Con là nguồn hạnh phúc đầu tiên

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tặng con Tố Nguyên

                                      

Mẹ đi về quê ngoại để sinh con

Trời tháng Sáu xanh một màu thương nhớ

Ba mong con mấy đêm liền không ngủ

Ngày hai mươi con khóc chào đời.

Con mang về Ba Mẹ một nguồn vui

Hạnh phúc trăm năm, niềm ao ước lớn

Mong mỏi chứa chan, tình yêu trọn vẹn

Bao yêu thương âu yếm rộn trong lòng.

Ba vui mừng chọn đặt tên con

Cặp tên đẹp giữa muôn ngàn từ ngữ

Cái tên vì con mà thành rực rỡ

Con hãy làm tên đẹp hóa bài ca.

Con Tố Nguyên của Mẹ và Ba

Hoàng Tố Nguyên ngân nga niềm hạnh phúc

Mẹ cùng con Thủy Nguyên thành chữ kép

Con là nguồn hạnh phúc đầu tiên.

                                                       20/6/1983

                                                    Hoàng Kim

Con là nguồn hạnh phúc đầu tiên - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Đứa con là kết quả của tình yêu và hôn nhân, món quà tuyệt vời cuộc sống. Niềm hạnh phúc được lên chức làm cha khơi nguồn cảm hứng để tác giả Hoàng Kim sáng tác nên bài thơ “Nguồn hạnh phúc đầu tiên” khiến người đọc rưng rưng xúc động. Thi phẩm là tiếng nói của niềm hạnh phúc thiêng liêng khi người cha biết đứa con - bản sao huyết thống của mình vừa chào đời.

Bằng 16 câu thơ thể tự do, đan xen bảy và tám âm tiết, phù hợp với cảm xúc, bài thơ nói về thời khắc đáng nhớ: đứa con đầu lòng hiện diện trên đời. Đây là nguồn vui, “niềm mơ ước lớn” đầu tiên, cũng là nguồn hạnh phúc vô bờ. Những câu thơ tự sự mở đầu kể về thời điểm giữa mùa hè: “Mẹ đi về quê ngoại để sinh con/ Trời tháng Sáu xanh một màu thương nhớ”. Nhờ nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, thiên nhiên cũng biết lan toả tình cảm, cùng “xanh màu thương nhớ”, cộng hưởng với nỗi lòng của chủ thể trữ tình. Đã mấy ngày “Ba mong con mấy đêm liền không ngủ; đại từ ngôi thứ nhất “Ba” và “Mẹ” đều được viết hoa, thể hiện rõ thái độ trân quý và tự hào. Thời khắc đáng nhớ nhất đã đến: “Ngày hai mươi con khóc chào đời”. Sinh linh bé xíu vừa cất tiếng chào đời khiến tất cả mọi người đều vui sướng vỡ oà. Cảm ơn con đã đến với thế giới này, đến với gia đình. Chẳng cần quyền uy, giấy mực, con đã thăng chức cho cả nhà: người được lên ông, người lên bà, người lên cha, lên mẹ, người lên cô, dì, chú, bác… Nhờ có con, cả nhà rộn rịp khác thường. Đặc biệt là: “Con mang về Ba Mẹ một nguồn vui/ Hạnh phúc trăm năm, niềm ao ước lớn/ Mong mỏi chứa chan, tình yêu trọn vẹn/ Bao yêu thương âu yếm rộn trong lòng”. Đây là đoạn thơ giàu cảm xúc nhất, thể hiện niềm xúc động người viết khó kìm nén nhất. Trong bản nhạc tình yêu thương dào dạt như những con sóng biển, chủ thể trữ tình nhớ mãi việc chọn đặt tên con: “Ba vui mừng chọn đặt tên con/ Cặp tên đẹp giữa muôn ngàn từ ngữ/ Cái tên vì con mà thành rực rỡ/ Con hãy làm tên đẹp hóa bài ca”. Trong quan niệm truyền thống của người Việt, việc chọn đặt tên để gửi gắm niềm mong đợi, hy vọng về đứa con yêu mới sinh rất được coi trọng. Tên ấy sẽ gắn liền với mỗi người cả hiện tại và tương lai, gửi gắm mơ ước và kỳ vọng của cha mẹ. Tên ấy dường như dự báo một phần cuộc sống sau này của đứa con. Thường thì sinh con trai người ta đặt theo vần tên của bố, sinh con gái đặt theo vần tên của mẹ. Bài thơ này hé lộ cho biết tên người mẹ là Thủy nên người cha đặt tên cho con tên Nguyên là rất hợp lý. Chủ thể trữ tình gửi gắm nhiều mong ước, niềm tin vào cái tên Tố Nguyên của đứa con yêu: “Cái tên vì con mà thành rực rỡ/ Con hãy làm tên đẹp hóa bài ca”. Hai câu thơ nêu lên mối quan hệ khăng khít giữa cái tên và con gái, cả hai có mối quan hệ biện chứng và cùng làm đẹp cho nhau. Trong bài tác giả dùng một loạt các từ ngữ thể hiện tình thương yêu và niềm hy vọng: thương, nhớ, mong mỏi, ao ước và các điệp từ cho thấy rõ con là sợi dây máu thịt yêu thương gắn mẹ và cha. Với mẹ cha “Con là nguồn hạnh phúc đầu tiên”, ngọn lửa sưởi ấm mùa đông, ngọn gió mát lành mùa hạ. Con là nhịp cầu nối những bờ vui hiện tại tới tương lai của gia đình ta. Với bài thơ này thi sĩ Hoàng Kim đã nói hộ tâm tình của rất nhiều bậc làm cha đối với đứa con yêu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.