Đêm tân hôn chú rể đi đâu?

Chia sẻ

Lan bước lên xe hoa về nhà chồng với vẻ mãn nguyện. Cô không “vênh” sao được khi cả đoàn xe rước dâu khiến cho xóm phố trầm trồ. Mấy ai ngờ rằng cô Lan cái gì cũng “thường thường bậc trung”, lại đã tuổi “băm” (ngoài 30) mà vẫn còn lấy được anh chồng vừa điển trai vừa giàu có...

Cả ngày vật vã với hóa trang cô dâu, chạy theo đoàn xe lòng vòng thành phố chụp ảnh, rồi tiếp khách ăn tiệc, rồi nghe thưa gửi... Lan thấm mệt. Đêm tân hôn, cô vật ra giường cưới, mệt lả, chả có cảm giác giường đẹp nhà sang gì cả, cô ngủ “như trâu sứt mũi” (cô thì chả biết con trâu đó như thế nào, chỉ là nghe bố cô hay nói thế, con trâu bị xỏ dây thừng qua cái lỗ đục xuyên qua mũi, để người ta giật dây thừng điều khiển nó, nhưng khi phải đi cày hay kéo gỗ mệt quá, con trâu nó giật đứt tung cả mũi để thoát khỏi cái dây thừng. Đó là con trâu khỏe, nó làm khỏe, mệt nên ngủ khỏe, ngủ chả biết gì nữa).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đang ngủ như chết thì cô chợt nghe tiếng ồn ào. Lan mở bừng mắt vì không thấy chú rể nằm cạnh (như thông thường phải thế). Lan bật đèn gọi chồng nhưng không thấy Tín đâu. Cô bỗng thêm hốt hoảng khi thấy tất cả mọi người trong gia đình nhà chồng đều ào ào chạy bổ ra cổng. Ngoài đó đang ầm ĩ một đám người hò hét đánh nhau. Lan không dám chạy ra xem vì quá sợ. Bất ngờ cô nghe thấy tiếng kêu cứu của Tín. Đám đông xôn xao thêm một lúc rồi giải tán khi nghe bố chồng Lan lên tiếng van xin. Người nhà vừa che chắn đám đánh Tín, vừa lôi xềnh xệch cậu ta vào nhà. Sau khi đám đánh người đã đi hết, Tín mới la lối om sòm: “Đau quá! Chúng nó đánh gãy tay con rồi!”. Mẹ Tín vừa khóc vừa mắng: “Sao chúng không đánh chết mày đi cho mẹ rảnh nợ! Mày cặp với cái con Thương đó bao năm nay, chồng nó đánh mày bao nhiêu trận rồi! Sao hôm nay là đêm tân hôn, mày cưới con nhà người ta về đấy mà mày con chạy theo gái cũ hở con?”.

Lan nghe như sét đánh bên tai. Thì ra đêm tân hôn mà chồng cô còn bỏ đi ngủ với “gái cũ”, để bị chồng người ta hô người nhà đánh cho gãy cả cánh tay. Trong khi bố chồng gọi taxi đưa Tín vào bệnh viện, Lan vừa khó nức nở vừa vớ túi xách bỏ về nhà mẹ đẻ. Mẹ Tín xin con dâu: “Con ơi, thằng Tín nó dại dột, nó ăn phải bùa mê thuốc lú của cái con Thương. Mẹ xin con đừng bỏ đi. Bố mẹ cưới con đàng hoàng, con cứ ở lại làm dâu con của bố mẹ. Nửa đêm nửa hôm thế này, con về bên ấy lại làm đau lòng bố mẹ con”. Bà Tín vừa ôm vai con dâu vừa dỗ dành Lan: “Thôi thì cứ để bố con đưa thằng mất dạy ấy vào bệnh viện, xem nó có sao không đã. Con cứ ở nhà đây với mẹ”. Lan quệt nước mắt, ngồi phịch xuống nền nhà. Cô không bao giờ có thể hình dung đời mình lại khổ nhục như thế này...

Lan là con gái lớn, từ bé cô đã khéo tay, rất thích cắt may quần áo thời trang. Thế nên học xong phổ thông, cô đi học cắt may rồi mở tiệm may, phụ bố mẹ nuôi em trai ăn học. Cậu em đã học xong đại học đi làm. Tiệm may của Lan cũng ngày càng đông khách do tay nghề của cô ngày một tốt lên. Tuy vậy do công việc loanh quanh từ sạp vải về cửa hàng nên cô không giao dịch rộng rãi, ít quen biết đám thanh niên, chủ yếu khách hàng là phụ nữ đến cô may áo may đầm. Bởi vậy cái tuổi nó đuổi xuân đi. Chớp mắt cô đã ngoài 30 tuổi. Bố mẹ cứ giục, nhưng cô chả thấy có đám nào đường được cả. Thế rồi một cô trung niên giới thiệu cháu trai con bà chị cho Lan. Mới gặp Tín, cô thấy anh ta cao ráo điển trai, phong cách, ăn mặc ra dáng con nhà khá giả. Tín cũng hơn Lan 2 tuổi, thế là quá phù hợp. Tín làm nhân viên kỹ thuật ngành bưu điện, thế cũng là có công việc ổn định. Sau vài tháng đi lại tìm hiểu, nhà Tín đặt vấn đề xin cưới. Bố mẹ Lan thấy nhà trai nhiệt tình, lại đưa ra một chương trình cưới xin thật hoành tráng, cũng nghĩ con gái mình tốt phúc, nên gật đầu ngay. Nào ai ngờ ngay đêm tân hôn, con gái họ đã chịu một đòn giáng tinh thần đau đớn như này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thì ra Tín là kẻ ăn chơi sa đọa. Bố mẹ kinh doanh đồng hồ, nhà có tiền nên anh ta ăn chơi phá tán từ nhỏ. Tín và Thương vốn bạn học cùng lớp phổ thông, lúc còn rảnh rang thì không yêu đương, Thương lấy chồng có con rồi thì gặp lại Tín đi học trường kỹ thuật về, bỗng 2 kẻ lại “ý hợp tâm đầu”. Thời gian đầu thì chồng Thương không biết, nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày nó thò ra”, chồng Thương đã cảnh cáo Tín mấy lần. Thậm chí có lần anh này gọi thêm mấy anh em họ hàng vây đánh dằn mặt Tín và tuyên bố nếu còn lăng nhăng với vợ anh thì sẽ lấy của Tín 1 cánh tay. Bố Tín đã ra sức khuyên bảo con, thậm chí mắng mỏ, bà mẹ cũng đã khóc cạn nước mắt vì con trai.

Bà Tín nhờ anh chị em trong họ hàng, tìm người giới thiệu cho Tín cưới vợ, mong nó có vợ thì nó tu tỉnh. Thế nên khi Tín đồng ý cưới Lan, bố mẹ Tín mừng rơn. Họ không tiếc tiền bạc tung ra đón cô con dâu mà họ gửi gắm hy vọng sẽ giúp cho con trai họ trở lại tử tế, không làm nhục gia phong, không làm bố mẹ muối mặt khi ra đường nữa. Nhưng không ai ngờ “tình cũ không rủ cũng tới”, đêm tân hôn quan trọng với cuộc hôn nhân như vậy mà Tín cũng lẻn đến nhà bồ. Bởi vì Thương nhắn tin rằng chồng Thương đi vào Nam tìm mối giao hàng mấy ngày. Tín đã mấy hôm lo sắm sửa cưới xin không gặp bồ, nay thấy bồ nhắn thế thì mở cờ trong bụng. Tín cũng không ngờ, chồng Thương đang thử vợ, anh ta bắn tin đi công cán xa, xem thử Tín cưới vợ rồi có thật sự dứt khoát với vợ anh ta không. Nhưng anh ta cũng đau lòng không kém, khi thấy vợ và Tín vẫn “ngựa quen đường cũ”. Thế nên Tín đã rơi vào “ổ phục kích”, chịu no một trận đòn, may còn tháo chạy kịp, may là... chỉ mới gãy tay!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lan ngồi thượt trên nền nhà, tựa lưng vào tường nhà chồng. Nào ai ngờ, ai biết đêm tân hôn của cô khổ nhục thế này! Bà mẹ chồng thì cũng mệt quá, nằm lăn quay trên cái ghế sô pha phòng khách mà ngủ từ lúc nào. Nhưng chắc bà cũng ngủ không yên, vì trong tâm rối bời, ngập tràn sự đau khổ, nên bà cứ thở ì ạch ngay trong giấc ngủ. Lan bỗng cảm thấy thương bà, thân phận người mẹ không may có thằng con trai nghịch tử làm ô nhục cha mẹ. Chứ như mẹ Lan, tuy kinh tế không giàu có, nhưng tình cảm gia đình chứa chan, lúc nào cũng cười tươi, hạnh phúc. Nghĩ đến mẹ, nước mắt Lan lại trào ra. Bây giờ mà cô bỏ nhà chồng về nhà đẻ thì chắc là bố mẹ cô tột cùng đau khổ. Mẹ chồng nói cũng đúng. Mình về là làm khổ bố mẹ đẻ. Lan đang ngồi nghĩ mông lung và thấy căm hận kẻ bội bạc, vô lương tâm mà cô vừa cưới làm chồng, thì bố chồng đưa Tín từ bệnh viện về: “May quá, chỉ bị gãy tay, bó bột xong là được về”, ông nói với cả nhà. Tín cúi mặt không dám nhìn vợ. Trời đã hửng sáng.

Mẹ Tín giục Lan: “Con đưa nó vào phòng, vợ chồng ngủ đi cho lại sức. Có gì thì nói chuyện sau con nhé! Mẹ mong con thương bố mẹ mà bỏ qua cho chồng con, giúp nó làm lại cuộc đời, cũng là giúp bố mẹ bớt đi gánh nặng”. Tín cúi gằm mặt đi vào phòng tân hôn. Lan lặng lẽ đi theo sau. Trong lòng cô tràn đầy nỗi hận, nhưng nhìn vẻ mặt đang tái đi vì đau đớn và vênh váo vì bị chồng của bồ đấm đá đến sưng nề của Tín, lại thương cảm bà mẹ chồng tội nghiệp, Lan cố gắng chịu đựng. Nhưng vào phòng riêng rồi, cô ngồi trơ ở ghế, cô không thể ngủ chung giường với kẻ đã phản bội vợ ngay trong đêm tân hôn. Cô hận Tín đã đẩy cô vào tình thế trở đi mắc núi trở lại mắc sông! Mới hôm qua cô còn mặc váy cưới trắng tinh, hãnh diện nhận lời chúc phúc của họ hàng, bạn bè, lên xe hoa với lòng tự tin bước vào một chân trời mới. Thế mà nào ngờ cô đã “trèo cao ngã đau”.

Lan phải thật tĩnh tâm để nghĩ xem ngày mai đây cô sẽ quyết định tương lai của mình như thế nào? Cô sẽ chia tay vĩnh viễn người chồng vừa cưới đã phản bội? Cô sẽ chịu mang tiếng đã qua một đời chồng, nhưng có lẽ không ai biết cho rằng cô vẫn còn là “gái tân”. Liệu cô có vượt qua được miệng tiếng thế gian? Rồi liệu bố mẹ cô có chịu đựng nổi cú sốc này không? Còn nếu ở lại với người chồng bội bạc, ham ăn chơi này, liệu cô có đủ sức lực và bản lĩnh để giúp anh ta trở thành người chồng tốt, thành đứa con trai tử tế cho bố mẹ sinh ra anh ta bớt đau khổ không? Lan cứ tựa lưng vào thành ghế, suy nghĩ, nước mắt khô lại mặn chát trên đôi môi...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.