Đôi que đan

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, bà gọi điện, nói tôi cuối tuần về nhà bà thì nhớ theo mang đôi que đan. Đó là que đan mà bà cho tôi mượn khi tôi nói với bà là tôi thích học đan áo len.

Nhưng kỳ thực, tôi chỉ tý toáy đan được dăm bữa là chán. Rồi tôi bỏ cả len và que đan vào chỗ nào đó trong phòng ngủ. Nếu không có cuộc điện thoại của bà, chắc tôi còn không nhớ có sự hiện diện của chúng trên đời.

Nhưng tôi lại ngại đi tìm lại que đan nên cuối tuần đó, tôi lấy cớ bận việc để không về bà, và cũng để bà không thể hỏi tôi về đôi que đan. Qua mấy ngày yên ổn, lần thứ 2 bà lại gọi nhắc tôi trả bà que đan vì bà có việc. Tôi khất lần rồi lại “bỏ bom” bà. 

Lần thứ ba thì bà tôi dỗi cháu. Bà nói tôi bằng mọi cách phải trả cho bà, nếu không thì bà yêu cầu bố mẹ tôi mua đền bà. Chuyện đến tai bố mẹ, ngay tối đó, bố mẹ bắt tôi đi tìm bằng được đôi que đan mới thôi. Mất gần 2 tiếng, tôi mới tìm thấy chúng nằm lăn lóc ở dưới gầm giường giữa lớp bụi mờ. Tất nhiên là tôi lôi chúng lên và ngay hôm sau phóng xe đến nhà bà để trả lại bà. Tôi nghĩ bà tôi lẩm cẩm. Có mỗi đôi que đan chả có giá trị gì mà bà cứ làm như quý giá lắm.

Đôi que đan - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi cũng đến sinh nhật của tôi 18 tuổi. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày đó là trời trở rét. Mẹ tôi kể, lúc đau đẻ tôi, bố đèo mẹ trên xe máy vào bệnh viện mà hai bên gió rít bên tai.

Mẹ tôi mua tặng tôi một quyển truyện tranh đúng thể loại mà tôi thích. Bố thì mua cho tôi một bộ vợt cầu lông. Riêng món quà của bà được gói trong một tờ giấy báo. Tôi hứng thú nhất với quà của bà vì bà tôi không có tiền, cũng chẳng có điều kiện ra khỏi nhà vì bà yếu rồi, đi đâu toàn phải nhờ con cháu đèo. Tôi mở tờ giấy báo ra, bên trong là một chiếc khăn len màu xám. Lập tức, tôi liên tưởng tới đôi que đan bà đòi tôi hôm nào và hiểu ra vấn đề. Bà muốn tự tay đan một chiếc khăn len để kịp tặng tôi vào sinh nhật. Trong những ngày giá lạnh này, chiếc khăn len của bà sẽ đem lại sự ấm áp cho tôi. 

Bà tôi có 4 cháu nội ngoại. Thời thơ ấu của chúng tôi đều gắn với những chiếc áo len của bà đan cho. Sau đó, bà ít đan dần vì mắt cũng kém và tay cũng yếu đi. Đến lần này, bà coi mốc tuổi 18 của tôi là một sự kiện quan trọng nên muốn tặng tôi thứ gì đó thật đặc biệt và ý nghĩa. Và bà chỉ có thể đan len. 

Vậy mà tôi đã nghĩ bà thật là phiền phức và lẩm cẩm rồi. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.