Cuộc sống đảo lộn vì thời tiết nồm ẩm

PHÙNG THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày này Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc đang trong giai đoạn khí hậu chuyển mùa, nồm ẩm kéo dài. Đặc trưng thời tiết khiến cuộc sống của các gia đình gặp phải không ít khó khăn, thậm chí sinh hoạt đảo lộn hoàn toàn.

Trời sinh nồm, người sinh tính cáu

Chằng biết có phải do thời tiết ảnh hưởng tới tâm lý con người hay không, nhưng suốt mấy ngày nồm ẩm kéo dài, lúc nào chị Nguyễn Ngọc Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cảm thấy trong người bứt rứt khó chịu. Nóng không ra nóng, lạnh chẳng phải lạnh. Đêm ngủ đắp chăn mỏng thì hơi rét, nhưng dùng chăn dầy hơn thì vài phút sau là mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo. Giấc ngủ vì thế cũng không còn sâu, làm tinh thần bực bội, cáu kỉnh. Định bụng hay là thử bật quạt đắp chăn nhưng chồng chị Hòa một mực không chịu, anh sợ có tí gió sẽ làm sự ẩm tăng lên không kiểm soát. Chị Hòa ấm ức nghĩ thầm trong lòng “đàn ông gì mà gắt, kỹ tính hơn cả phụ nữ”. Nếu không phải do chị nín nhịn, chắc hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày chỉ vì nồm ẩm.

Chẳng đâu xa, vừa mới lúc chiều đi làm về, chị Hòa thấy trong phòng cậu út ti-vi mở oang oang nhưng không ai xem nên tiện tay lấy điều khiển tắt vụt. Tay làm miệng nói, chị ngó ra phòng khách, lên giọng truy vấn các con: “Mấy đứa, tại sao đi học về là ôm chặt lấy cái ti-vi, mở cả ở phòng cậu mà không xem, để đấy cho lãng phí bao nhiêu tiền điện của bố mẹ; chẳng có ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường gì cả. Cho các con tiền đi học phí công, phí của…”. Ấy thế mà còn chưa kịp nói xong câu cuối thì chồng chị từ trong phòng ló mặt ra, tóc vẫn còn sũng nước vì mới gội.

Cuộc sống đảo lộn vì thời tiết nồm ẩm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vừa vò vò cái khăn màu xanh lam trên đầu để lau cho khô mái tóc kiểu đầu bổ đôi, ông chồng chị vừa càu nhàu: “Anh bật đấy chứ không phải đứa nào đâu. Không bật lên mới phí công, phí của, em thật đúng là chẳng hiểu gì về điện. Nồm ẩm như này, em nhìn xem từ cái tủ lạnh tới sàn nhà, đến cả em còn đổ mồ hôi, thì mấy cái bảng mạch điện tử cũng không tránh khỏi tình trạng ngưng tụ hơi nước. Ti-vi, kể cả máy tính của em mà cứ để đấy không dùng, cũng không có vật dụng bảo quản đặc trưng thì hết mùa nồm ẩm có khi đem thanh lý luôn. Cậu út đi công tác, ti-vi không ai xem nên anh phải bật lên cho nó hoạt động, tránh bị ẩm, bị hỏng. Em đấy, vừa về đến nhà, chưa hỏi gì đã cáu ầm lên”.

Nghe chồng phân tích đúng quá, chị Hòa bụng thì tâm phục khẩu phục, còn thấy đôi chút xấu hổ vì bản thân không nghĩ ra kiến thức tối thiểu ấy, chưa hiểu thấu đáo còn mắng oan các con… nhưng trót cao giọng với lũ trẻ, khí thế vẫn đang bừng bừng nên vừa ngại vừa giận.

Chẳng biết kiếm đâu cái “thang” đi xuống, chị đành kiếm đại cái cớ nhắc lại chồng: “Em chỉ nói hơi to chút chứ cáu đâu mà cáu. Anh ấy, biết nồm ẩm như thế còn không ở trong phòng tắm sấy cho khô tóc đi, lôi cả hơi nước, hơi ẩm ra phòng khách như thế này, hỏng hết sàn nhà của em”, rồi đi nhanh vào phòng thay đồ. Chẳng quay lưng lại cũng biết ông chồng chị ở phía sau đang lắc đầu cười thầm, hẳn là trong bụng đang bảo chị tính khí như trẻ con. Còn chị thì bực cái thời tiết được ví là “đặc sản” của miền Bắc, đã ẩm ướt lép nhép lại còn dễ làm người khác cáu kỉnh, sơ sểnh chút là vợ chồng, mẹ con cãi nhau to.

Lo ngược lo xuôi vì thời tiết

Nhưng nói tới ẩm ướt, khó chịu, xếp số một chắc phải nhắc đến những hộ xây nhà mặt đất, các gia đình đang đi thuê trọ trong khu cấp 4, mà lại đang có con nhỏ nữa thì… mùa nồm ẩm là thời điểm ám ảnh, khủng khiếp nhất trong năm. Điều này hoàn toàn đúng với gia đình chị Bùi Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội). Hai vợ chồng lên Hà Nội làm kinh tế, chưa mua được nhà nên thuê tạm nhà cấp 4, rộng hơn 35m2, có gác xép để ở. Hồi cuối 2022, chị Hoài sinh con gái đầu lòng. Có con, nề nếp sinh hoạt đã có nhiều thay đổi, nay gặp đúng mùa nồm ẩm khiến cuộc sống càng thêm đảo lộn. 

Mấy lần rồi chị thở than với chồng trong bữa ăn: “Hôm Tết thời tiết đẹp như thế mà hết Tết trở trời ngay được. Đã vậy năm nay còn nhuận 2 tháng hai, kéo dài nồm ẩm như này… em sống không nổi. Con còn bé, sức đề kháng yếu, tã lót giặt xong không khô được ngay vừa ẩm, vừa hôi, lại dễ sinh bệnh; mà sờ vào đâu cũng thấy đồ đạc mốc xanh mốc vàng, quá kinh khủng. Ông bà ngoại thì đang phụ bác cả chăm con. Anh xem, nếu bà nội sau Tết có thể tạm nghỉ hàng hoặc để ông quản lý thì nhờ bà lên giúp vợ chồng mình vài buổi được không?”.

Chị thì lo ngược lo xuôi đủ thứ như thế nhưng chồng chị hoàn toàn vô tư, vô tâm, bảo chị nghĩ nhiều, còn tặc lưỡi phân tích theo kiểu AQ: “Em xem, một năm cũng chỉ có vài tuần, cùng lắm một tháng nồm ẩm chứ mấy. Chớp mắt vài cái là hết rồi. Em lo tã lót của con giặt nhiều, thay nhiều, sấy không kịp thì anh đi mua thêm cho con, lúc ấy sợ lại dùng không hết. Em cứ yên tâm giữ sức khỏe cho mình, ăn tốt, chăm con khỏe, còn đâu mọi việc để anh gánh vác, mình chưa tới mức phải phiền tới ông bà”.

Cuộc sống đảo lộn vì thời tiết nồm ẩm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nghe chồng động viên mà khóe miệng chị Hoài giật giật. Biết tính chồng vô tư chứ rất thương vợ, thương con nên chị không tính toán, không đôi co ngoài miệng, chỉ âm thầm phản bác trong lòng: Để anh gánh vác mà ống đũa gỗ sờ chiếc nào chiếc nấy mốc xanh phát sợ, đích thân chị phải đi luộc rồi lau khô hết. Sàn nhà phòng khách ẩm do đổ mồ hôi thì anh lấy giẻ còn ướt lau khiến nước nhem nhép thêm, xong đợi mãi không thấy sàn khô, anh đi bật quạt trần, mở cửa sổ cho gió vào… Chị Hoài mà không cản kịp, đi đóng kín cửa, tắt quạt, bật điều hòa chế độ hút ẩm thì căn phòng chắc cũng “sương khói mờ nhân ảnh” vì hơi nước. 

Mấy chuyện đó chỉ là số ít, tính cả ra thì chắc mất nguyên buổi sáng mới kể hết. Thế nên mặc kệ chồng giành giật, riêng căn bếp là chị Hoài kiên quyết không cho chồng đụng tới ngoài việc rửa bát. Chị rất sợ thực phẩm không được bảo quản tốt, thời tiết này vừa nhanh hỏng, lại sinh ẩm mốc gây bệnh ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Chỉ cần chủ quan một chút thôi là vừa lãng phí tiền của, vừa rước bệnh vào người. Mà thời tiết nồm ẩm như thế này, lo cho bé con của chị không bị ốm đã là một sự nỗ lực rất lớn.

Chị được bác sĩ dặn rất kỹ rằng nồm ẩm có thể khiến trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn ở một số bệnh về da liễu như dị ứng, hăm da, viêm mũi dị ứng hen suyễn, tiêu chảy cấp... đòi hỏi mẹ cần quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc bé. Thế là thi thoảng chị Hoài lại xem con có bị bí da, đổ mồ hôi hay da mẩn đỏ; có bị nghẹt mũi, ho, hắt hơi hay không. Lúc nào con ngủ, chị đều tranh thủ tổng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa để cố gắng loại bỏ mọi vi khuẩn, nấm mốc và nguyên nhân gây bệnh cho trẻ sơ sinh thường gặp. Quần áo, tã lót ưu tiên hàng đầu với những chiếc có chất liệu vải thoáng mát và phù hợp giúp cơ thể để con cân bằng nhiệt độ tốt hơn, giảm tình trạng hầm bí, ngứa ngáy, kích ứng trên da.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, từng ấy việc cũng đủ để chị Hoài mệt muốn bở hơi tai. Thế nên chị chỉ ước gì mấy tháng nồm qua thật nhanh để chị quẳng bớt những nỗi lo của mình đi, dành thêm thời gian chăm sóc con cái, và bản thân được nghỉ ngơi đôi chút. Nhiều hôm buổi sáng, ngồi cho con bú, nhìn qua cửa sổ thấy ngoài trời sương mù trắng xóa, chị chẳng thấy thi vị, lãng mạn ở đâu, chỉ nghĩ thương những nhà có con nhỏ mà điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ cần không có máy sấy quần áo thôi chẳng hạn thì cũng đủ khốn khổ, lũ trẻ chẳng biết lấy gì mà mặc. Lo trẻ con, rồi lo cả những cụ già ốm yếu vì thời tiết… “Đấy, chỉ vì cái nồm mà bao nhiêu nỗi lo kéo theo, đến mệt” – chị Hoài thở dài.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.