Các cấp Hội Phụ nữ cả nước:

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực không những thu hút đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ tham gia mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tại địa phương.

Lan tỏa phong trào thi đua trong các cấp Hội

Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động được các cấp Hội Phụ nữ tích cực triển khai gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của chị em, từ đó, Hội Phụ nữ đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hăng hái tham gia, góp phần thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô. 

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Điểm nổi bật trong năm 2021 và 2022, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức phát động cuộc thi “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa” do phụ nữ tự quản. Cụ thể, các đoạn đường, tuyến phố tham gia dự thi có chiều dài tối thiểu từ 500m trở lên được trang trí hoa, cây xanh bằng các hình thức phù hợp, khuyến khích trang trí thêm tiểu cảnh, vẽ tranh hoa, gắn hoa gốm sứ, treo đèn; có gắn biển “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa” do tổ chức Hội LHPN cơ sở đảm nhiệm… Từ đó, chị em phụ nữ các địa phương đã rà soát lựa chọn những tuyến đường khó, những tuyến đường trước kia là điểm chân rác tồn đọng… Đồng thời tích cực vận động chị em tham gia trồng và chăm sóc hoa, cây xanh, cải tạo cảnh quan tại khu dân cư.

Chung sức xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Tuyến đường xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bến Tre Ảnh: HPN

Kết quả, đã có hàng trăm mô hình “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa” do phụ nữ tự quản đăng ký thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, Hội PN còn vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp 2.520 ngày công lao động, ủng hộ 1,5 tỷ đồng để nạo vét kênh mương; Thu gom hơn 12 tấn rác thải trên đồng ruộng; Tổ chức tuyên truyền thu gom rơm rạ sau thu hoạch, dùng chế phẩm sinh học để ủ thành phân hữu cơ, đẩy mạnh phong trào xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn... góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Tại tỉnh Thái Nguyên, Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt về 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; Hội đã lựa chọn hình ảnh về các xã nông thôn mới điển hình trong tỉnh để làm clip phóng sự tuyên truyền tại cơ sở, tuyên truyền trong các hội thi, qua mạng xã hội… Đồng thời thành lập nhiều mô hình hiệu quả gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên tích cực chung sức xây dựng nông thôn mới”, có thể kể đến đó là các mô hình: “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”; “Con đường hoa”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Tổ phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Ngôi nhà xanh”… Tính đến giữa năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên đang duy trì hơn 2.200 câu lạc bộ “Gia đình 5 không 3 sạch”; cán bộ, hội viên phụ nữ đã tham gia trồng, chăm sóc gần 3.000km đường hoa. 

Chung sức xây dựng nông thôn mới - ảnh 2
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn hướng dẫn hội viên và người dân dùng IMO ủ rơm rạ và các phụ phẩm sau khi thu hoạch làm phân bón hữu cơ Ảnh: HPN

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN Việt Nam tham gia triển khai thực hiện một số nội dung, trong đó có bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới. Cụ thể tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ và người dân trong việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa...), xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; tăng tỷ lệ trồng hoa, cây xanh phân tán gắn với triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; khu dân cư kiểu mẫu...

Chung sức xây dựng nông thôn mới - ảnh 3
Hội viên phụ nữ tích cực tham gia mô hình “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa” do phụ nữ tự quản Ảnh: TT

Giúp chị em hội viên phát triển kinh tế

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 100% cơ sở Hội tại huyện Mê Linh, Hà Nội đã đăng ký thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động, phần việc của mình, trọng tâm là đăng ký đảm nhận công tác vệ sinh môi trường, quét dọn, trồng đường hoa đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; vận động hội viên hiến đất, góp công, góp của xây dựng các các công trình công cộng… với hoạt động tạo dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, Hội tiếp tục đăng ký, trồng, chăm sóc 72 đoạn đường tự quản, nhân rộng các tuyến đường nở hoa, vẽ tranh tường bích họa, các tuyến đường phụ nữ tự quản, tham gia làm mới, chỉnh trang cảnh quan tại các điểm sinh hoạt cộng đồng sáng - xanh - sạch - đẹp. Không chỉ vậy, Huyện Hội còn triển khai mô hình “Điểm nhân ái”, từ đó thu gom rác thải nhựa trên địa bàn, vừa bảo vệ môi trường vừa có thêm kinh phí để giúp đỡ các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

Tại tỉnh Bến Tre, các cấp Hội tiếp tục duy trì các mô hình thực hiện vệ sinh môi trường, thành lập mô hình "Mỗi nhà có sọt rác 3 ngăn để phân loại rác", "Phân loại rác thải tại nguồn", Tổ xử lý rác thải tại nguồn"… Đồng thời Hội còn vận động kinh phí xây dựng 4 cầu giao thông nông thôn, bê tông đường liên ấp, lắp đèn đường… với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Qua đó, thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hội Phụ nữ tiếp tục duy trì nhóm phụ nữ tình nguyện với phong trào "Ngày chủ nhật nông thôn mới", vận động thành lập "Chi Hội phụ nữ 5 không 3 sạch" nhân rộng từ mô hình điểm của TƯ Hội thực hiện tại tỉnh Bến Tre và tiếp tục duy trì các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm có hiệu quả; xây dựng các tuyến đường hoa, tuyến đường ánh sáng an ninh…

Chung sức xây dựng nông thôn mới - ảnh 4
Hội viên phụ nữ huyện Ba Vì, Hà Nội tham gia chăn nuôi bò sữa phát triển kinh tế gia đình Ảnh: TT

Để thực hiện mục tiêu “không đói nghèo”, góp phần hoàn thiện tiêu chí 11 của chương trình xây dựng nông thôn mới, tại huyện Ba Vì, Hà Nội, bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì cho biết: Hội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình chăn nuôi gà đồi, bò sữa, mô hình trồng chè, mô hình trồng lúa chất lượng cao… Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ, quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hội viên phụ nữ tới người tiêu dùng thông qua Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp. 

Tương tự, tại tỉnh Long An, các cấp Hội Phụ nữ thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ kinh doanh, khởi sự, khởi nghiệp, đã giúp 192 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với nhiều hình thức, trong đó hỗ trợ 185 phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để kinh doanh các ngành nghề như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ăn trái, kinh doanh buôn bán… với tổng số vốn hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng từ các nguồn vận động xã hội hóa và từ các ngân hàng Chính sách xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.