Đau bụng trong mùa dịch và điều cần biết

Chia sẻ

Trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều địa phương (trong đó có Hà Nội) đang thực hiện nghiêm quy định giãn cách, người dân được khuyến cáo ở nhà và tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu gặp phải dấu hiệu đau bụng, bạn không nên chủ quan vì có nhiều tình huống xảy ra và không phải ai cũng biết cách xử lý.

Đau bụng là tình trạng đau và khó chịu vùng bụng (được giới hạn từ phần dưới bờ sườn đến phần trên nếp bẹn 2 bên). Đây là vấn đề thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi thoáng qua và không để lại hậu quả gì. Tuy nhiên cũng có trường hợp không may bị đau bụng ở mức độ nặng, cấp tính… gây nguy hiểm cho sức khỏe. Có nhiều trường hợp xử lý sai, dẫn đến khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Các dạng đau bụng thường thấy

Đau bụng ở trẻ em: có thể do ngộ độc thức ăn (nôn ọe, đi ngoài phân lỏng - nhiều khi như “tháo cống”), lồng ruột (nhất là ở trẻ còn bú, do thói quen của người lớn hay đu các cháu lên cao): trẻ khóc thét, quằn quại, bỏ bú, mặt tái xanh, đi ngoài ra máu… đau bụng ở trẻ em rất khó chẩn đoán, do các cháu chưa ý thức và mô tả được cơn đau, nhiều khi phải dựa vào bố mẹ hoặc người giám hộ.

Đau bụng ở người già: thường do thói quen ăn ít rau xanh, uống ít nước, do trung tâm khát kém nhạy, do rụng răng nên không nhai kỹ dẫn đến táo bón, bán tắc ruột (đau kiểu co thắt, đau quặn bụng, ngoài cơn đỡ đau); cũng có khi do kém ăn gầy sút, cộng thêm việc dùng các thuốc kháng viêm không-steroid trong bệnh khớp dẫn đến loét dạ dày (đau bỏng rát vùng trên rốn, đầy hơi khó tiêu) (triệu chứng ở người già thường mờ nhạt hơn).

Đau bụng khi phụ nữ đến chu kì kinh nguyệt: đau vùng hạ vị, theo cơn co tử cung, chườm ấm sẽ hết), ngoài ra còn có thể do u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…

Đau bụng ở những người có bệnh nền tim mạch: như tăng huyết áp - đái tháo đường tuyp 2 (đau phần thượng vị lệch trái, gần vị trí xuất chiếu của tim trên thành ngực…) rất nguy hiểm vì dễ nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim thành sau dưới.

Đau bụng ở những người tập thể lực quá sức: thoát vị bẹn, thoát vị rốn: đau bụng đột ngột, kèm theo khối phồng vùng bẹn - vùng rốn…

Đau bụng ở những trẻ trong độ tuổi đến trường: đau dạ dày, căng thẳng vì áp lực học hành - thi cử : đau bụng vùng trên rốn, kèm theo ợ hơi - ợ chua, nhất là những trẻ phải thường xuyên thức khuya học bài…

Đau bụng liên quan đến bữa ăn: có thể do ăn quá no; ngộ độc thức ăn (dẫn tới sau ăn xuất hiện đau bụng kèm theo buồn nôn – nôn) , đau dạ dày - tá tràng (đau sau ăn, càng ăn càng đau, kèm theo có ợ hơi hoặc ợ chua); viêm tụy cấp (sau khi ăn một bữa cơm thịnh soạn có nhiều đạm, nhất là khi có kèm theo uống rượu…).

Đau bụng ở những người có tiền sử phẫu thuật ổ bụng: có thể trong vài tháng đầu sau mổ, có thể nhiều năm sau mổ, các cơn đau thường âm ỉ, tăng dần, kèm theo bí trung - đại tiện, nhiều khả năng tắc ruột do dính.

Đau bụng quanh rốn âm ỉ, tăng dần, sau chỉ đau nhiều ở vùng bụng dưới bên phải (hố chậu phải): là dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm ruột thừa.

Đau bụng cũng có thể là biểu hiện của những bệnh khác nhau, nhất là các bệnh ngoài đường tiêu hóa (sỏi thận, nhiễm trùng tiết niệu, viêm phần phụ…). Ngoài ra, có không ít trường hợp đau bụng mà đến nay y học cũng chưa tìm được chính xác nguyên nhân.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Các biện pháp có thể làm khi đau bụng

Khi thấy bản thân có biểu hiện đau bụng, bạn nên thực hiện một số điều sau: Nghỉ ngơi tại chỗ 15-30 phút; kết hợp chườm ấm và xoa nhẹ vùng bị đau ngược chiều kim đồng hồ; Không nên ăn uống gì ngay nếu không đỡ (rất quan trọng vì nhiều thăm dò chức năng cũng như biện pháp điều trị bị hạn chế nếu dạ dày có thức ăn).
Đến viện ngay khi: Đau bụng sau 6h không đỡ, đặc biệt 24h nếu không đỡ. Đau bụng kèm theo: sốt, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, bí trung- đại tiện, tiểu buốt- tiểu rắt, khó thở, đau ngực…

Không nên: ăn quá no, ăn các thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, những thực phẩm đã biết sẽ gây dị ứng, ăn - ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng, rửa tay trước khi ăn, tránh xa rượu - bia - thuốc lá…

Đặc biệt lưu ý, chúng ta không nên tùy tiện sử dụng thuốc giảm đau khi bị đau bụng. Tốt nhất bạn cần liên hệ sớm bác sĩ để được tư vấn, thăm khám ngay khi thấy tình trạng đau bụng của bản thân có dấu hiệu bất thường.

BS LÊ ĐỨC THÀNH
(Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện 19-8 Bộ Công An)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.