Chúng tôi trưởng thành từ nếp nhà yêu thương

Sái Thị Hường (Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hà, huyện Đan Phượng)
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Nhà là nơi để về, gia đình là nơi để yêu thương”, với gia đình tôi, nơi có bốn thế hệ cùng chung sống thì việc giữ gìn nếp nhà có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Ở đó, mỗi thành viên đều luôn coi trọng tình thân. Mỗi người một trách nhiệm, chúng tôi đã và đang phát huy vai trò của mình, tất cả đều cùng chăm lo cho tổ ấm và giữ gìn giá trị, nét đẹp của một gia đình truyền thống.

Một số người cho rằng, trong các mối quan hệ thì quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu sẽ nhiều phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mâu thuẫn nhất. Nhưng với đại gia đình yêu thương của tôi, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, thì từ bà nội, mẹ chồng, đến tôi đều coi những người mẹ chồng của mình là “người mẹ thứ hai”.

Chúng tôi không ai phân biệt mẹ đẻ, mẹ chồng, hay con dâu, con gái. Tất cả đều là mối quan hệ ruột thịt khăng khít, không có khoảng cách giữa những thế hệ dâu con trong gia đình. 

Bà nội chồng tôi nay đã 87 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, cùng ông nội túc tắc giúp đỡ con cháu trông nom cửa nhà, chơi đùa với các chắt. Các cụ vẫn bảo: “Làm giúp cho con cháu được cái gì là vui cái ấy”. “Tuổi cao, trí càng cao”, các cụ là tấm gương sáng để con cháu chúng tôi noi theo. Nhiều kinh nghiệm sống đúc kết hơn 80 năm cuộc đời bà truyền lại cho mẹ tôi - con dâu của bà, sau đó mẹ chồng lại truyền cho tôi.

Từ những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe bản thân như gội đầu bằng nước bồ kết với cùi bưởi khô, mẹo trị ho cho trẻ nhỏ bằng chanh đào mật ong… hay từ những kinh nghiệm của bà trong việc làm các loại bánh truyền thống của dân tộc như bánh gio, bánh gai… để cứ mỗi độ Tết đến xuân về, cả nhà tôi lại cùng nhau tất bật làm các loại bánh dâng lên ông bà tổ tiên. Nhiều người bảo với mẹ tôi rằng: “Thời này, Tết có ăn mấy đâu mà bà cứ gói nhiều loại bánh”, mẹ tôi chỉ cười và nói rằng: “Làm bánh cho có không khí Tết, cũng là cách giữ gìn những nét văn hóa truyền thống quê hương”.

Chúng tôi trưởng thành từ nếp nhà yêu thương - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trải qua thời gian, đại gia đình của chúng tôi mỗi lúc một đông hơn. Nhưng, chúng tôi vẫn bảo ban nhau giữ chắc nếp nhà, trên dưới hòa thuận, có tôn ti trật tự, trẻ kính già, già làm gương cho trẻ. Bà nội chồng yêu thương mẹ chồng tôi, mẹ chồng tôi lại yêu thương tôi. Bố mẹ chồng tôi đã trên 60 tuổi nhưng vẫn lao động cần cù, hăng say, quán xuyến các công việc gia đình để chúng tôi yên tâm công tác. Sau ngày làm việc trở về nhà, tôi lại say sưa kể chuyện với bà nội và mẹ chồng những chuyện vui, buồn hay tham khảo ý kiến của bà và mẹ cách xử lý một số vấn đề phát sinh trong cuộc sống, trong công tác phụ nữ mà tôi đang đảm nhiệm. Cũng chính sự yêu thương, quan tâm, thấu hiểu và tạo điều kiện của đại gia đình chồng và đặc biệt là bà nội chồng và mẹ chồng mà tôi rất yên tâm công tác, được đóng góp vào các hoạt động xã hội của địa phương. Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội LHPN xã khi mới 24 tuổi, con còn nhỏ, kinh nghiệm công tác còn chưa nhiều, nhất là để có thể triển khai, thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhiệm vụ công tác Hội với các cô các bác bằng tuổi mẹ, tuổi bà mình, thời gian đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ cách đối nhân xử thế, những lời khuyên, răn dạy của ông bà, bố mẹ chồng ngay từ trong gia đình đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm sống và động lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tôi luôn chia sẻ với các chị em phụ nữ những lối sống tích cực, cách ứng xử, giao tiếp mà mỗi thành viên trong gia đình tôi đã và đang làm. Có người từng nói rằng, với một gia đình có nhiều thế hệ, sự khác biệt về tuổi tác, trình độ văn hóa, thói quen và lối sống giữa các thành viên cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, lục đục trong gia đình. Nhưng với gia đình tôi, bí quyết nằm ở việc các thế hệ luôn có sự sẻ chia, thấu hiểu, quan tâm lẫn nhau để cùng duy trì và phát huy giá trị tốt đẹp của tình thân. Vì thế mà nếp nhà của chúng tôi lúc nào cũng yên ấm, là điểm tựa để từng thành viên an tâm vững bước trưởng thành.
Những năm qua, Hội LHPN xã Liên Hà - Đan Phượng chúng tôi đã triển khai rất hiệu quả việc thực hiện Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc... ngày càng thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu.

Chúng tôi trưởng thành từ nếp nhà yêu thương - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chị em phụ nữ xã Liên Hà có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của xã. Nhiều nội dung, chủ đề truyền thông về gia đình được Hội lựa chọn phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hội viên phụ nữ, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, cách ứng xử mẹ chồng nàng dâu, kỹ năng xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc… Chúng tôi đã phát hơn 500 tờ rơi, tệp gấp các loại, tổ chức 2 hội thi về chủ đề bữa ăn gia đình, ảnh Gia đình gắn kết yêu thương, các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình, khởi xướng ý tưởng mô hình “Liên gia tin cậy” trong cuộc thi phòng chống xâm hại trẻ em và đã được giải Chuyên đề của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện luôn được Hội LHPN xã rất quan tâm, chú trọng với trên 400 suất quà, hỗ trợ xây sửa nhà, hỗ trợ trang thiết bị học tập, chương trình “Mẹ đỡ đầu” trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 430 triệu đồng. Các hoạt động trên đã giúp các chị em phụ nữ trong xã nâng cao kiến thức xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, gắn kết tình thân các thành viên trong gia đình với nhau để giữ gìn những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt.

 “Gia đình là tế bào của xã hội”, mỗi một gia đình tốt thì xã hội sẽ tốt, để có một gia đình tốt thì mối quan hệ trong gia đình phải tốt. Do đó, với việc gìn giữ nếp nhà và nét đẹp từ gia đình mình, tôi hy vọng đã đóng góp một mắt xích trong sợi dây kết nối cùng xây dựng xã hội, đất nước ngày càng phồn thịnh và văn minh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.