ĐẤT QUÊ TA MÊNH MÔNG

Chia sẻ

Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.

Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Hầm mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước.

Đất quê ta mênh mông
Quân thù không xăm hết được
Lòng mẹ rộng vô cùng
Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất
Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam.

Trên nắp hầm
Bầy giặc Mỹ xúm vào đánh mẹ
Nửa lời không hé
Mẹ lặng thinh trước những đòn thù.

Trên mình mẹ mang nhiều thương tật
Tóc mẹ bạc rồi lại bạc thêm
Nhưng đêm đêm
Từng nhát cuốc vẫn xoáy vào ruột đất.

Có những đoàn quân từ lòng đất xông lên
Quân thù bạt vía
Xung quanh chúng đều là trận địa.
Đất quê ta mênh mông
Lòng mẹ rộng vô cùng.
                                                            1967
                                           Bùi Minh Quốc

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:
Bùi Minh Quốc còn có bút danh khác là Dương Hương Ly, sinh năm 1940 quê ở Mỹ Đức (nay thuộc Hà Nội). Cuộc đời của ông gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều cây bút khác viết về mẹ thường là người mẹ sinh thành dưỡng dục, "Đất quê ta mênh mông" của ông lại viết về người mẹ đào hầm nuôi giấu bộ đội. Bài thơ là sự cảm nhận riêng của tác giả về sức mạnh Việt Nam qua hình tượng người mẹ hết lòng yêu thương, bảo vệ những người con chiến sĩ.

Cảm hứng thi ca trong bài gắn với tình cảm công dân cho ta thấy vẻ đẹp của tình yêu thương, đức hy sinh, lòng bao dung của người mẹ Việt Nam. Bài thơ viết theo thể tự do, rất tự nhiên trong thể hiện cảm xúc. Mở đầu, tác giả kể về người mẹ đào hầm: "Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh". Những câu thơ giàu hình ảnh gợi cảm cho thấy cuộc chiến chống Mỹ đã bước vào giai đoạn cam go và đức kiên trì, quyết tâm của người mẹ. Âm thanh "tiếng cuốc vọng năm canh" đào hầm đêm đêm giàu sức gợi vô cùng. Tiếng cuốc ấy vọng vào thinh không, vọng vào lịch sử, vọng vào trái tim chiến sĩ. Cũng bởi quân thù giày xéo quê hương, các anh cầm chắc súng diệt thù. Những người mẹ, người chị và bao quần chúng khác đã đào hầm "giăng như lũy như thành" trong lòng đất để che chở, bảo vệ, nuôi giấu các chiến sĩ.

Có lần "Bầy giặc Mỹ" đi càn quét, xăm tìm hầm không được, "ngay trên nắp hầm" chúng "xúm vào đánh mẹ", bảo vệ cách mạng và các con, mẹ "lặng thinh trước những đòn thù". Cho dù "Trên mình mẹ mang nhiều thương tật/ Tóc mẹ bạc rồi lại bạc thêm", mẹ sẵn sàng chịu đựng đau đớn, quyết "Nửa lời không hé". Chính tình yêu các con chiến sĩ đã cho mẹ sức mạnh ấy. Trong bài, hay nhất là đoạn: "Đất quê ta mênh mông/ Quân thù không xăm hết được/ Lòng mẹ rộng vô cùng/ Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất/ Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam". Điệp ngữ "Đất quê ta mênh mông" và "Lòng mẹ rộng vô cùng" được láy lại nhiều lần càng khẳng định sự rộng lớn của đất quê hương "đủ giấu cả sư đoàn" - từ 8.000 đến 10.000 người - và tấm lòng vị tha vô bờ của mẹ. Sự mênh mông của "đất quê ta" hoàn toàn đăng đối, tương đồng với "lòng mẹ rộng vô cùng". Cả hai đều làm rõ và đẹp thêm cho nhau. Tình yêu, nghị lực lớn lao ở mẹ đã làm nên sức mạnh diệu kỳ, truyền động lực và niềm tin cho các con. Tiếng những nhát cuốc "xoáy vào ruột đất" đêm đêm như thôi thúc, giục giã các chiến sĩ quyết tâm xông lên tiêu diệt quân thù. "Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam".

Trong gian khổ "hầm tối" đầy thử thách, con người nhận ra được sức mạnh của chính mình và cộng đồng. Âm thanh "tiếng cuốc" mẹ đào hầm trong bài là hình tượng nghệ thuật gây ấn tượng sâu đậm. Vô cùng cảm kích, tri ân mẹ đã hết lòng vì các con, người con chiến sĩ luôn tự nhủ mình: Chỉ có tiêu diệt kẻ thù mới là sự đáp đền đúng nhất những ân tình mẹ và quê hương dành cho mình. Sự giúp đỡ âm thầm, sự hy sinh lớn lao của mẹ thực sự góp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Lòng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên trung của những người mẹ bình dị nhưng vĩ đại ấy đã nhân lên sức mạnh phi thường, làm ngời sáng thêm lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đủ khiến "quân thù bạt vía" và thất bại khi chúng xâm phạm chủ quyền đất nước ta. Trong bài, lối ngắt câu đa dạng, các từ láy: phơ phơ, chở che, đêm đêm và tính từ mênh mông (điệp 3 lần) được sử dụng phù hợp càng tôn thêm vẻ đẹp người mẹ. Bài thơ kết thúc bằng hai câu cô đọng như một chân lý: "Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng". Đây là niềm tự hào, sự tôn vinh, ngợi ca và tri ân cao nhất đối với người mẹ và quê hương. "Đất quê ta” chính là Tổ quốc thân yêu và Mẹ chính là người Mẹ Việt Nam.

Sau khi ra đời ít lâu, bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát cùng tên được khán thính giả mọi lứa tuổi trong cả nước yêu thích.

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.