Địa đạo kháng chiến - điểm đến lịch sử ý nghĩa

Chia sẻ

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, các địa đạo nổi tiếng của Việt Nam như địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), địa đạo Kỳ Anh (tỉnh Quảng Nam), địa đạo Khe Trái (tỉnh Thừa Thiên - Huế), địa đạo Vịnh Mốc và Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị)… đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về tầm vóc, sức sáng tạo và ý chí kiên cường, quật khởi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Nỗi khiếp sợ của kẻ thù

Địa đạo kháng chiến là hệ thống phòng thủ dưới lòng đất của quân và dân ta mà hiếm nơi nào trên thế giới có được. Với hệ thống đường hầm chằng chịt nhưng cũng được tổ chức rất khoa học, công phu, sáng tạo của quân và dân ta để vừa tránh giặc, máy bay, đạn cối vừa chiến đấu anh dũng, chống trả quyết liệt các đợt tấn công của kẻ thù.

Du khách được hướng dẫn xuống địa đạo Củ Chi từ cửa hầm bí mật vừa đủ cho một người, bên trên được nguỵ trang bằng lá câyDu khách được hướng dẫn xuống địa đạo Củ Chi từ cửa hầm bí mật vừa đủ cho một người, bên trên được nguỵ trang bằng lá cây

Có quy mô rất lớn với những sáng tạo kiệt xuất, được thế giới đánh giá là kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam chính là địa đạo Củ Chi trong vùng đất thép anh hùng của TP Hồ Chí Minh. Địa đạo Củ Chi được xây dựng từ năm 1948 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, đến năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, địa đạo Củ Chi được phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn huyện Củ Chi tạo thành hệ thống địa đạo có một không hai. Với chiều dài hơn 200km, địa đạo Củ Chi có đầy đủ các công trình mà “trên mặt đất có thế nào, dưới hầm sâu có như thế”. Đó là hầm làm việc của lãnh đạo, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, bệnh viện, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn; nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, giếng nước… Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên được nguỵ trang khéo léo để làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, động viên quân và dân ở địa đạo. Đặc biệt ở địa đạo Củ Chi là bếp “Hoàng Cầm” được đặt theo tên của người lính đã sáng tạo ra loại bếp này. Chiếc bếp được đào sâu dưới lòng đất và có những đường rãnh giống như râu mực lan toả ra nhiều hướng khác nhau có tác dụng như những ống thoát khói. Thông thường, khi nấu ăn, khói bếp theo gió bị hút lên trời cao, dễ bị kẻ thù phát hiện. Để tránh bị sự chú ý, phát hiện, những rãnh này được phủ đất ẩm và cành cây. Khi nổi lửa nấu ăn, khói bếp sẽ “đi” theo các rãnh và bị lớp đất ẩm “chặn” lại nên chỉ bay là là trên mặt đất. Chính sự sáng tạo tuyệt vời này, trong rất nhiều năm, quân và dân ta sống dưới hầm sâu của địa đạo Củ Chi và nhiều địa đạo, hầm sâu khác vẫn tổ chức ăn uống, sinh hoạt như bình thường.

Không gian sinh hoạt được tổ chức trong địa đạo Củ ChiKhông gian sinh hoạt được tổ chức trong địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi có đoạn được đào từ 2-3 tầng, chỗ lên xuống giữa các tầng có nắp hầm bí mật. Các con đường địa đạo được tổ chức giống hình xương cá gồm đường “xương sống” và rất nhiều nhánh, có đoạn nhánh thì thông nhau, có đoạn độc lập, có nhánh trổ rộng ra sông Sài Gòn tạo thành đường thoát trong tình thế nguy kịch, quân và dân có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Hệ thống đường hầm chắc chắn, có thể chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tuy nhiên, vẫn có nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học phun vào; những đoạn hiểm yếu được đặt hầm chông, cạm bẫy… Với kỹ thuật đào hầm đạt đến đỉnh cao sáng tạo kiệt xuất như vậy nên dù địch đã tổ chức gần 4.000 cuộc tấn công nhưng địa đạo Củ Chi vẫn như pháo đài bất khả xâm phạm trong lòng đất, quân và dân ta chiến đấu ngoan cường vô hiệu hóa được nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.

Nói đến những địa đạo nổi tiếng ở Việt Nam trong kháng chiến không thể không nhắc đến địa đạo Vịnh Mốc ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, được xây dựng năm 1965 - thời kỳ Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị được ví như “đất lửa” với sự tấn công ác liệt của kẻ thù. Theo tài liệu của Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh, có chiều dài gần 42km nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển với 13 cửa ra vào, trong đó 6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi. Quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất nên địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là hầm chiến đấu mà còn là không gian sống bình thường của người dân. Địa đạo có 3 tầng thông nhau; trong đó, tầng một sâu 8-10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn; tầng 2 sâu 12-15m là nơi sinh sống của người dân địa phương; tầng 3 sâu hơn 23m là kho chứa lương thực và vũ khí. Đặc biệt, dọc hai bên đường hầm khoét thành những ô nhỏ có kích thước 1.8mx0.8m tạo thành phòng dành cho hộ gia đình từ 3-4 người. Ngoài ra, bên trong hầm còn hội trường lớn với sức chứa hơn 50 người, dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim.

Với thiết kế khoa học và kiên cố như vậy, trong gần 2.000 ngày đêm duy trì cuộc sống trong lòng địa đạo, không một người nào bị thương và 17 em bé chào đời. Kỳ diệu hơn cả, mặt bằng của đường hầm cao hơn mực nước biển và có độ nghiêng nên nước không bị đọng lại, đảm bảo cuộc sống nhân dân kể cả vào mùa mưa và góp phần làm cho đất sét trong hầm ngày càng cứng hơn, bảo tồn cấu trúc địa đạo Vịnh Mốc gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Khu vực nhà hộ sinh nằm dưới lòng đất trong địa đạo Vịnh Mốc (ảnh minh hoạ)Khu vực nhà hộ sinh nằm dưới lòng đất trong địa đạo Vịnh Mốc (ảnh minh hoạ)

“Địa chỉ đỏ” thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 47 năm nhưng các địa đạo trên cũng như các địa đạo nổi tiếng khác của Việt Nam như địa đạo Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), địa đạo Kỳ Anh (tỉnh Quảng Nam), địa đạo Khe Trái (tỉnh Thừa Thiên - Huế), địa đạo Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) luôn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống có ý nghĩa của dân tộc ta. Du khách quốc tế và trong nước, không chỉ có các cựu chiến binh mà rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam tìm về các địa đạo để tìm hiểu về lịch sử chiến tranh của đất nước, về tinh thần quật khởi, ý chí chiến đấu kiên cường cũng như sức sáng tạo kỳ diệu của quân và dân ta trong kháng chiến.

Đến nay, các địa đạo đều được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và được các tỉnh, thành, các đơn vị khai thác lữ hành đưa vào chương trình tham quan chính thức, thu hút rất đông du khách tham quan. Trong đó, địa đạo Củ Chi trở thành địa điểm du lịch mang tầm quốc tế. Tháng 3/2022, trang du lịch Thetravel.com đã xếp hạng danh sách các địa điểm du lịch ở Đông Nam Á mà du khách nên ghé thăm, trong đó địa đạo Củ Chi của Việt Nam nằm ở vị trí thứ 8. Trước đó, địa đạo Củ Chi được xếp hạng là một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới, một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Cửa hầm chữ A kiên cố còn được bảo tồn nguyên vẹn tại địa đạo Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị)Cửa hầm chữ A kiên cố còn được bảo tồn nguyên vẹn tại địa đạo Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị)

Tại các địa đạo, theo sự chỉ dẫn của các hướng dẫn viên, du khách sẽ được khám phá gần như nguyên vẹn các hoạt động của người dân xưa như mở nắp hầm bí mật, chui xuống các tầng địa đạo, khom mình khám phá không gian dưới lòng đất… Vừa trải nghiệm thực tế, vừa nghe thuyết minh, du khách như đang sống trong lịch sử, rất nhiều bạn trẻ đã không giấu được xúc động và tự hào về quá khứ oai hùng của thế hệ đi trước. Đặc biệt, các địa đạo thường được xây dựng ở các vùng quê bình dị, dân dã nên trở về với “địa chỉ đỏ”, du khách như được sống chậm. Tại địa đạo Vĩnh Mốc, phía trên là con đường rợp bóng tre xanh, dưới chân là cả một hệ thống địa đạo chằng chịt; xa xa là bãi biển Cửa Tùng quanh năm sóng vỗ rì rào. Hay tại địa đạo Củ Chi, quanh năm cây cối xanh tươi và những làn gió mát lành từ sông Sài Gòn. Đặc biệt, tại đây, ngoài không gian lịch sử, tại khu vui chơi du khách trải nghiệm nhiều trò chơi mô phỏng chiến tranh như đánh trận giả bằng súng sơn, trải nghiệm bắn súng thể thao hay có thể giải trí với các hoạt động như đạp xe, bơi lội, cắm trại, chèo thuyền kayak, đi ca-nô…

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.