Chuyến “đò” sau

MAI PHƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày trước, nhà tôi nhìn ra một bến đò. Mỗi lần nghe tiếng bọn trẻ con hò hét, tôi chạy ra là y như rằng thấy một đám rước dâu xuống bến. Nhìn những bà mẹ làng tôi ứa nước mắt tiễn cô dâu xuống đò sang sông, mẹ tôi lại bảo: “Đấy, đời người con gái ai cũng một lần đò…”.

Giờ thì bến đò ấy không còn nữa mà đã có cây cầu mới bắc qua sông nhưng tôi vẫn ám ảnh hình ảnh đó. Người con gái nào đưa chân xuống đò cũng mong đến được bến bờ êm ấm và hạnh phúc. Thế nhưng cũng vẫn một còn đò ấy mà mỗi người lại phải ghé một bến bờ khác, nhận một số phận khác.

Gần đây, tôi bỗng giật mình nhận thấy, tài khoản facebook của một số phụ nữ tôi quen ghi hai chữ “độc thân” ở mục tình trạng hôn nhân khi họ không còn trẻ nữa. Có người đã qua tuổi bốn mươi, năm mươi khi nhan sắc đã phai nhạt, cá biệt có những bạn nữ mới chỉ qua “đầu ba”. Một chuyện không hề đơn lẻ, cá biệt.

Chuyến “đò” sau - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng rồi một ngày, tôi lại nhận ra không ít người trong số họ đã thay đổi dòng “trạng thái hôn nhân” của mình sang “hò hẹn” và “kết hôn". Đơn giản là họ đã tìm thấy hạnh phúc mới sau khi đã phải lặn lội qua đoạn đường hôn nhân gian khó; dẫu mang tiếng là đi bước nữa, là hai lần đò. Nhưng có thực sự giờ đây họ đã tìm được người hợp với mình hay lại thêm một lần đau khổ?

Tôi tìm đến nhà Nhàn - cô bạn học cùng cấp III trong một sáng đầu hạ. Cũng phải nói rằng vì có công có việc cần thiết nên tôi mới tới đây chứ thực ra chúng tôi ít liên lạc với nhau. Dù ở cùng thành phố, cách nhà nhau không xa nhưng cuộc sống bộn bề khiến chúng tôi ít có dịp gặp mặt hay trao đổi thông tin. Tôi chỉ nhớ láng máng Nhàn đã ly hôn và có một cậu con trai.

Nhưng khi đến nhà Nhàn, điều tôi bất ngờ là ngoài cậu con trai ra mở cổng còn có một bé gái kháu khỉnh đang bi bô và lê la trong sân. Nhìn thoáng tôi đã biết bé gái là con của Nhàn vì từ cái miệng cười, đôi mắt không lẫn vào đâu được nhưng tôi vẫn thận trọng. Rót nước mời tôi xong, chưa cần khách mở lời, Nhàn đã hồ hởi giới thiệu về “tập 2” của mình. Tôi ngồi nghe và quan sát, thấy anh chồng mới của bạn là người hiền lành, giản dị, tuy chỉ làm công nhân xây dựng nhưng rất yêu quý trẻ con.

Chuyến “đò” sau - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ít lâu sau, tình cờ tôi gặp ba bố con ở cổng trường học. Hôm đó là ngày trường tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 10. Dưới cái nắng hè, anh bế bé gái che ô, đôi mắt chăm chăm nhìn vào cổng trường. Đến lúc cậu con riêng của Nhàn đi ra, thấy mặt cậu bé có vẻ buồn, anh ta ôm cậu bé vào lòng. Lát sau đã thấy ba bố con ngồi trong một tiệm giải khát.

Nhàn kể, dù bận đến đâu, tối nào anh cũng đưa cậu con riêng của cô đi học thêm. So với ông bố đẻ của bé tuy đi xe hơi nhưng suốt ngày say xỉn và chạy theo các cô chân dài thì người chồng mới thẳng thắn và cương trực, nghĩ gì nói thế nhưng tình cảm rất chân thành. Có lần, anh đã nói với Nhàn như thế này:“Nếu ngày xưa chúng mình có gặp nhau, chắc gì em đã ngó ngàng đến anh. Phải gặp nhau trong hoàn cảnh này anh mới có được em”.

Nhàn kể mà đôi mắt rớm lệ trong niềm xót xa và hạnh  phúc. Dường như, để đến được với hạnh phúc hôm nay cô và rất nhiều người phụ nữ như cô đã phải trả một cái giá rất đắt. Học phí cho bài học về hạnh phúc chưa bao giờ rẻ…

Nhưng đâu phải chuyến đò sau nào cũng may mắn như thế. Tất cả còn phụ thuộc vào sự lựa chọn và ứng xử của mỗi người. Chính cô em họ tôi từng than thở: “Em hai lần đò mà có được ngày nào vui đâu anh?”. Tôi hỏi vặn lại: “Thì ít ra em đã có nhà và mảnh vườn mấy trăm mét, xe hơi đó còn gì?”. Nó im lặng không nói gì.

Thực ra cô em tôi là người chăm chỉ làm ăn, đứng đắn và thẳng tính. Nhưng sự thẳng thắn đó không thể là lý do để biện minh cho sự vụng về, kém tế nhị trong ứng xử. Ai đời, với người chồng thứ hai, cô cùng vẫn giữ thói đa nghi, “tịch thu” sạch tiền khiến anh ra đường trong thế “tay không bắt giặc”.

Có lần giữa trưa nắng, tôi bắt gặp cậu ta lóc cóc dắt cái xe máy, tôi ái ngại dừng lại kéo cậu vào quán sửa xe. Hỏi ra mới biết, sáng ra vợ đưa có một trăm ngàn ăn sáng, chẳng đủ để vào hiệu sửa xe. Một người vợ làm như thế chỉ khắc sâu thêm những ấm ức, bực bội khiến hôn nhân rạn nứt. Dù là chuyến đò thứ hai hay thứ ba thì với cách nghĩ, cách sống áp đặt ấy của cô ta đều khó tìm ra được hạnh phúc cho mình.

Chuyến “đò” sau - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đang nghĩ vẩn vơ thì tiếng chông điện thoại reo. Nhàn báo tin vui cậu con giai đã đỗ vào lớp chuyên Toán của trường THPT Chuyên. Nhàn bảo nghe tin bé đỗ, cô giáo dạy thêm môn Toán của bé còn khen: “Hùng nó giống bố, hiền lành thông minh, thảo nào tối tối bố đưa đón chu đáo tận tình thế…”.

Nhàn cười, tôi cũng cười và mừng cho bạn. Có những sự nhầm lẫn đôi khi không chỉ vô hại mà còn mang đến hạnh phúc. Cậu con trai Nhàn đã có được một người cha thật sự. Tuy anh không sinh ra cháu nhưng có đủ yêu thương để che chở cho những đứa trẻ, để đem lại hạnh phúc cho cả gia đình.

Ngẫm ra, chuyến đò đầu tiên hay chuyến đò sau cũng không quan trọng bằng sự thức tỉnh. Không ít cô gái 8X và cả 9X đã từng mơ mộng, viển vông để rồi vội vã yêu những anh chàng đẹp trai, ga lăng và cuộc hôn nhân của họ nhanh chóng tan vỡ. Để rồi, đến lúc nào đó chính họ nhận ra đâu là người đàn ông tử tế, đâu là cuộc hôn nhân nghiêm túc. Chẳng ai mong đến chuyến đò thứ hai nhưng khi đã hoàn thiện mình hơn, đã nhận ra những giá trị của hạnh phúc thì dù có thêm một lần đò, bạn vẫn tìm thấy một nửa đích thực của riêng mình…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.