơn quân hay còn gọi là: “Ông Hổ đi tu”. Tương truyền, Bạch Hổ là tùy tướng thân cận của Thánh Mẫu Thiên Y A Na, khi có giặc tới, “ông” hổ trắng đã cùng nữ chúa ra trận và có công giết giặc, khi thắng trận trở về tướng Bạch Hổ vào núi đi tu. Nhớ ơn “ông” người dân Trà Bồng đã lập điện thờ riêng.

Chúa sơn lâm với đạo Mẫu Việt Nam - ảnh 2

Trong lịch sử Việt Nam, vào thời loạn 12 sứ quân ở cuối nhà Ngô- đầu nhà Đinh đã có một vị tướng tài giỏi, cầm đầu một trong 12 xứ quân đó, tên là Phạm Bạch Hổ (Phạm Phòng Át), đã theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn và trở thành một vị danh tướng, Vua Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong cho nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và các triều đại phong tặng ông là: “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”. Hiện nay, đền Mây (thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là nơi thờ chính của Ngài. Tương truyền, một lần nằm mơ, mẹ Ngài đã hân hạnh được nhìn thấy Thần Tản Viên - Sơn Tinh và chú hổ trắng, sau đó thụ thai nên nhớ ơn ban con, vợ chồng bà đã đặt tên cậu bé là Phạm Bạch Hổ.

Trong chuyện thơ nôm “Tống Trân - Cúc Hoa” một tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam cũng có tình tiết khi Cúc Hoa bị cha ép tái giá, nàng không nghe lời đã bị cha đánh đập và nhốt mẹ chồng nàng vào chuồng trâu. Cúc Hoa lên núi Sơn Vi để quyên sinh, Thần Sơn Tinh quan sát nhân gian thấy cảnh đó, thương tình đã hóa phép thành mãnh hổ sang nước Tần mang thư của Cúc Hoa cho chồng để Tống Trân có thể về nhà trước kỳ hạn, kịp “cứu nguy” cho vợ.

Như vậy, với dân tộc Việt Nam nói chung và với đạo Mẫu, đạo thờ Mẹ ở nước ta nói riêng, Chúa sơn lâm - Ông Cọp có một vị trí đáng tôn kính, được nhân dân thờ phụng và xem như một trong những vị thần hộ quốc. Năm Nhâm Dần đã đến, hy vọng đất nước Việt Nam sẽ càng vững mạnh hơn, như một chú mãnh hổ oai dũng vững vàng đi qua đại dịch.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.