Cuộc đời của nhà nữ quyền Nhật Bản Hiratsuka Raicho
(PNTĐ) -Hiratsuka Raicho là một nhà văn, nhà nữ quyền và nhà hoạt động giải phóng phụ nữ của Nhật Bản. Bà nổi tiếng với câu nói: "Phụ nữ là Mặt trời".
Một "Tomboy" trong thời đại của các quý cô
Hiratsuka Raicho tên khai sinh là Okumura Haru, là con út trong một gia đình có hai chị em gái. Bà được sinh ra với dây thanh quản yếu và gặp khó khăn trong giao tiếp. Tuy nhiên, sự bất tiện này đã không thể cản trở tiếng nói mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn của bà trong tương lai. Với người cha là con trai của một samurai và từng là quan chức cấp cao của chính phủ Minh Trị, Raicho được nuôi dưỡng trong một gia đình khá nghiêm khắc.
Ngay từ thời niên thiếu, bà đã thể hiện bản thân là người có tư tưởng mạnh mẽ vượt ra khỏi khuôn khổ. Tuy nhiên, thời thế không cho phép các cô gái theo đuổi sở thích “nam tính”, vì vậy bà buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn “nữ tính”. Cùng với bản tính "tomboy", cộng với ngoại hình khá... nam tính, bà thường bị gia đình than thở rằng không xinh đẹp, đặc biệt là so với người chị gái. Vì điều này, Raicho đã phải chịu sự phân biệt đối xử khá dữ dội từ người mẹ - người luôn bị ám ảnh về ngoại hình của con gái mình. Theo đó, mẹ bà thường chải một chất lỏng đặc lên tóc của bà để “thuần hóa” và hy vọng trông cô sẽ “xinh đẹp” hơn.
Raicho đã chịu ảnh hưởng của các trào lưu triết học châu Âu đương thời. Người có ảnh hưởng đặc biệt đến bà là nhà văn nữ quyền người Thụy Điển Ellen Key.

Nhà nữ quyền nổi tiếng Nhật Bản
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hiratsuka Raicho cho ra mắt "Seito" - một cuốn tạp chí chuyên về nữ quyền vào năm 1911. Số đầu tiên của cuốn tạp chí được mở đầu bằng câu nói nổi tiếng: "Phụ nữ là mặt trời", hàm ý nói về sự độc lập về tinh thần mà phụ nữ đã đánh mất. Câu nói này về sau được coi là bản "tuyên ngôn" về quyền của phụ nữ ở Nhật Bản.
Raicho tiếp tục phản bác những bất bình đẳng mà phụ nữ phải đối mặt trong các cuộc hôn nhân, trong đó có việc phụ nữ phải đổi họ của mình để cuộc hôn nhân được công nhận. Bà cũng tham gia đấu tranh đòi tăng cường trợ cấp nhà nước cho phụ nữ mang thai - vấn đề vốn bị xem nhẹ trong thời kỳ Thế chiến thứ Nhất. Bà cũng là một nhân vật quan trọng đóng vai trò then chốt trong nhiều phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ và đã dũng cảm đứng lên vì hòa bình giữa một cuộc chiến đang hoành hành.
Năm 1920, trong khi vận động bảo vệ quyền thai sản của phụ nữ, bà cùng hai người khác thành lập "Tổ chức Tân phụ nữ Nhật Bản". Bà tuyên bố đây là “phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ”. Cùng với đó, bà cho xuất bản một cuốn tạp chí mới có tên "Liên minh phụ nữ".
Mục đích để vận động sửa đổi các điều luật ngăn cấm phụ nữ tham gia vào chính trị, hoặc các cuộc tụ họp có động cơ chính trị dưới bất kỳ hình thức nào. Raicho phải đối mặt với vô số khó khăn trong suốt chiến dịch của mình, cuối cùng, năm 1922, cơ quan lập pháp đã chính thức bãi bỏ điều luật cấm phụ nữ tham gia chính trị. Là nguồn cảm hứng cho các phong trào phụ nữ, Raicho không dừng lại ở đó. Bà tiếp tục viết các bài báo và kiến nghị kêu gọi cải cách chính trị. Raicho cũng sáng lập hiệp hội của người tiêu dùng vào năm 1930 để đạt được sự bình đẳng hơn trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Năm 1953, Raicho tiếp tục thành lập Liên đoàn các tổ chức phụ nữ Nhật Bản, trở thành chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Bà còn giữ chức Phó chủ tịch "Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế". Ngoài ra, bà đóng vai trò là người khởi xướng chính trong Hội nghị các bà mẹ thế giới và là thành viên của Ủy ban Hòa bình Thế giới. Tại đây, bà đã tích cực tập hợp phụ nữ đấu tranh cho lập trường chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân.
Ngay cả khi bà đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở tuổi 84, bà vẫn tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng của mình. Bà thậm chí còn dẫn đầu một cuộc tuần hành của những người phụ nữ biểu tình nhằm tiếp tục thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong xã hội.
Bà tiếp tục viết và tham gia thuyết trình cho đến khi qua đời vào năm 1971. Bà đã để lại nhiều di sản cùng với cuốn tự truyện mà bà đã viết trong thời gian mang bệnh với nhan đề: "Phụ nữ là Mặt trời". Vào thời của bà, phụ nữ không có tiếng nói và phải chịu nhiều áp bức. Nhưng Raicho đã không ngần ngại đứng lên. Sự dũng cảm của bà đã truyền cảm hứng và mở đường cho một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực bảo vệ và nâng cao quyền của phụ nữ.