Cốm Thu
(PNTĐ) -
Xanh như ngọc màu lá sen em đợi
Chút hương đồng bối rối mắt nhìn nhau
Gió trẻ lại mây trời trong quá đỗi
Cốm mùa thu ta nhớ thuở ban đầu...
Bên sông Tô anh qua tìm hương cốm
Em theo không thu đã chín ngày rồi
Chân em vội mùa thu anh tới
Trời không đâu chẳng thể cầm lòng
Ôi đầu thu Hà Nội xanh cốm mới
Thoảng lá sen lồng lộng sóng Tây Hồ
Anh yêu mãi mùi hương đồng dễ nhớ
Em theo không lòng đắm đuối hay chưa?
Thái Thăng Long

LỜI BÌNH
Hương cốm của Thái Thăng Long đặc biệt lắm, đó là hương non tơ, hương phải lòng đầy tha thiết đem đến một cảm nhận bất ngờ:
Xanh như ngọc màu lá sen em đợi
Chút hương đồng bối rối mắt nhìn nhau
Gió trẻ lại mây trời trong quá đỗi
Cốm mùa thu ta nhớ thuở ban đầu...
Mùa thu bắt đầu bằng sự chuyển giao của cảm xúc từ sen đến cốm, từ sự đợi chờ đến gặp gỡ, ngỡ ngàng.
Gió trẻ lại mây trời trong quá đỗi
Cốm mùa thu ta nhớ thuở ban đầu...
Ai cũng biết lúc này sen đã tàn, lá sen khô chỉ để gói hương cốm vụ lúa mới chứ đâu thể phơi phới như đương xuân, nhưng không phải vì thế mà ký ức của tình yêu khô cằn, tàn tạ. Tất cả là nhờ hôm đó trời xanh quá, mắt em trong trẻo quá mà trái tim lại cất lời. Khổ thơ thứ hai mới là sự bối rối mà thành thực của tình yêu khi mở ra một biên độ khác của mùa thu:
Bên sông Tô anh qua tìm hương cốm
Em theo không thu đã chín ngày rồi,
Chân em vội mùa thu anh tới
Trời không đâu chẳng thể cầm lòng
Ở đây có hai không gian của mùa thu và hương cốm. Không gian thực của một Hà Nội bên sông Tô của làng Vòng và không gian của tình yêu: Không gian của sự theo đuổi và níu giữ. Chẳng phải tự nhiên mà Thái Thăng Long lại nhắc “em theo không”. Cô gái danh giá và kiêu sa ấy như thể đã tự gả mình cho hương cốm, đã si mê mùa thu từ độ nào. Và, từ phía của chàng trai cũng nhận ra: “Trời không đâu chẳng thể cầm lòng”. Chẳng riêng anh, ai có thể cầm lòng được trước duyên tình ấy. Cốm như lễ vật, như tín vật thề hẹn nên duyên.
Ôi đầu thu Hà Nội xanh cốm mới
Thoảng lá sen lồng lộng sóng Tây Hồ
Anh yêu mãi mùi hương đồng dễ nhớ
Em theo không lòng đắm đuối hay chưa?
Khổ thơ này sẽ không có gì đặc biệt nếu như không có sự khẳng định và thắc thỏm của tình yêu. Hai trạng thái ấy luôn ngự trị, đan xen và phảng phất. Từ đầu đến cuối bài thơ, người đọc đều nhận ra mùa thu, hướng cốm chỉ là nguyên cớ để những “đắm đuối” kia được hiện diện. Cảm xúc ấy trong thơ Thái Thăng Long không mãnh liệt như hương cốm trong thơ Mai Văn Phấn (Lá sen xanh ủ cốm em anh/ Chín nẫu chân mây mùa hạ-Cốm hương) mà đọng lại ở sự thấp thỏm: “Em theo không lòng đắm đuối hay chưa?”.
Câu thơ đặt ra nhiều cách hiểu. “Theo không” ấy là tình nào, là si mê nào hay chính anh đang tự hỏi trái tim mình. Thơ Thái Thăng Long luôn mượt mà, say đắm từng câu chữ. Dường như luôn có hình ảnh người phụ nữ với đường nét, tâm tính, cử chỉ dịu dàng trong câu thơ của anh.
Trong Cốm thu, những từ ngữ như “em đợi”, “gió trẻ”, “chân em vội”… gợi dáng dấp một nàng thiếu nữ, một nàng thơ là khởi nguồn cho tứ thơ này. Khép lại Cốm thu, người đọc vẫn còn thấy tiêng tiếc một điều gì còn dang dở chưa trọn vẹn như mối tình năm ấy của chính cuộc đời mình vậy…