Có một người bố hay cau có

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, sẽ thấy bố tôi nghiêm nghị, khó tính, còn hay cau có. Nhưng thực ra, bố lại rất yêu các con.

Chúng tôi vẫn thường nói, bố tôi là một “ông già khó tính”. Hiếm lắm mới thấy bố tôi cười với chúng tôi. Có lần, mấy chị em gái chúng tôi thách đố nhau, ai chọc cho bố cười thì sẽ được chiêu đãi uống nước mía miễn phí. Chị tôi nhận lời, về nhà ra sức kể chuyện hài cho bố nghe. Chị em tôi thì lăn ra cười còn bố vẫn lạnh te bảo: “Chuyện chả có gì hay cả. Thôi, mấy chị em ra chỗ khác cho bố đỡ đau đầu”. Thế là chị chưng hửng, còn mất một khoản tiền đãi nước mía các em.

Song, bố tôi lại “yêu ngầm” các con mình. Khi chị tôi vào đại học, bố không còn quản lý chị như trước nữa. Nhưng, nếu tới 10h khuya mà chị chưa về là bố nhắc mẹ: “Bà gọi xem con nó ở đâu, bao giờ về. Nhắc con đi đường cho cẩn thận”. Có lần mẹ bị bố giục, liền nói dỗi: “Sao ông lo cho con mà không tự gọi điện. Tôi gọi nhiều, con nó lại nghĩ mẹ khó tính”. Bố đáp: “Bà không gọi thì thôi, tôi đi ngủ trước”. Thế mà nằm trong buồng, tôi nghe thấy bố thắc thỏm. Thi thoảng, bố lại nói vọng ra ngoài hỏi: “Mấy giờ rồi?”. Đến lúc mẹ phải nói đã gọi cho chị và chị sắp về đến nhà rồi thì bố mới an lòng. 

Có một người bố hay cau có - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ở nhà, bố tôi là “mì chính cánh” duy nhất và cũng là người đàn ông nấu ăn ngon nhất. Chẳng thế mà cứ vào Chủ nhật, mấy mẹ con tôi lại làm biếng, đòi bố nấu ăn cho. Lúc nào cũng thế, bố luôn đáp lại bằng một gương mặt cau có và những lời càu nhàu. Bố than là có con gái lớn mà chả giúp được gì cho bố mẹ, sau này lấy chồng thì ba bẩy hai mốt ngày người ta lót lá chuối “trả về nơi sản xuất”. Rồi bố còn mắng mẹ không biết dạy con gái. Than vãn nhưng sau đó, bố vẫn xách túi đi chợ và rồi, sẽ nghe thấy tiếng bố gọi: “Mấy mẹ con ra ăn cơm đi kẻo nguội. Hôm nay bố nấu món này cả mấy mẹ con đều thích”.

Năm chị tôi ra trường, bắt đầu phải làm hồ sơ xin việc. Chị cứ lấy lý do bận bịu nọ kia nên chẳng có thời gian đi công chứng các loại văn bằng, chứng chỉ. Bố thì quả quyết: “Nó ham chơi chứ bận bịu gì đâu”, nhưng rồi hôm sau, từ sáng đã thấy bố lặng lẽ ra khỏi nhà. Trưa đến, bố chìa ra cho chị một tập giấy tờ đã được công chứng đầy đủ, bảo chị đưa vào hồ sơ xin việc mà nộp cho kịp. Rồi bố lại càu nhàu: “Lần sau thì tự mà đi làm lấy chứ đừng mong bố làm cho. Có thân thì tự lo, không đủ giấy tờ thì chịu thất nghiệp, thế thôi”. Chị tôi cười xòa, thừa biết sẽ chẳng có cái lần sau ấy. 

Thế nên, chúng tôi luôn thấy mình thật may mắn khi có một ông bố hay càu nhàu. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.