Con gái con đứa

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi lần thấy con làm điều gì “lệch chuẩn” so với quan niệm của mình, chị thường chẹp miệng lắc đầu: “Con gái con đứa gì mà như vậy”.

Hồi bé, con gái chị nghe thấy câu ấy thường hỏi lại: “Con gái con đứa thì sao hả mẹ?”. Chị đáp: “Con gái con đứa phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Khi ăn trông nồi, khi ngồi trông hướng. Ra đường phải nhìn trước ngó sau”.

Nó nhún vai: “Con gái sao mà phức tạp vậy mẹ nhỉ? Vậy con trai thì sao hả mẹ?”. Chị lại đáp: “Con trai thì có thể xuề xóa hơn chút, ăn to, nói lớn, mạnh mẽ, ứng xử có thể hơi vụng về cũng dễ được bỏ quá cho. Đơn giản vì đó là con trai”.

Nhưng rồi, khi lớn dần, con gái chị bắt đầu không đồng ý với “định nghĩa” của mẹ về hai từ “con gái”.  

16 tuổi, nó theo bạn đi cắt phăng mái tóc dài tới ngang lưng, thay vào đó là kiểu tóc tém. Chị về nhà, thấy con vậy thì sốc nặng. Và tất nhiên là chị nói: “Con gái con đứa sao lại vậy. Trông con chẳng thuận mắt tý nào”. Nó phụng phịu: “Con gái con đứa thì sao ạ? Con nào thì cũng được quyền chọn lựa vẻ bề ngoài mà mình thích. Và con thấy tóc ngắn hợp với con hơn”. 

Con gái con đứa - ảnh 1
Ảnh minh họa

17 tuổi, nó gia nhập đội đá cầu, chơi patin với đám thanh niên trong xóm. Một mình nó là con gái, mặc quần đùi chơi cầu với cả đám con trai. Sau một tháng hè mà da nó đen nhẻm,  chân tay thì xước xát, nổi sẹo vì ngã.

Chị lại thở dài: “Con gái con đứa gì mà nghịch hơn con trai. Tại sao con không chọn môn nào nữ tính hơn chút. Nhìn con, chả ai bảo con là con gái cả”. Nó lắc đầu: “Con gái sao phải nữ tính, da phải trắng, chân tay phải mịn màng? Con thích làm con gái da đen hơn”.

18 tuổi, khi vào năm thứ nhất đại học, nó bắt đầu có bạn trai. Đó là cậu bạn học cùng lớp đại học. Một lần, nó dẫn bạn đến nhà. Ngồi chơi được một lát, nó ngoắc tay, rủ bạn xuống bếp nấu cơm.

Chị vội ngăn cản: “Thôi, cháu là con trai thì không phải xuống bếp. Cháu cứ ngồi ở đây nói chuyện với mọi người” rồi quay sang bảo con gái: “Con gái con đứa thì phải xuống bếp nấu cơm, sao lại bắt bạn làm cùng?”. Nhưng nó bỏ qua lời mẹ nói.

Nó bảo: “Con trai con gái thì đều bình đẳng mẹ ơi. Con gái đi làm thì con trai cũng có thể vào bếp chứ. Tại sao mẹ lại mặc định việc nhà là của riêng con gái?”.

Câu nói của con khiến chị đuối lý. Chị đành bảo vì lâu nay, mọi người đã quan niệm như vậy rồi. Nó lắc đầu: “Nhiều người nghĩ vậy không có nghĩa đó là chân lý.  Cái gì đúng thì con sẽ làm, cái gì chưa đúng thì con sẽ thay đổi”.

Con gái con đứa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cậu bạn thấy hai mẹ con “khẩu chiến” liền vội tham gia. Nhưng, là để bênh con gái chị: “Vâng, cháu thấy em nói vậy là đúng ạ. Bác để chúng cháu cùng xuống bếp nấu cơm”.

Năm 22 tuổi, con gái chị tìm được suất học bổng du học ở nước ngoài. Mà nó đi tận 4 năm. Trong khi cậu người yêu từ thời đại học vẫn làm việc ở trong nước. Chị nhẩm tính nó đi liền 4 năm thì việc cưới xin sẽ phải dừng lại, nhỡ đâu hai đứa xa mặt lại cách lòng.

Vì thế chị dỗ con: “Con gái con đứa có thì thôi con. Giờ con cứ lấy chồng, rồi sinh con cái trước đã. Việc học sau này tiến hành cũng chưa muộn. Mà mẹ không muốn con gái phải xa nhà...”. 

Một lần nữa nó lại phản đối chị. “Con gái con đứa thì sao hả mẹ. Con sẽ không vì chuyện con gái con đứa phải lấy chồng để “chống ế” mà từ bỏ sự nghiệp, ước mơ của mình đâu mẹ”.

Giờ thì con gái của chị đã ở bên trời Tây. Cậu người yêu của nó thi thoảng vẫn qua thăm nhà chị, miệt  mài đợi từng ngày để được đón con gái chị trở về.

Chị từ lâu cũng đã không còn quen miệng nói “con gái, con đứa” để đánh giá về con nữa. Vì nhìn con, chị hiểu rằng, “con gái, con đứa” hay “con trai, con đứa” thì đều bình đẳng như nhau. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

(PNTĐ) - Sau mỗi câu chuyện không hay trong gia đình, người ta thường nhắc đến kèm hai từ “giá như”. “Giá như hồi ấy không tham công tiếc việc quá”, “Giá như hồi ấy mình nghe chồng/vợ một chút”, hay “giá như hai vợ chồng không cố đẻ thằng con trai”… Ừ thì giá như được xoay chuyển quá khứ theo ý mình, thì chắc hẳn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc.
Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

(PNTĐ) - Với nhiều gia đình, hạnh phúc không phải là một con đường dễ đi. Thế nhưng, chỉ vì “chúng ta là một gia đình” mà họ sẵn sàng nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão. Bởi khi nghĩ về một gia đình hạnh phúc, họ luôn nghĩ về cách mà họ cùng nhau bắt đầu một gia đình, là sự cam kết, tự nguyện hay mong muốn được san sẻ cuộc sống cùng nhau.
Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

(PNTĐ) -Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia.
Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

(PNTĐ) - Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, đó là duyên số. Nhưng cái nghĩa, cái tình và mối ràng buộc với con cái thì không thể chối bỏ. Sau ly hôn nhiều đôi coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Họ chặn hết mọi mối liên hệ, có khi còn cấm cản không cho gặp con. Rồi đôi bên thi nhau nhồi vào đầu bọn trẻ những điều không tốt đẹp về bố, mẹ của chúng. Vậy sau ly hôn liệu có thể là bạn?