DI TÍCH NHÀ THỜ TRẠNG BÙNG - PHÙNG KHẮC KHOAN Ở THẠCH THẤT - HÀ NỘI

Chia sẻ

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan (xã Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) là Di tích danh nhân văn hoá có từ lâu đời, đến triều Nguyễn được tu sửa, tôn tạo vào năm Duy Tân thứ nhất (1907). Ngôi nhà này là nơi sinh ra và lớn lên của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Sinh thời, ông đã cho sửa sang ngôi nhà thành học đường và đặt tên là Hoàng đạo thư đường.

Phùng Khắc Khoan đã sáng lập Thư đường vào năm Tân Hợi (1551) vốn là nhà ở cũ của quan Hàn Lâm thị thư họ Nguyễn từ thời nhà Trần. Hiện nay, ngôi nhà Bái đường có diện tích là 50m2, dàn ngang chữ nhật có 3 gian. Từ ngoài sân vào có thể nhìn thấy Hậu từ nhà thờ, phía trong bên trái đặt ba tấm bia gắn vào bệ gạch. Ngôi nhà Hậu từ với diện tích 80m2, hai đầu gối xây bít dốc, vách trước nhà là hàng cửa gỗ bức bàn đóng trơn mộc mạc không trang trí. Bộ vì đỡ mái kiến trúc kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, phía mặt cắt đầu bẩy đều khắc chữ Thọ trên má thân, bào soi vỏ măng còn tương đối chắc chắn. Gian giữa Hậu từ xây cuốn vòm để ngai thờ và bức chân dung tiến sĩ Phùng Khắc Khoan và nhiều đồ thờ. Ở chính gian giữa nhà Hậu từ là bức đại tự sơn son thiếp vàng “Trung hưng công thần từ” (Đền thờ vị công thần Trung Hưng). Cỗ long ngai thờ cụ Phùng Khắc Khoan phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Nhà thờ bảo lưu nhiều hiện vật giá trị có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế lỷ XIX. Ngoài 11 sắc phong từ thời Cảnh Hưng đến thời Thiệu Trị, đáng chú ý là 4 cuốn sách chữ Hán. Cuốn thứ nhất: là bản sao chưa rõ năm chép, phần đầu Phụ công thi tập, phần sau Sư hoa thi tập tập hợp những bài thơ của Phùng Khắc Khoan. Cuốn thứ hai: Ký lục tiên tổ sự tích lược chép tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ nôm Đào nguyên hành (còn có tên khác là Lâm truyền vãn). Cuốn thứ ba: chép các điều khoản con cháu Phùng Khắc Khoan được miễn lệ. Cuốn thứ tư: Phùng tướng công phụng Bắc sứ lý (bản sao) ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh năm 1598. Nhà thờ còn giữ ba bức tranh lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan do họa sĩ Trung Quốc vẽ và một số kỷ vật khác.

DI TÍCH NHÀ THỜ  TRẠNG BÙNG - PHÙNG KHẮC KHOAN Ở THẠCH THẤT - HÀ NỘI - ảnh 1

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) đỗ Hoàng giáp, song do tài năng lỗi lạc và có công lớn với nước, với dân nên được người đời tôn vinh và gọi là Trạng Bùng. Từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Lớn lên gặp cảnh đất nước rối ren về chính trị, ông không theo nhà Mạc mà vào Thanh Hóa phò vua Lê. Ông đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ năm Canh Thìn (1580), kể từ đó, ông là bậc tôi trung của nhà Lê, bàn mưu định kế việc quân cơ, giúp Vua thống nhất sơn hà. Vua giao đi sứ Trung Quốc, nhờ đức cao, hiểu biết sâu rộng và nhanh trí trong đối đáp, ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của đoàn sứ bộ với Triều đình nhà Lê ở vai trò Chánh sứ (trưởng đoàn). Không những thế, Phùng Khắc Khoan với tầm nhìn chiến lược của một bậc thức giả, ông đã khiến vua quan nhà Minh rất nể phục. Truyền thuyết còn nói rằng ông được vua Minh phong là lưỡng quốc trạng nguyên. Trong chuyến đi Sứ, ông là người đặt viên gạch nền móng đầu tiên tạo mối bang giao giữa nước Đại Việt với Nhật Bản và xứ Cao Ly (Triều Tiên) đương thời.

Vừa có công lớn với nước, Phùng Khắc Khoan còn có công lớn với dân. Với tấm lòng thương dân như con, lại mưu trí, sáng tạo nên trong lần đi sứ, vượt qua sự tra hỏi khám xét gắt gao, kỹ lưỡng của quan quân nhà Minh, ông đã mang được một số giống cây quý về nước như: ngô, đậu (đỗ), vừng, khoai lang. Ngay sau đó. ông hướng dẫn dân đào mương máng làm thuỷ lợi tưới tiêu hợp lý. Ông dạy dân cách trồng trọt, nhân giống cây rộng rãi, giúp dân đẩy lùi nạn đói. Mặt khác, ông còn truyền dạy cho dân biết nghề dệt the, lượt. Với bản chất cần cù và đôi bàn tay khéo léo, the và lượt người dân làng Bùng quê ông dệt nên trở thành mặt hàng dặc biệt, có giá trị kinh tế, giúp bà con cải thiện và nâng cao đời sống. Không dừng lại ở đó, nhờ những ý tưởng sáng tạo, ông Trạng rất thành công trong việc dạy cho dân làng Vĩnh Lộc cách làm cày, bừa. Dân trong vùng vẫn truyền tụng câu phương ngữ: "Gái Đồng Trưa cày bừa Vĩnh Lộc" để ngợi ca con gái làng Đồng Trưa (thuộc xã Phú Kim của huyện) xinh đẹp, kỹ thuật đúc rèn cày, bừa của làng Vĩnh Lộc nổi tiếng khắp vùng. Bên cạnh dạy dân trực tiếp bằng hành động, với tài năng thơ ca, Trạng Bùng còn sáng tác nhiều bài dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm theo để phổ biến kiến thức nông học cho bà con nhân dân. Tiêu biểu là các tập: Huấn đồng (Dạy trẻ) giới thiệu về cây cỏ, côn trùng, thời tiết; "Nông sự tiện lãm" (Giúp tìm hiểu nông nghiệp một cách thuận tiện) là tài liệu rất bổ ích giúp người nông dân có thêm hiểu biết, kỹ thuật canh tác làm nông nghiệp. Với công đức lớn lao như vậy, cụ Phùng Khắc Khoan được dân tôn vinh là Trạng Bùng, là Thành hoàng của làng, ông Tổ Nghề dệt the, lượt và làm cày, bừa.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.