Diệu kế của ông tôi

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ông ngoại tôi sống một mình nên bố tôi hay qua lại thăm nom, xem ông có cần gì để làm đỡ ông. Tôi thì chỉ được mỗi cái học giỏi, còn lại thì vụng thối vụng nát, đụng đâu hỏng đó nên ông chả nhờ được gì ở tôi.

Hôm đó, cái bồn rửa bát trong phòng bếp ở nhà ông bị tắc, phải rất lâu nước mới thoát được. Bố tôi hay tin, liền hăng hái đem đồ nghề sang nhà ông để… thông cống.

Bố tôi hì hụi làm cả chiều, cứ chọc chọc ngoáy ngoáy mãi. Bố là dân văn phòng, dáng vẻ thư sinh, không thạo lắm mấy việc này nhưng vì ông mà bố trở nên đảm đang hẳn ra. Một lát sau, dường như đã xong việc, bố “nghiệm thu công trình” thì ôi thôi lại bị mất nước. Thế là bố dặn ông đợi khi nào có nước thì kiểm tra xem đường ống thông chưa. “Theo con nghĩ là đường ống được rồi, ông cứ yên tâm dùng thoải mái. Con đã thông rất cẩn thận nên không thể tắc được nữa”- bố nói rồi đi về.

Diệu kế của ông tôi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi vẫn ở lại nhà ông nên chiều đó, khi có nước trở lại, tôi biết là tình trạng tắc của bồn rửa bát vẫn chưa cải thiện được mấy. Đúng lúc đó thì bố tôi gọi tới hỏi thăm tình hình. Ông ngoại tôi liền trả lời: “Bố cảm ơn con, nói chung là ống thông rồi, nước thoát nhanh, mạnh. Thôi thế là con giúp cho bố tháo gỡ được mối lo chứ mấy hôm rồi rửa cái gì ở bồn cũng khổ quá”.

Tôi nghe thấy tiếng bố cười phấn khởi trong điện thoại. Rồi bố còn dặn ông nhà còn cần gì ông cứ gọi, bố lại sang giúp ông tiếp. Ông ngoại tôi bảo: “ừ, bố chân thành cảm ơn con”.

Điện thoại tắt rồi, tôi rất ngạc nhiên hỏi ông có nhầm không. Rõ ràng là cái bồn nước vẫn bị tắc chứ đã thông như ông nói đâu. Ông tôi cười phá lên, bảo: “Ông  nói vậy để cho bố cháu vui. Không lẽ, bố vất vả cả chiều mà ông lại bảo là con chẳng làm được gì hay sao. Chỉ cần bố cháu có tấm lòng là ông đã ghi nhận và cảm kích lắm rồi”.

Ông tôi đúng là rất “cao tay” làm bố tôi tin sái cổ. Quả nhiên tối đó, trong bữa cơm, bố tôi tự hào khoe với mẹ và tôi là bố vừa thông giúp ông cái bồn rửa bát. Rồi bố còn trêu mẹ: “Ngày trước, em cứ bảo anh trói gà không chặt, thực ra là anh đảm đang ngầm. Cái gì cần đến anh thì anh mới làm, mà làm thì đâu ra đó. Em không tin thì cứ hỏi ông ngoại mà xem”.

Diệu kế của ông tôi - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi nghe bố nói mà suýt nghẹn cơm vì buồn cười, nhưng nhớ tới lời ông dặn không được nói ra để bố cháu buồn. Con rể như bố cháu biết quan tâm tới bố vợ là đáng quý lắm.

Bố tôi cũng không biết rằng, thực ra, sáng hôm sau, ông đã âm thầm nhờ tôi gọi giúp ông một thợ sửa ống cống tới. Một loáng sau thì ống đã được thông. Chỉ có bố tôi vẫn tin rằng, đó là thành quả lao động của bố. Cuối tuần sau đó, bố lại qua chơi với ông. Bố còn đứng ngắm nghía khá lâu cái bồn rửa bát, chắc là bố vẫn đang tận hưởng hạnh phúc về sự đảm đang của mình.

Quan sát ông ngoại, tôi thấy thực ra ông tôi có nhiều “tuyệt chiêu” để lấy lòng con rể, kéo con rể về phía mình. Nhà ông bị cháy cái bóng điện, ông tôi thừa sức thay nhưng vẫn gọi bố tôi qua. Khi bố qua rồi thì ông còn phục vụ bố mất công hơn là ông tự sửa. Nào thì ông tôi pha nước chanh, giữ bố ở lại ăn cơm với ông… Ông tôi cần mua thứ đồ đạc gì trong nhà, bao giờ ông cũng gọi điện cho bố để hỏi ý kiến. Tôi thì đoán chắc, ông tôi làm vậy để bố cảm thấy mình rất được tôn trọng. Thi thoảng, ông tôi lại gửi về cho bố cái áo sơ mi mới, hay là một két bia loại mà bố thích uống. Ông nhắn nhủ là để cảm ơn bố thường hỗ trợ, giúp đỡ ông việc lớn, việc bé trong nhà.

Thấy tình cảm bố vợ con rể quấn quýt vậy, mẹ tôi cũng mừng lắm. Còn vị thế của bố tôi trong nhà lên được mấy cấp độ. Thi thoảng, bố tôi lại bảo tôi làm con trai thì ngoài việc học tốt ra, cũng phải để ý rèn kỹ năng sống, năng hoạt động chân tay để sau này vừa biết chăm lo cho bản thân và còn hỗ trợ cho mọi người xung quanh (có lẽ là như bố).
Bí mật về người đã giúp ông thông ống cống ở bồn rửa bát đến nay cả tôi và ông vẫn giữ kín. Chả sao cả. Ông tôi đã bảo rồi, quan trọng là bố tôi có tấm lòng, biết quan tâm, chăm sóc ông.  

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.