Đất văn hiến Quảng Phú Cầu

Chia sẻ

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với sản phẩm thủ công làng nghề tăm hương, nhiều năm nay dân làng vẫn giữ nghề quý cũng như giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ những di tích lịch sử là các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu mang giá trị nghệ thuật cao.

Đình làng Quảng NguyênĐình làng Quảng Nguyên

Ngàn xưa văn hiến

Đình Quảng Nguyên là di tích lịch sử văn hóa độc đáo về giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đình được xây dựng vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) đẹp và bề thế, tọa lạc trên một khu đất rộng, mái ngói rêu phong với những đao đình cong vút như một cánh diều bay trên nền trời xanh biếc. Toàn bộ khu đình được đặt trên lưng con quy, hàm ý người xưa hướng tới sự yên bình và bền vững. Phía trước đình là một hồ mặt nước thoáng. Tương truyền, có một ông “phù thủy thời nay” đến phán: “Nếu để hướng đình nhìn về phía ngôi chùa trước mặt ở làng bên thì làng sẽ không còn quan lớn”, nhân dân trong làng bảo nhau phải xây thêm bức bình phong.

Ngôi đình cổ được xây dựng vào thời Nguyễn rất to lớn và đẹp. Đình thờ ba vị Thành hoàng làng (Tam vị Đại vương). Vị thứ nhất là Đống Củ Đại vương, một vị tướng tài danh của Đinh Tiên Hoàng đế, vị Thành hoàng thứ hai là Không Đồng Tôn Thần Đại tướng quân nhà Trần có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc; thứ ba là Vĩnh Thái Kiều Trung đẳng Thần húy Phạm Tuấn Vỹ, ngài là tướng nhà Mạc. Đình Quảng Nguyên có nhiều bức hoành phi câu đối, các bức cốn được trạm trổ công phu.

Ông Nguyễn Bá Dần, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Quảng NguyênÔng Nguyễn Bá Dần, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Quảng Nguyên

Ông Nguyễn Bá Dần, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu cho biết, hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, làng tổ chức lễ hội tế rước, dâng hương được nhân dân tham gia đông đảo. Cũng vào dịp này, xã tổ chức khen thưởng, động viên các cháu học sinh giỏi cấp trường, huyện, thành phố; tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với hai nhà cách mạng, Đại tướng Lê Trọng Tấn và đồng chí Trần Đăng Ninh.

Từ xưa, Quảng Phú Cầu đã sớm hình thành truyền thống hiếu học. Nhờ có nhiều người đỗ đạt nên ở Quảng Phú Cầu có thôn Quảng Nguyên được vua ban tặng 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Phong” và thôn Xà Cầu được tặng 5 chữ vàng “Xà Cầu Xã Nghĩa Dân”.

Ở Quảng Phú Cầu, từ xưa truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, noi gương thánh hiền cũng phát huy. Bằng chứng là thôn nào cũng có văn chỉ thờ Khổng Tử; thôn nào cũng dành công điền làm học điền thưởng cho người đỗ đạt và chu cấp cho thầy đồ hoặc học sinh nghĩa khí. Hương ước của làng Quảng Nguyên ghi rõ: “Trẻ em trong làng từ tám tuổi trở lên đều phải đi học”. Trong gia phả của nhiều dòng họ ở Quảng Nguyên cũng thể hiện, vào thời Lê thế kỷ 15-16, làng có tới 24 vị đỗ cử nhân và tú tài; thời Nguyễn có 18 vị đỗ cử nhân và tú tài. Nhiều cụ cử, cụ tú không ra làm quan mà làm nghề dạy học ở quê, bốc thuốc cứu dân, xây dựng nếp sống văn hóa thôn quê. Trong đó phải kể đến danh y Nguyễn Huyền Diệu tức Nguyễn Trọng Hầu làm Thái y viện dưới triều Lê, chữa bệnh cho vua được phong tước Hầu.

Vào những năm 1740-1748 danh y Nguyễn Huyền Diệu được phong tước hầu, phụ trách thái y viện bảo vệ sức khỏe cho hoàng tộc, những phương thuốc quý cụ sưu tầm về phục vụ hoàng tộc. Với tấm lòng rộng lượng, cụ Huyền Diệu đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Người dân làm nghề chẻ tăm hươngNgười dân làm nghề chẻ tăm hương

Tự hào hơn với truyền thống văn hiến vẫn được các dòng họ phát huy; thế hệ nào người Quảng Phú Cầu cũng có người đỗ đạt cao. Thế kỷ hai mươi, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Đăng Ninh tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, nhà hoạt động cách mạng và quân sự, Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp - sau là Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông chính là người xây dựng hệ thống dân công tiếp tế, một yếu tố dẫn đến thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ ông, tháng 7 năm 1956, Bưu điện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành một bộ tem gồm 4 mẫu in hình chân dung của ông. Năm 2002, quê hương xã Quảng Phú Cầu và huyện Ứng Hòa đã xây dựng Khu tưởng niệm Trần Đăng Ninh.

Ông Nguyễn Tuấn Thục, người trông nom Khu tưởng niệm Trần Đăng Ninh bày tỏ: “Chúng tôi luôn tự hào và cố gắng rèn luyện, sống, học tập và lao động sao cho xứng với ông cha”.

Đất nghề quý – hướng tâm về lòng biết ơn tiên tổ

Từ lâu, Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề làm hương nổi tiếng nhất Việt Nam, là nơi lưu giữ nghề làm hương tồn tại hơn một thế kỉ qua. Hàng trăm năm trước, nghề làm hương chủ yếu phát triển ở thôn Phú Lương Thượng, sau khi nhu cầu cao hơn, làng nghề được mở rộng ra khắp xã, khắp vùng.

Với nguyên liệu là những cây nứa, cây vầu chuyển từ trên miền núi về sẽ được người Quảng Phú Cầu đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”, rồi vớt lên, rửa sạch. Ngày nay, có sự hỗ trợ của máy móc sẽ tạo ra những chiếc tăm hương nhỏ, tròn đều. Làm tăm hương là công đoạn đầu tiên nhưng lại cực kỳ quan trọng, bởi nó quyết định sự hoàn thiện cả về chất lượng và mẫu mã của sản phẩm hương thắp. Sau khi nhuộm màu, tăm hương được phơi dọc đường làng, ngõ xóm. Làm nghề cần có sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như kiên nhẫn thì mới có thể theo nghề lâu dài được.

Ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX sản xuất hương thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú CầuÔng Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX sản xuất hương thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu

Ngoài chẻ tăm hương, Quảng Phú Cầu làm hương, mang đến cho nơi đây mùi thơm của những thảo mộc dùng để se hương. Thời gian gần đây tăm hương có phần chững lại nên nhiều hộ gia đình còn xe hương theo đơn đặt hàng của các tỉnh. Hương được xe từ những nguyên liệu tự nhiên không hóa chất, nên thành phẩm hương của Quảng Phú cầu cũng rất nổi tiếng và có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX sản xuất hương thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu cho biết, toàn xã có 6 thôn, 5 thôn được công nhận làng nghề chẻ tăm hương, thôn Xà Cầu được công nhận làng nghề từ năm 2013. Chúng tôi là những thế hệ sau tiếp nối nghề. Từ nguyên liệu nhựa trám rừng trộn than hoa, để nén hương được thơm đẹp thì công đoạn quan trọng nhất là pha trộn bột, đưa vào máy xe hương được bóng đẹp. Chúng tôi cố gắng giữ gìn và phát huy nghề của quê hương. Năm 2020, hưởng ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của UBND huyện Ứng Hòa, HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu tham gia 3 sản phẩm: Hương nén, hương vòng, hương nụ Thủy Xuân Tiên, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Điều này khuyến khích người dân tiếp tục sản xuất và xuất khẩu sản phẩm, ngay sau khi các nước bước qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hương Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, trong những năm qua, UBND xã luôn quan tâm giữ gìn các công trình lịch sử văn hóa, xã đã thành lập Ban quản lý di tích, để người dân giữ gìn truyền thống văn hóa của địa phương. Đồng thời, xã cũng đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống và đang xây dựng sản phẩm hương đen là sản phẩm OCOP.

Trong nhịp sống hối hả ngày nay, người dân xã Quảng Phú Cầu kịp thời phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hiện đại từ phát triển làng nghề, vừa đầu tư tu bổ hệ thống di tích lịch sử văn hóa, xây dựng các làng văn hóa, nhằm gìn giữ hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống với xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Bài và ảnh: THÙY DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.