Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô

Chi Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Thủ đô trước hết đến từ quyết tâm đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc của lãnh đạo Thành phố. Những năm qua, Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư trên 2.144 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), từ ngân sách Thành phố.

Coi công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại Hà Nội diễn ra mới đây, Ban Dân tộc TP Hà Nội thông tin, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 108 nghìn người DTTS, thuộc 50 thành phần DTTS sinh sống. Tuy chỉ chiếm trên 1,3% về dân số, song vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô có diện tích trên 30 nghìn hecta (chiếm gần 10% diện tích toàn Thành phố), địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm Thành phố, nơi xa nhất đến 100km. Dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn so với các vùng còn lại của Thành phố. Do đó, Hà Nội đã dành nguồn lực không nhỏ để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, Ban đã phối hợp với Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình, dự án. Trong đó, năm 2023 là 114,53 tỷ đồng, luỹ kế đến nay là 1.050,23 tỷ đồng cho 95 dự án. Các dự án đã bố trí vốn được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo được tiến độ theo yêu cầu, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đến nay đã có 52/95 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; 15 dự án cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao; 13 dự án chuyển tiếp đang tổ chức thi công; 15 dự án phân bổ vốn năm 2023 các huyện đang tích cực thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô - ảnh 1
Sản phẩm thuốc tắm của đồng bào Dao ở Ba Vì đã được nhiều du khách tin dùng, yêu thích sử dụng.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô toàn diện, bền vững. Đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào vùng DTTS, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Cùng với đó, đời sống văn hóa tại các khu dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô không ngừng được nâng lên. Năm 2023 tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 92%; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” đạt 96,4%; 79,6% thôn có đội văn hoá, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng; 96,6% thôn, làng có nhà văn hóa. Đến nay, Thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu về văn hóa theo Nghị quyết Quốc hội, Kế hoạch của Thành phố.

Phát huy những chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào dân tộc, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng đồng bào DTTS và miền núi và tinh thần tự lực của đồng bào; bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, hằng năm thu hút trên 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030 có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Ngày càng kéo gần khoảng cách thu nhập của người khu vực miền núi, vùng dân tộc với các vùng trung tâm.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhìn chung vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác trên địa bàn Thủ đô. Việc triển khai thực hiện một số dự án, đề án, nội dung thuộc nguồn vốn sự nghiệp trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của một số đơn vị, địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Việc xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dự liệu công tác dân tộc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu.

Đầu tư xứng tầm cho công tác dân tộc ở Thủ đô - ảnh 2
Đội ngũ cán bộ thôn bản vùng DTTS và miền núi Thủ đô có nhu cầu lớn được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng, cơ quan công tác dân tộc, đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở cần chủ động, tích cực tham mưu cho Thành phố đề ra chủ trương sát, đúng tình hình thực tế, phù hợp nguyện vọng của đồng bào, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Một trong số đó là tăng cường sự hiểu biết về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố cũng đã vào cuộc tích cực bằng việc triển khai Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, thành lập và ra mắt nhiều mô hình cụ thể, thiết thực.

Song song với công tác tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt tập thể, các Tổ truyền thông cộng đồng còn phối hợp với cán bộ địa phương, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị Bạch Tố Uyên, dân tộc Mường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Trại, huyện Ba Vì chia sẻ: Thời gian qua, Hội LHPN huyện và xã đã tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến với đông đảo hội viên và nhân dân, nên các thành viên trong gia đình đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, chị em phụ nữ được tôn trọng, được tham gia các hoạt động xã hội và được chia sẻ những công việc nặng nhọc.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, việc tăng cường công tác truyền thông đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Những kết quả đạt được đã dần khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng DTTS.

Với cách làm hiệu quả, mô hình sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 của các cấp Hội Phụ nữ, đã từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện bình đẳng giới. Từ đó, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

(PNTĐ) - Nhận thức tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển Thủ đô, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt công tác gia đình. Qua đó, nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ ở Hà Nội được triển khai hiệu quả.
Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

(PNTĐ) -  Câu hỏi: Chồng em là người nước ngoài, còn em vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Khi em sinh con ở Việt Nam thì con em đương nhiên có quốc tịch Việt Nam hay không? Vợ chồng em muốn đặt họ tên con trên Giấy khai sinh bằng tiếng nước ngoài theo bố thì có được cơ quan Nhà nước chấp nhận hay không? Hà Phương Lan (Quốc Oai)
Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến

Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến

(PNTĐ) - Dọc theo dải đất hình chữ S Việt Nam từ cực Bắc ở Lũng Cú (Hà Giang), đến cực Nam ở mũi Rạch Tàu (Cà Mau), ở nơi hồn thiêng sông núi ấy có những cột cờ đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, là niềm tự hào của người Việt. Ở Hà Nội cũng vậy, hình ảnh cột cờ còn là biểu tượng cho Thủ đô văn hiến, là chứng tích lịch sử của một thời giữ nước.