Đại gia đình

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chúng tôi ở cạnh nhà một cặp vợ chồng già. Hai cụ ông cụ bà có 3 người con. Các con cụ đều đã lập gia đình rồi lần lượt ra ở riêng.

Vì hai nhà là hàng xóm gần hai chục năm nên chúng tôi coi nhau như người thân.

Chúng tôi chứng kiến các con cụ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành, rồi lại nhìn thế hệ thứ 3 tiếp nối. Cho tới khi ngôi nhà thưa vắng dần theo từng bước đi xa của con cái. Một tháng đôi lần, các con cụ lại đưa nhau về nhà, ăn với bố mẹ bữa cơm sum họp. 

Rồi chỉ trong vòng 1 năm, hai ông bà lần lượt qua đời. Từ ngày ông bà mất, ngôi nhà bị bỏ không. Thời gian đầu, các con cháu của ông bà còn năng về hương khói, chăm lo bàn thờ, nhưng sau khi qua giỗ đầu thì những lần về thăm nhà thưa vắng dần. 

Lần cuối cùng, cậu con cả đưa cho tôi chùm chìa khóa rồi nhờ: “Bác ở bên cạnh, bác giúp chúng cháu trông nom ngôi nhà ạ”. 

Nhận lời của cậu, thi thoảng, tôi lại sang đó thắp cho ông bà nén hương, quét dọn ngôi nhà. Song, tôi thấy mình không thể mang hơi ấm cho ngôi nhà như khi chủ nhân của nó vẫn còn sống. Tường nhà bắt đầu bong tróc vì ẩm mốc, bàn ghế bụi phủ, cánh cửa cũng kêu cót két mỗi khi được mở ra đóng vào. Trong một trận mưa to, một phần mái nhà còn bị sụt xuống.

Đại gia đình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi gọi điện cho anh con trai cả báo tình hình. Nhưng anh bảo, giờ mọi người đều bận nên sẽ không về nhà thường xuyên được. “Thôi thì bác cứ trông nhà giúp chúng cháu, được đến đâu hay đến đó chứ chẳng biết làm sao ạ!”.

Cách đây 2 tháng, tôi thấy các con ông bà bỗng dưng trở về nhà. Anh con cả sang nhà xin tôi chìa khóa để mở cửa rồi giải thích: “Năm nay là 3 năm bố cháu đi xa, chúng cháu quyết định về đây làm giỗ cho con cháu có cơ hội tập trung đông đủ bác ạ”. Vì vậy nên các con ông bà về khảo sát nhà, rồi cho thợ đến sang sửa lại những phần bị xuống cấp và sơn quét lại nhà cho sáng sủa.

Tôi nghĩ các cháu làm vậy cũng phải. Ngày trước, cứ 1 tuần là con cháu lại về đây tụ họp. Giờ, ông bà qua đời rồi, nhà vẫn còn đó mà người thì chẳng về nữa.

Tiện đó, tôi mới hỏi thêm cháu trai: “Vậy mọi năm, các cháu làm giỗ bố mẹ ra sao?”.

Cháu trai cả kể: “Chúng cháu đều bận bịu đi làm, chẳng ai có thời gian mà chủ trì nấu nướng. Nhà riêng của cháu cũng chật hẹp, không đủ chỗ cho các nhà đến. Thành thử, chúng cháu toàn đặt cỗ ở ngoài hàng, sau đó mỗi nhà cử một đại diện đến nhà cháu thắp hương cho bố rồi thụ lộc. Còn lại các nhà có thể tự làm giỗ bố tại gia hay không thì tùy”.

 - Giỗ như vậy thì cũng khổ và khó nhỉ. 

Tôi định nói thêm nhưng lại nghĩ không nên bình luận việc của gia đình họ nên thôi.

Đại gia đình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Song, dường như cháu hiểu suy nghĩ của tôi nên tâm sự thêm:

- Bác nghĩ đúng đấy ạ. Đặt cỗ ở nhà hàng thì nhanh, nhưng, ý nghĩa cũng không trọn vẹn như khi các con tự tay nấu cỗ. Bác xem, nhiều lúc, anh em kéo đến nhà cháu mới được vài phút, chưa kịp nói gì nhiều thì người ta đã mang cỗ tới. Vậy là đặt cỗ lên ban thờ, rồi đợi hương tàn xong ngả ra ăn, sau ai nấy lại tất bật về nhà riêng vì sợ muộn. Có khi hỏi hôm nay trong mâm cỗ có món gì, mọi người còn chả nhớ ra. Cháu thương nhất là lũ nhỏ, mấy năm chỉ biết giỗ ông nội, bà nội qua lời kể của bố mẹ hoặc chút lộc bố mẹ mang về cho. 

Nhoáng cái đã đến ngày giỗ 3 năm của bố các cháu. Từ sáng sớm, tôi thấy cậu con cả lái ô tô chở theo một thùng toàn rau củ, thịt thà. Rồi mấy cô cháu dâu nhanh tay xách đồ vào nhà. Các cháu đặt bếp ga thuê ở sân, cùng nhau nấu nướng. Người này nhặt rau, người kia làm gà cứ tíu ta tíu tít. Còn mấy cháu trai cũng tranh thủ dọn lại ban thờ, cắt tỉa cây trong vườn nhà, tra dầu vào cánh cửa kêu cót két. Các cháu còn trồng một cây mộc ta ở cổng, loài hoa mà bố các cháu rất thích, nhưng lúc còn sống chưa kịp trồng. 
Tự nhiên, nhìn cảnh ấy, tôi lại nghĩ tới lúc bố mẹ các cháu còn sống, cả đại gia đình cũng sum họp đông đủ và đầm ấm như thế này.

Theo lời mời, tôi sang thắp hương và ăn giỗ bố các cháu. Tôi nghĩ, ở nơi cao, giờ này chắc hai ông bà cũng vui mừng lắm. Bố mẹ mất đi rồi thì trách nhiệm duy trì tình cảm, kết nối anh em giờ được trao lại cho các thế hệ sau. 

Tôi tin, những ngày giỗ bố như thế này sẽ giúp cho các con, cháu của ông bà hiểu rằng, họ vẫn thuộc về một đại gia đình. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.