“Có văn chương tôi sống trọn vẹn hơn”

Chia sẻ

Bị bại liệt từ nhỏ, không gian sống của Nguyễn Thị Kim Hòa chỉ quanh quẩn với bức tường nhà mình. Nhưng văn chương đã đem chị ra khỏi “lâu đài kính”, đến những vùng đất mới bằng chữ nghĩa và trở thành 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng được Forbes Việt Nam tôn vinh năm 2021- tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh của mình để tạo ra những tác động tích cực, truyền cảm hứng cho cộng đồng.

“Có văn chương tôi sống  trọn vẹn hơn” - ảnh 1

Được Forbes tôn vinh là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng tiêu biểu, điều đó có ý nghĩa thế nào đối với chị?

Tôn vinh của tạp chí Forbes đem lại thêm cho tôi niềm vui được ghi nhận. Tôi đã “đi” cùng văn chương được hơn 10 năm, làm “cô giáo làng”, gắn bó với bọn trẻ trong xóm nghèo quê tôi cũng ngót nghét 15 năm. Cả quãng thời gian ấy, tôi may mắn luôn có gia đình, bạn bè bên cạnh động viên.

Tôi vui khi nỗ lực được ghi nhận. Nhưng càng vui hơn, khi thấy niềm vui của những người thân yêu luôn dõi theo mình.

Tôn vinh, giải thưởng hay mọi “hương hoa” nào rồi cũng phai. Chỉ sự ấm áp từ thương yêu ở lại, tiếp sức tôi, để tôi bước tiếp.

Nhà văn Kim Hòa ký tặng sáchNhà văn Kim Hòa ký tặng sách

Nhiều bạn bè yêu quý và coi Kim Hòa là nhà văn truyền cảm hứng. Chị có thể chia sẻ về những cảm hứng ban đầu của mình khi mới viết văn?

Năm tôi học lớp 12, tỉnh tôi có tổ chức một cuộc thi kiến thức cho học sinh cấp 3, cũng gần như một cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của Ninh Thuận. Nhờ cuộc thi ấy, tôi được gặp một người thầy. Người cho đến bây giờ vẫn luôn là “người cha tinh thần”, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn, hỗ trợ hết lòng khi tôi gặp khó khăn. Đó chính là thầy Nguyễn Đức Thạch - người truyền cảm hứng cho cả văn chương và cuộc sống của tôi.

Thầy tôi không viết văn. Nhưng học trò thầy, những “môn sinh” của “Thạch gia trang” (tên gọi thân thương thầy đặt cho lớp học tại nhà mình), có rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực sáng tác, báo chí, nghiên cứu. Và chắc chắn không chỉ riêng mình tôi được truyền cảm hứng từ thầy, một Con Người Đẹp đúng nghĩa.

Tôi không phải là học trò xuất sắc nhất của thầy. Trong vườn hoa đại học của Thạch gia trang (bọn học trò chúng tôi, theo lệ, ai đậu đại học sẽ đem đến một chậu cây nhỏ, góp vào vườn hoa). Tới giờ, tôi vẫn còn cảm thấy có lỗi vì chưa có được chậu cây mang tên mình.

Dẫu vậy, những lúc khó khăn nhất, những lúc cần nghe một lời khuyên, tôi luôn tìm đến thầy, đến “Thạch gia trang”. Như cánh chim nhỏ tìm về bóng núi. Như đứa con hạnh phúc, vì có được một mái nhà để trở về.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch cùng nhà văn Kim Hòa và nhà văn Bích Ngân trong buổi giao lưu với độc giả tại TP HCMThầy giáo Nguyễn Đức Thạch cùng nhà văn Kim Hòa và nhà văn Bích Ngân trong buổi giao lưu với độc giả tại TP HCM

Nhà văn, cô giáo - hai nghề mà chị theo đuổi nhiều năm nay có sự liên quan, tương hỗ gì nhau không?

Làm “cô giáo làng”, tôi tích lũy vốn để “mở cửa tiệm viết”, làm bà chủ chuyên “bán chuyện kể” cho thiếu nhi. 15 năm dạy học, tôi có được gia tài là vô số nhân vật, từ ngữ, giọng điệu của trẻ nhỏ. Ở lâu với học trò mình, đôi lúc, tôi thấy mình đang nói ngôn ngữ của các em, suy nghĩ y chang như các em. Tôi thường tranh thủ những lúc “con nít hóa” ấy để lên vài ý tưởng gì đó. Nhiều ý tưởng như vậy đã thành sách. Tụi trò nhí của tôi hay đọc chúng và reo lên rằng: “A. Cô viết về con nè. Đúng không cô?”.

Văn chương có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của chị?

Có văn chương, cuộc sống tôi vui hơn. Quanh quẩn suốt ngày với lớp học, sức khỏe cũng không cho phép đi nhiều nơi, không gian sống của tôi chỉ gói gọn trong bốn bức tường nhà mình. Chính văn chương đem tôi ra khỏi “lâu đài kính” ấy.

Biết viết văn, tôi có thêm nhiều bạn: bạn đọc rồi bạn viết. Tôi tìm được những tâm hồn đồng điệu với mình nhờ những trang văn.

Đến với văn chương, tôi được đi nhiều hơn, những chuyến đi thực sự, đến với những vùng đất tôi chưa từng nghĩ sẽ đặt chân đến được. Tôi khỏe hơn, tôi “liều” hơn và vì vậy, tôi sống trọn vẹn hơn.

“Có văn chương tôi sống  trọn vẹn hơn” - ảnh 4

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984 ở Ninh Thuận. Chị đã giành được nhiều giải thưởng văn học như: giải Nhất truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải Nhất sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Đan Mạch phối hợp tổ chức… Tác phẩm tiêu biểu của chị có thể kể đến: Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua, Đỉnh khói, Cửa sổ phía Đông, Con chim phụng cuối cùng, Sa mạc và những vết nhớ, Hoàng tử Rơm, Tay chị tay em, Cút cà cút kít… Nhiều tác phẩm của chị được chọn giảng dạy trong sách giáo khoa.

Với Kim Hòa, viết cho thiếu nhi hay cho người lớn khiến chị hài lòng về tác phẩm của mình hơn?

Mỗi đề tài đều đem đến cho người viết trải nghiệm, cảm xúc riêng. Tôi hay chọn viết cho thiếu nhi để “thanh lọc” lại đầu óc sau một thời gian tập trung vào đề tài người lớn nào đó. Cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo khi được trở về làm trẻ nhỏ luôn giúp tinh thần “đứa người lớn biết viết văn” thức dậy, thoát ra khỏi ám ảnh của các sáng tác trước. Và cứ thế, vòng quay sáng tác của tôi lại bắt đầu. Nghe thì có vẻ tôi dành nhiều tình cảm hơn cho các sáng tác thiếu nhi. Nhưng thật sự, tôi tin, người viết nào trước sáng tác của bản thân (dù đề tài gì) cũng đều có cảm xúc của người mẹ khi nhìn ngắm các con mình. Nếu hỏi một người mẹ yêu đứa con nào nhiều hơn, hài lòng với đứa nào hơn, tôi nghĩ, quả là một câu hỏi khó trả lời.

THU HƯƠNG (thực hiện),
ảnh: NVCC

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.