Đậm đà vị canh cua của nội

NGUYÊN AN
Chia sẻ

Đi qua những tháng năm vừa cay đắng vừa ngọt ngào của đời người, nếm qua không ít những món ăn lạ miệng, đồng nghiệp còn rủ ăn đồ Âu, đồ Nhật… nhưng điều làm tôi vấn vương mãi về tuổi thơ vẫn là món canh cua đồng và bà nội kính yêu.

- Mít, lấy cho bà cái rổ ra đây nào!

Tiếng bà gọi gấp gáp nhưng đầy vui tươi, ba chị em tôi phấn khởi theo nhau chạy ra sân. Đứa cầm rổ, đứa xách chậu nhôm, tôi là chị lớn nhất, khệ nệ ôm bộ chày cối theo hai em đi ra bến giếng. Không hiểu tại sao, vì cái gì đó khó giải thích, hay là trẻ con có giác quan đặc biệt, mà mỗi lần đi chợ về, nghe tiếng bà gọi là chị em tôi biết ngay là bà mua gì về nấu cơm.

Những con cua đồng càng to, chắc nịch bò lổm ngổm trong thau nhôm. Tay bà gân guốc, sạm đen vì sương gió nhanh nhẹn bắt từng con, bỏ yếm, tách mai nhẹ nhàng. Chị em tôi lấy sống thìa gạt hết gạch vào cái bát con. Tiếng nói của bà cùng những tràng cười giòn giã của mấy đứa cháu làm vang cả góc sân nhỏ. Khung cảnh những trưa hè ấu thơ thật tươi đẹp biết bao!

Đậm đà vị canh cua của nội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tiếng chày giã cua nhịp nhịp theo cánh tay chắc khỏe của người phụ nữ quanh năm buôn bán. Chẳng mấy chốc thịt cua đã nhuyễn cả. Bà tôi châm thêm ít muối, đổ nước vào rồi khéo léo khuấy nhẹ, đổ nước thịt cua vào nồi. Thịt lẫn vỏ cua lẫn nhau như thế, mà qua bàn tay của bà, thịt cua khi nấu xong lại mềm mại, ngọt ngào, chẳng bao giờ có cảm giác lạo xạo lẫn vỏ. Sao kỳ diệu đến thế!

Nước thịt cua trong nồi đã sôi bùng, bà nhanh tay cho rau mùng tơi, rau đay cùng mướp hương vào nấu chung. Khi rau và mướp đã chín mềm, bà dạy tôi thái hành tím để chưng màu. Một muôi mỡ lợn được rót vào chiếc chảo con, mỡ sôi ta bỏ hành phi vàng, sau đó là gạch cua vào đảo để lấy màu. Màu gạch chuyển sang màu vàng nâu đậm tức là đã đạt, ta đổ màu chưng vào nồi canh, tráng chảo mấy lần nữa để lấy hết những thơm ngon đậm ngậy của vị cua cho nồi canh thêm chất.

Bát canh cua nóng hổi được bưng ra, bốn bà cháu ngồi quanh mâm để thưởng thức hương vị đồng quê béo ngậy, đậm đà hòa quyện trên đầu lưỡi. Mâm cơm nào có bát canh cua, thì nhất định phải có thêm cà muối, thịt rang cháy cạnh và đậu phụ rán vàng mới thực sự tròn vị. Đây chính là “công thức vàng” mà bất kỳ đứa trẻ miền Bắc nào cũng sẽ ghi nhớ đến tận khi lớn lên.

Tôi cứ nghĩ canh cua chỉ có nấu với mỗi rau mùng tơi, mướp và rau đay. Lớn lên, đi nhiều, tôi còn thấy có nơi còn có món canh cua nấu rau bí, cua nấu rau muống và khoai sọ, cua nấu rau khoai hay đặc biệt nhất là canh cua nấu rau tập tàng. Người dân địa phương giải thích rau tập tàng là canh rau thập cẩm nhiều loại như mùng tơi, lá lốt, mã đề, rau dền… Nhưng cho dù được chế biến bằng cách nào đi nữa, món ăn vẫn nổi bật lên một hương vị tuyệt vời khó tả. Quả thật, canh cua luôn là món ăn được ưa chuộng nhất trong những trưa hè oi ả, ở bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất chữ S xinh đẹp này.

Đậm đà vị canh cua của nội - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cha mẹ đi làm xa, tuổi thơ chị em tôi gắn liền với những mâm cơm, những buổi chợ và những giọt mồ hôi của bà. Bà chăm các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, đến những buổi họp phụ huynh, hay những lần tôi tham gia văn nghệ, bà cũng đều có mặt. Tôi lười học, bà sẵn sàng dành cả buổi tối kê ghế ngồi cạnh tôi, cùng tôi học bài, bà chăm chú từng câu từng chữ tôi viết trong vở, đến nỗi cháu đi học, còn bà nhẩm thuộc cả cách dùng thì trong tiếng Anh.

Đưa một miếng thịt cua, cùng một miếng cà muối giòn tan vào miệng, là cảm nhận được hương thơm của đồng lúa miền châu thổ, là tình yêu thương của người bà tất cả vì con vì cháu, là những cơn mưa, những cái nắng, là cả mùa hạ bà cõng trên lưng…

Đi qua những tháng năm vừa cay đắng vừa ngọt ngào của đời người, nếm qua không ít những món ăn lạ miệng, đồng nghiệp còn rủ ăn đồ Âu, đồ Nhật… nhưng điều làm tôi vấn vương mãi về tuổi thơ vẫn là món canh cua đồng và bà nội kính yêu. Hình ảnh đám trẻ nhỏ chúng tôi chạy theo bà, cùng bà ăn bữa cơm thật ngon không ít lần hiện về trong những giấc mơ. Hương vị ngọt ngào, nồng đượm đã tưới mát tâm hồn tôi những trưa hè nơi thị xã ven đô đầy thương nhớ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.