Điểm đến du lịch, di tích quốc gia đặc biệt - Đền Gióng

Chia sẻ

(PNTĐ) - Cách trung tâm Thủ đô hơn 30km, khu di tích lịch sử đền Gióng nằm ở núi Vệ Linh (hay còn gọi là núi Sóc) ở thôn Phù Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội thu hút nhiều du khách thập phương về chiêm bái và tham quan.

Khu di tích lịch sử đền Gióng gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, giành lại yên bình cho bờ cõi đất nước ta. Trong văn hóa tín ngưỡng của người dân đất Việt, Thánh Gióng được xem là vị thần Tứ bất tử, đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường và dũng mãnh đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Thuở xưa, di tích lịch sử này ban đầu chỉ là một miếu nhỏ thờ Phù Đổng Thiên Vương và chùa Non nước được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Sách sử ghi lại, trong cuộc chiến đấu quân Tống, khi vua Lê Đại Hành cùng đội quân của mình trên đường chiến đấu có thân hành qua miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương, vua Đại Hành đã vào làm lễ cầu Thánh Gióng để trận chiến đấu chống quân Tống thắng lợi, đem lại bình yên cho nhân dân.

Trận chiến đó, quân Tống thua thảm hại, phải rút quân về nước. Vua Lê Đại Hành biết ơn, cảm kích thần linh, sai người tìm gốc cây trầm hương tạc thành tượng thờ, xây dựng miếu thành đền thờ Phù Đổng Thiên Vương rất uy nghi. Năm 1962, đền được xếp hạng di tích quốc gia.

Năm tháng trôi qua đến nay, quần thể di tích đền Sóc đã được xây dựng thành một hệ thống bao gồm: Đền Trình, đền Mẫu, chùa Non Nước, Chùa Đại Bi, đền Thượng, Hòn đá Trồng, Tượng đài Thánh Gióng và rất nhiều bia đá tạc lại lịch sử và truyền thống lễ hội đền Gióng. Gần khu di tích đền Gióng còn có Học viện Phật giáo Việt Nam.

Du khách đến với đền Gióng quanh năm, nơi đây có không khí trong lành mát mẻ, du khách đến như được “thanh lọc” tâm hồn. Điểm tham quan đầu tiên khi vào khu di tích đền Gióng là đền Hạ, còn gọi là đền Trình. Bước qua cổng khu di tích là đền Hạ nằm bên tay trái, phía bên ngoài đền có cây đa cổ thụ bên cạnh hồ nước xanh biếc, dưới gốc đa có thờ các linh vật bằng đá đang ngồi chầu về phía Đền. Đền Hạ thờ thần Nứa, theo truyền thuyết thì đây là vị thần cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời. Thần Nứa được nhân dân gọi là “Thánh Thần Vương”, danh xưng này được khắc trên mũ bức tượng đồng thờ Thần Nứa.

Điểm đến du lịch, di tích quốc gia đặc biệt - Đền Gióng - ảnh 1
Tượng đài Thánh Gióng ở đền Gióng, huyện Sóc Sơn (ảnh Hoàng Sơn)

Men theo con đường lát gạch men đỏ là chùa Đại Bi, còn lưu giữ kiến trúc độc đáo, cửa phủ sơn đỏ, mái vòm uốn cong rồi vút lên trời xanh rất đẹp mắt. Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu - thờ mẹ Thánh Gióng. Ngôi đền có diện tích nhỏ nhưng có kiến trúc chạm khắc rất tinh xảo. 

Đi tiếp là đến đền Thượng có con đường dẫn vào đền có nhiều tượng đá nhỏ tạc những hình hươu, nai, ngựa, những rặng thông già hàng trăm năm. Đây là 1 trong 4 công trình cuối cùng nằm dưới chân núi Vệ Linh, đền thờ Đức Thánh Gióng.

Ngay trước cửa đền Thượng có đôi ngựa gỗ, tượng trưng cho ngựa sắt khi Thánh Gióng đánh đuổi quân thù. Trong đền có nhà Đại Bái và Hậu cung, nhà Đại Bái được trang trí bằng nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía, đôi hạc...

Trong Hậu Cung có bức tượng thờ Thánh Gióng khá lớn, làm bằng gỗ trầm hương, tượng khoác áo bào đỏ, khuôn mặt phương phi. Bên cạnh tượng có 6 vị công thần đã phò tá giúp Gióng đánh đuổi giặc Ân. So với 2 ngôi đền là đền Trình và đền Mẫu, đền Thượng có diện tích rộng hơn, kiến trúc phức tạp hơn và mang đậm lối kiến trúc nhà Phật.

Nhà Bia được làm hoàn toàn bằng đá phiến, phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón. 

Tượng đài Thánh Gióng kích thước khổng lồ, chiều cao 11,07m, độ vươn ra 16m, nặng 85 tấn, từ dưới chân núi Vệ Linh tượng đài Thánh Gióng sừng sững và hiên ngang biểu tượng cho khí thế ngút trời của Gióng. Công trình xây dựng vào năm 2008, khánh thành năm 2010, là công trình tiêu biểu được lựa chọn để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bức tượng đúc bằng đồng nguyên chất, tạc lại hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời với dáng vẻ uy nghiêm. Du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô theo đường mòn từ chân núi lên đỉnh núi tượng đài Thánh Gióng.

Chùa Non Nước tọa lạc ở độ cao 110m so với chân núi, chùa có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự. Theo phong thủy, chùa Non Nước được xây dựng với thế “Long Chầu Hổ Phục”, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng, núi Đá Đen, núi Đồng Sóc…

Du khách đến với đền Gióng bây giờ không chỉ đến vào vào mùa lễ hội từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, mà quanh năm. Tại cụm di tích đền Gióng, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ, thường có nhiều hoạt động trải nghiệm sinh thái, khám phá quê hương Thánh Gióng, thăm quan di tích đền Gióng và các hoạt động tìm hiểu về văn hóa địa phương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.