Con chưa ngoan, bố đã... vào tù

Chia sẻ

“Để con nên người”, nhiều ông bố, bà mẹ đã áp dụng phương pháp giáo dục kỷ luật hà khắc, thậm chí bằng đòn roi… Nhiều vụ việc bố mẹ dạy con, con chưa ngoan nhưng sự thiếu kiềm chế, kiên nhẫn của bố mẹ đã gây ra những vụ việc đau lòng.

Đánh con tím tái vì… con hư

Những ngày đầu năm, liên tục các vụ việc bạo lực trẻ em xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội khiến dư luận không khỏi xót xa và băn khoăn. Chỉ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu mấy ngày, dư luận lại rộ lên hình ảnh một cậu bé 8 tuổi với chằng chịt các vết thương trên cơ thể. Theo lời kể của chị N.T.H, mẹ cháu P.V.P (8 tuổi, trú tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), cháu đã bị bố đánh dẫn đến đa thương tích trên cơ thể.

Chị H cho biết, chị và anh P.V.Đ (SN 1980, quê ở Ba Vì, Hà Nội) kết hôn và có hai con chung. Gia đình chị đến sinh sống ở phường Sài Đồng được hơn 1 năm. Anh Đ làm nghề lái xe, tính tình nóng nảy, thỉnh thoảng có đánh vợ, con. Những lần đánh trước, chị không báo cho ai biết. Khoảng 17h ngày 6/2/2021, chị đi chợ về thì phát hiện cháu P có đầy các vết bầm tím trên mặt, cổ, sau gáy, lưng, bụng do bị bố đánh. Ngay sau đó, chị H vội vã đưa con đi khám và trình báo công an phường Sài Đồng. Tối 6/2, công an phường Sài Đồng đã mời anh Đ lên làm việc, đồng thời yêu cầu anh Đ chấm dứt hành vi bạo lực với con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày 21/2, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can là Phạm Thanh Tùng (SN 1990, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) và Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1987, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông trong vụ án “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Hành hạ con” xảy ra tại địa bàn quận, đồng thời phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can Phạm Thanh Tùng 4 tháng. Bị can Hoàng Thị Thu Huyền được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ. Theo xác minh của công an quận, cháu N.H.B (SN 2009) ở cùng mẹ đẻ là Hoàng Thị Thu Huyền. Quá trình chung sống, cháu B thường xuyên bị mẹ dùng ống nước, dây điện, gậy tre đánh vào chân, tay, lưng khi không vâng lời. Chỉ khi thấy cháu B xây xát, thâm tím nhiều nơi trên cơ thể, bác ruột cháu B mới gặng hỏi, đồng thời cùng gia đình trình báo sự việc lên cơ quan công an. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn xác định cháu B bị người tình của mẹ xâm hại nhiều lần.

Hay như mới đây, ngày 22/3, tại nhà riêng của gia đình, ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1982, trú tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và con trai N.H.A.K. (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền) có mâu thuẫn, to tiếng. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, do cháu K bỏ thi giữa kỳ khiến ông Cường tức giận và dùng 1 chiếc đũa ăn cơm đâm 1 nhát vào vùng ngực của con trai làm thủng quai động mạch chủ, dẫn đến sốc mất máu cấp khiến cháu tử vong.

Hay trường hợp một nam thanh niên tên là N.Q.V (17 tuổi, trú tại Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), bị một nhóm thanh niên bắt cóc, đánh đập, bắt cởi áo, trùm đầu rồi “chôn sống” dưới hố cát. Điều đáng nói là phía sau hành động thiếu nhân tính đó lại có sự ủng hộ, đồng thuận của… bố bị hại. Mặc dù V cho rằng sự việc chỉ là quay clip vui vì thách đố nhau và sau đó, V được nhóm bạn đưa lên tắm rửa rồi mới về nhà, song, theo các luật sư, sự việc trên dù là thật hay dàn dựng thì cũng phải xử lý nhóm người này thật nghiêm. Nếu gia đình biết trước, đồng ý hoặc đề nghị nhóm nghi phạm thực hiện hành vi nêu trên đối với con ruột mình thì cũng phải chịu trách nhiệm về những hành vi của nhóm nghi phạm, bởi đó là hành vi giáo dục không đúng chuẩn mực, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần của con.

Bạo lực trẻ em – sự bất lực của người lớn

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với vụ việc cháu bé bị cha ruột đâm tử vong, đây là một vụ án giết người hết sức đau đớn bởi cả nạn nhân và nghi phạm đều là người trong cùng 1 gia đình, người cha đã thiếu kiềm chế trong khi dạy dỗ, giáo dục con cái dẫn đến sự việc đau lòng. Pháp luật đã nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, dù là quan hệ nuôi dưỡng dạy dỗ giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế, nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của con thì người bố vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng. “Có lẽ mất đứa con trai duy nhất là “bản án” lớn nhất mà người đàn ông này trước tiên phải gánh chịu. Có thể người cha sẽ phải chấp hành hình phạt tù một thời gian, tuy nhiên cái chết của đứa con này sẽ là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời anh ta” – luật sư Cường phân tích.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, bạo lực nào cũng sinh ra từ sự “bất lực” của người lớn. Ví dụ, một đứa trẻ nghịch, hư, hiếu động, bố mẹ không biết phải giáo dục như thế nào đành dùng “kỷ luật sắt”, thế là trẻ bị “ăn đòn”. Người mẹ căm thù “người cha” đứa trẻ, tức chồng cũ của mình, nhưng vẫn phải nuôi con, chứ không bỏ cho ai được, trong khi đó bản thân đã có chồng mới, có các con với “chồng yêu”, thế là đứa trẻ con chồng cũ là “cái gai”, khiến người mẹ ngứa mắt, trút giận. Người mẹ hy vọng sau ly hôn sẽ có cuộc hôn nhân mới hạnh phúc, nhưng rồi “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, cuộc hôn nhân kế tiếp không hạnh phúc, thậm chí người mẹ còn không đi bước nữa được, chỉ cặp bồ với “các bạn trai”, thế là hận đời, hận chồng cũ, chẳng làm gì ai được, trút giận lên đứa con…

Một nguyên nhân khác là tính tình thô lỗ cục cằn, bản thân người cha, người mẹ cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng từng bị đối xử thậm tệ khi còn nhỏ. Tâm lý “giận cá chém thớt”, tâm lý, tinh thần bất ổn, tình trạng nghiện kéo dài khiến cho người nghiện đầu óc trở nên không tỉnh táo, ứng xử không khéo léo khi xảy ra bất hoà, mâu thuẫn… đều có thể là nguyên nhân của bạo lực gia đình.

Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em (Luật chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trước đây) đã được triển khai vào thực hiện từ lâu nhưng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra. Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, luật có, nhưng vẫn còn “trên giấy”, chứ chưa đến được với từng người dân. Mặt khác, công tác tuyên truyền không thường xuyên, chỉ được nhắc đến trong những dịp trước ngày 1/6, 28/6… như một phong trào. Thứ ba, công tác xử lý các vụ việc còn ít, còn nhẹ, chưa thực sự răn đe những đối tượng là thủ phạm gây bạo lực. “Để tăng cường đẩy lùi tình trạng bạo lực trẻ em, nhất là khi thủ phạm lại là bố mẹ trẻ, thì cần tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về bạo lực gia đình; nâng cao vai trò phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; xử lý kịp thời và nghiêm khắc các vụ hành hung, ngược đãi trẻ em; giáo dục trẻ cách biết tự bảo vệ bản thân, đặc biệt kỹ năng kêu cứu, chia sẻ với người khác khi bản thân bị bạo lực, xâm hại…” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.