Đánh trúng vào tình thương của cha mẹ... lừa chiếm đoạt tiền

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mạo danh nhà trường, bệnh viện… để thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu, rồi yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con là những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, mới xuất hiện, đang rộ lên tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố. Các đối tượng đánh trúng vào tình thương của cha mẹ, khi bị dọa con gặp nạn thì mất bình tĩnh, không đủ sáng suốt để nhận ra những chiêu lừa mà dễ dàng sập bẫy và chuyển tiền.

Bố mẹ mất bình tĩnh… dễ “dính bẫy”

Ngày 29/3, Công an quận Tây Hồ thông tin, đơn vị này đang điều tra vụ việc lừa chuyển tiền sau cuộc gọi điện thông báo "con đang cấp cứu". Cụ thể, gia đình anh V (sinh năm 1975) ở quận Cầu Giấy đã trình báo với Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ về việc sáng ngày 13/3 anh nhận được điện thoại nói con trai bị “tai nạn” đang được cấp cứu ở bệnh viện.

Theo đó, các đối tượng liên tục gọi điện thúc ép, yêu cầu anh chuyển tiền viện phí để cấp cứu cho con. Vợ chồng anh V đã chuyển 260 triệu đồng cho các đối tượng. Đến bệnh viện, vợ chồng anh gặp bác sĩ để hỏi thông tin thì mới biết đã bị lừa đảo.

Tương tự, 15h ngày 13/3, anh L.X.H ở Thụy Khuê, Tây Hồ nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói là cô giáo của con gái anh H, thông báo con bị tai nạn đang vào bệnh viện. Nhận đúng tên con, anh H hoảng hốt, mất bình tĩnh nên khi đối tượng yêu cầu chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nhân viên bệnh viện để cấp cứu kịp thời cho con, anh H. đã chuyển luôn. Anh H phát hiện bị lừa khi gọi cho gia đình thông báo. Anh H cho rằng, chưa từng nghe đến chiêu lừa đảo này nên đã không hề có chút cảnh giác.

Đánh trúng vào tình thương của cha mẹ... lừa chiếm đoạt tiền - ảnh 1
Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Kinh tế, Công an huyện Đông Anh chia sẻ với học sinh trường THPT Phạm Ngũ Lão trong ngày hội tư vấn pháp luật. Ảnh: Tùng Anh

Liên tiếp các nạn nhân bị “dính” bẫy của các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi lừa đảo mạo danh nhà trường, bệnh viện, dùng cả chiêu trò kịch bản tạo âm thanh cấp cứu, giả danh bác sĩ mô tả về tình trạng nguy kịch của con, đánh vào tâm lý của phụ huynh để ép họ nhanh chóng chuyển tiền. 

Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Cánh sát Kinh tế, Công an huyện Đông Anh cho rằng, các đối tượng lừa đảo đã đánh trúng vào tình thương của cha mẹ, khi nhận được thông tin con bị nạn là không còn bình tĩnh, minh mẫn để kiểm chứng. Cùng với thông tin chính xác về con như: Họ tên, lớp học, trường học,… và việc nói con rơi vào tình trạng nguy cấp khiến phụ huynh lo lắng, rối bời và không còn tỉnh táo để kiểm chứng nên nhanh chóng bị chúng đưa vào trạng thái làm theo sai khiến như chuyển tiền vào tài khoản của chúng. 

Đánh trúng vào tình thương của cha mẹ... lừa chiếm đoạt tiền - ảnh 2
Anh H đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Ảnh: Int

Theo Thượng tá Phạm Nam Thắng, điều đáng nói là hiện nay các ứng dụng phần mềm giả khuôn mặt, giọng nói đã trở thành “trợ thủ” đắc lực cho các đối tượng lừa đảo tấn công vào nhiều người và đã có những người bị mắc bẫy mất tiền cho các đối tượng này. Các đối tượng liên tục có những chiêu thức tinh vi, sử dụng tài khoản ảo, chuyển tiền qua nhiều tài khoản.

Thượng tá Phạm Nam Thắng cho hay, việc đăng ảnh, video, quảng bá hình ảnh cá nhân, người thân trên các mạng xã hội, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội đơn giản… chính là sơ hở mà các đối tượng dễ dàng đánh cắp và thực hiện các hành vi lừa đảo.

Để phòng ngừa việc bị kẻ gian lợi dụng hình ảnh, video giả danh người thân, Thượng tá Phạm Nam Thắng, khuyến cáo với người dân khi nhận được cuộc gọi thông báo, yêu cầu chuyển tiền thì cần bình tĩnh hỏi lại để kiểm chứng thông tin đầy đủ, không nên chuyển tiền ngay mà chưa xác minh. Đồng thời, người dân cũng cần liên hệ với nhà trường, bệnh viện để xác minh thông tin chính xác, trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ, tránh bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Đánh trúng vào tình thương của cha mẹ... lừa chiếm đoạt tiền - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chiêu mới nói bố mẹ tai nạn để lừa con

Mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện chiêu lừa mới nhằm vào các em học sinh. Với chiêu thức, kẻ xấu tiếp cận học sinh đang đứng đợi người thân đến đón ở cổng trường; nói với các em là ba/mẹ bị tai nạn, hiện đang cấp cứu, tự nhận là bạn ba/mẹ đến đón con, đưa giúp con đến bệnh viện. Cụ thể, sự việc vừa xảy ra đối với một em học sinh lớp 12 trường Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Rất may đây là em học sinh lớp 12 (đủ lớn để trang bị cho mình những kiến thức cảnh giác), đồng thời ba của em cũng đã mất từ lâu nên ngay sau khi nghe đối tượng nói, em xác định đây là kẻ lừa đảo. Em học sinh này đã chạy vào phòng Giám thị báo cáo sự việc, nhưng khi cùng thầy giám thị và bác bảo vệ quay trở ra thì không thấy đối tượng đâu nữa. Sự việc trên cho thấy các đối tượng xấu đang không từ một thủ đoạn nào để thực hiện hành vi lừa đảo của mình. 

Ở chiêu lừa đảo mới này, đối tượng nhằm vào các em học sinh là những đứa trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, non nớt, ngây thơ, dễ tin người. Vì vậy, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức và đề cao tinh thần cảnh giác cho con em mình. Ban giám hiệu các nhà trường cần thông tin đến tất cả các lớp học về trường hợp lừa đảo trên để các em học sinh cảnh giác; duy trì thường xuyên kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh để kịp thời trao đổi thông tin khi cần thiết. Đặc biệt, các phụ huynh không nên cho con em mang nhiều tiền hoặc vật dụng đắt tiền đi học bởi có thể đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự mất an toàn cho con, em mình.
Ngay khi có thông tin các vụ lừa đảo xảy ra, các ngành đã nhanh chóng vào cuộc, ban hành các văn bản để khuyến cáo trong các nhà trường, tới các phụ huynh học sinh và người dân để nâng cao tính cảnh giác với tội phạm lừa đảo kiểu mới này.

Đánh trúng vào tình thương của cha mẹ... lừa chiếm đoạt tiền - ảnh 4
Ảnh minh họa

Ngày 14/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có văn bản gửi đến Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cùng hiệu trưởng các trường thuộc Sở về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sở GD&ĐT cũng đề nghị các đơn vị tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên và học sinh, khuyến cáo phụ huynh nâng cao tinh thần cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn nói trên.

Các trường học trên toàn thành phố cũng quán triệt đến phụ huynh, nếu nhận được cuộc gọi hoặc nhắn tin từ số máy lạ thông báo về việc con em của họ bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện thì cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào. Phụ huynh cần liên hệ ngay với nhà trường để xác minh thông tin và trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.

Thời gian tới, Công an thành phố cũng sẽ phối hợp các nhà trường tổ chức tập huấn cho học sinh về cách đối phó với các trường hợp nguy hiểm, đột xuất; chủ động phối hợp cùng nhà trường giúp các em học sinh tự bảo vệ mình trước mọi hành vi lừa đảo.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.