Con gái học lắm mà làm gì!
(PNTĐ) - “Con gái học lắm mà làm gì. Trước sau lại đi lấy chồng rồi phục vụ nhà chồng thôi. Giá mà ngày xưa, nhà này có được đứa cháu trai thì có phải bây giờ không lo thiếu người nối dõi”.
Hôm đó, bố mẹ tôi báo cáo với ông bà một tin vui. Ấy là tôi đã trúng tuyển vào một trường đại học top đầu. Nào ngờ, bao năm rồi vẫn thế, ông tôi vẫn khăng khăng giữ quan điểm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Ông tôi vẫn nghĩ nhà tôi vô phúc khi không có cháu trai. Còn các cháu gái chúng tôi, dù có thành công thế nào thì cũng chẳng liên quan gì tới gia đình.
Bữa cơm trưa hôm ấy, dù mẹ tôi đã kỳ công nấu nhiều món ngon để mang đến nhà ông bà cuối cùng lại diễn ra một cách tẻ nhạt. Cả nhà chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi nhận thấy rõ vẻ buồn bã trên gương mặt bà nội và mẹ, nét chán chường của bố và cảm giác hụt hẫng, bất công đang trào dâng trong tôi. Nhưng vì đó là ông, nên tôi lặng im, không cãi lại vì ông sẽ nổi nóng và bảo là tôi hỗn. Rất nhiều lần trước đó, bố mẹ cũng cố giải thích cho ông hiểu rồi kết cục là không khí gia đình tan tành.

Ông tôi là thế, gia trưởng và định kiến giới tới mức khủng khiếp. Bây giờ, khi tôi đã 18 tuổi, ông vẫn cứ giận mẹ, cho rằng mẹ có lỗi khi không sinh được con trai. Nhiều lần, tôi được chứng kiến ông nổi cáu với mẹ một cách vô cớ, dù trong mắt tôi, mẹ là một người con dâu tuyệt vời của gia đình. Mẹ đảm đang, hiếu thuận, hết lòng báo hiếu bố mẹ chồng. Tuy nhiên, chỉ vì không có con trai mà công sức của mẹ luôn bị ông nội phủ nhận.
Cũng đã rất nhiều lần, tôi thấy thất vọng về ông. Tôi muốn đòi lại sự công bằng cho mẹ. Nhưng, mẹ ngăn tôi lại. Mẹ bảo tôi làm cháu thì phải hiếu kính với ông bà, không được phá đi tôn ti trật tự. Rồi mẹ cũng giải thích cho tôi: Chẳng ai chọn được ông bà, bố mẹ của mình. Ông tôi chỉ là một người bình thường nên có cả mặt ưu và nhược. Chẳng ai nói làm ông bà thì phải hoàn hảo cả. Do ông tôi sống trong thời phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn vào máu của ông nên không dễ gì mà thay đổi được. Tôi biết thế để hiểu hơn cho ông, chứ không phải để oán hận ông của mình. Thực ra ông nội không ghét con cháu, chỉ là ông luôn thấy luyến tiếc vì không có thêm một cậu cháu trai nên phũ miệng vậy thôi.
Cũng nhờ mẹ giải thích mà tôi bình tâm hơn. Tôi nhìn nhận ông tôi ở cả hai mặt. Cái gì ông dạy bảo đúng thì thì tôi tiếp thu. Còn những quan điểm lạc hậu mang nặng định kiến thì tôi bỏ qua cho nhẹ đầu.

Trước ngày tôi lên thành phố nhập học, tôi mua tặng ông nội một chiếc đồng hồ báo thức. Tôi bảo ông sau này tôi vắng nhà sẽ không có ai lấy thuốc cho ông hàng tối nữa. Vì vậy, ông nhớ đặt đồng hồ để uống thuốc đúng giờ. Mẹ tôi nói đúng, tôi chỉ có một người ông nội nên dù có thế nào thì tôi cũng sẽ lo lắng cho ông, dù cho ông không ghi nhận và cần tôi.
Ít hôm sau, ông bỗng gọi tôi xuống phòng ông, rồi đưa cho tôi một chiếc phong bì, bên trong là 3 triệu đồng. Ông bảo tiền ông cho để tôi lên thành phố cần tiêu gì thì tiêu. Bà nội tôi nói nhỏ: Bình thường, nếu ông có cháu trai mà vào được đại học, thể nào ông cũng cho mở tiệc khao cả họ. Nhưng là cháu gái nên ông không thông báo rộng rãi. Song, tối qua, bà thấy ông cặm cụi ngồi đếm lương hưu, hóa ra là để cho tôi. Tất nhiên, so với quà của cháu trai thì phần thưởng dành cho cháu gái này hãy còn khiêm tốn. Nhưng thôi, thế cũng là tín hiệu đáng mừng rồi.
Cầm quà của ông cho mà tôi rất vui. Bởi cuối cùng, một người như ông tôi cũng đã có sự thay đổi, dẫu là nho nhỏ. Ông ơi, nhất định cháu sẽ tiếp tục cố gắng, hoàn thiện bản thân để một ngày kia, ông thấy rằng, có cháu gái cũng rất tốt đấy chứ.