Đừng làm biến dạng tình yêu thơ ca

Ngọc Trần
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Cuối năm 2022, câu chuyện bà Tống Thu Ngân được vinh danh “Nhà thơ thế giới” cùng loạt danh hiệu lần đầu nghe thấy khiến dư luận xôn xao mãi không thôi. Người ta cười vì một thứ danh hiệu kỳ quặc, lại vừa cám cảnh nói người nhận danh hiệu háo danh. Nhưng, thực tế, dù có háo danh hay không thì “nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân cũng chỉ là một trong những nạn nhân của trò kinh doanh văn hóa rẻ tiền…

1.

Trong đêm “Gala chung kết Du lịch và Tài năng kỷ lục châu Á - Lễ hội doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt, Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam” diễn ra tại Quảng Ninh tháng 12/2022, cả thiên hạ ngỡ ngàng ngã ngửa vì không hiểu Ban tổ chức Lễ hội Doanh nhân - Thương hiệu vàng đất Việt - Lãnh đạo tiêu biểu Việt Nam lấy đâu ra loạt danh hiệu bom tấn: Đại sứ quyền năng Tâm Tài Đức Việt - Hàn 2022, Đại sứ trọn đời - chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao Liên minh các nhà thơ thế giới, Phó chủ tịch Liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới, Chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ thơ trên thế giới và Việt Nam… để trao cho bà Tống Thu Ngân.

Cảnh bà Tống Thu Ngân lên nhận danh hiệu lại theo hình thức trao vương miện như người ta thi hoa hậu lại càng nực cười. Giới văn học nghệ thuật cũng bày tỏ những bức xúc trước câu chuyện hy hữu bôi đen tình yêu trong sáng của thi ca, nghệ thuật. Nhà thơ Hồng Thanh Quang ẩn ý trên trang cá nhân: "Thực tế “chuyện thường ngày ở huyện” là những danh hiệu và giải thưởng tên tuổi rất oách lắm khi lại do những ban giám khảo và những hội đồng mà nói một cách nhẹ nhàng nhất là rất bình thường xét trao”.

Sau đó, bà Tống Thu Ngân đã lên tiếng khẳng định mình là người không “bon chen danh lợi và những thứ không thuộc về mình”, nhưng khó có thể dẹp yên dư luận bởi những danh hiệu mà bà được BTC “dụ dỗ” trao tặng kia y hệt một trò trẻ con. Nhưng, bà Tống Thu Ngân không phải nạn nhân hy hữu hay duy nhất. Rất nhiều câu chuyện lợi dụng giấc mơ sở hữu danh hiệu, giải thưởng được ghi nhận của những người làm thơ từ các tổ chức có mưu đồ kinh doanh thi ca, bất chấp mọi sự chướng tai, cười cợt để trục lợi đã và đang diễn ra. 

Đừng làm biến dạng tình yêu thơ ca  - ảnh 1
Hoàng thành Thăng Long - nơi sẽ diễn ra Ngày thơ Việt Nam xuân Quý Mão 2023 

2

Việt Nam là đất nước yêu thơ ca. Điều đó đã được khẳng định cả ngàn năm nay qua tiến trình lịch sử. Điều chắc chắn là không thể đếm đủ có bao nhiêu tập thơ ra đời mỗi năm, không đếm được có bao nhiêu người đang làm thơ, lấy thơ ca làm nguồn vui sống của mình hiện nay. Thơ làm ra, kẻ nghèo post facebook để bạn bè đọc, bình. Người có chút kinh tế thì in tập này quyển nọ, theo hình thức hợp tác với nhà xuất bản, trả tiền lấy sách, đem tặng khắp lượt từ thân tới sơ, không cần biết có khi ngày mai sách đã ở chỗ bà hàng xôi, hay trong túi đồ bà đồng nát. Ngay cả những người có chút tên tuổi, ra thơ thường niên, dân xuất bản cũng rỉ tai bảo nhau, chả bán được, lấy tên tuổi là chính, rồi làm việc khác kiếm tiền bù lại. Tình trạng thực tế của thơ là như vậy, người ta thích làm thơ nhưng không trọng thơ. 

Tôi có ông chú họ, làm thơ còn đều hơn uống rượu, cũng vật vã mãi mới chen được chân vào hội này hội kia, in mấy tập thơ, lúc nào cũng thủ sẵn trong người vài quyển, gặp ai nói chuyện có chút vừa ý là tặng. Tặng được ai tập thơ, đọc cho ai nghe được bài thơ của mình tâm đắc là ông vui lắm. Nhưng, niềm vui đơn sơ ấy chắc chắn chưa bao giờ là đủ. Với nhiều người khi cái mộng văn chương mỗi ngày một lớn, lại càng chưa đủ. Các cụ xưa có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Còn gì hơn việc tác phẩm mình rút ruột viết ra được tụng ca, đạt danh hiệu này, giải thưởng nọ. Khát vọng được giải, được công nhận, được ghi nhận, được vinh danh là khát vọng của bất kỳ ai làm công việc sáng tạo, cống hiến. 

Có cung thì có cầu. Mấy năm gần đây, các nhà "kinh doanh nghệ thuật" ầm ầm tổ chức các cuộc thi thơ, giải thưởng to, quảng bá rầm rộ khắp các mạng xã hội, còn lấy danh nghĩa tạp chí này, hội nhóm kia, kiểu Thiên hạ đệ nhất hoa, Ngâm thơ Nguyên tiêu... để tổ chức. Cuộc thi nào cũng khua chiêng gióng trống bằng những lời hoa mỹ, tưng bừng, hấp dẫn. Và thế là, người ta chứng kiến những người làm thơ đủ mọi lứa tuổi, thế hệ, ngành nghề… nườm nượp nộp bài, hồi hộp chờ kết quả. Đa phần sau đó đều hạnh phúc muốn vỡ tim khi nhận mail của Ban tổ chức (BTC) rằng bài X, Y, Z của anh chị đã lọt vào danh sách xét giải và sẽ được chọn đăng trong tập thơ. Nhưng, số đông cái mail này nó lạ lắm, đi kèm với thông báo là đề nghị anh chị đóng tiền để được vinh danh, và đóng tiền để được... mua tập thơ.

Khi “các anh chị” chưa… kịp chuyển tiền, thì có người tự xưng là người BTC lập tức gọi điện, hỏi các anh chị có mua thơ không, bao nhiêu tập (mỗi tập giá thường vài trăm nghìn đồng). “Anh chị” bảo không mua, hay muốn chắc cú kiểu: Hôm trao giải mình đến tham dự sẽ mua vài quyển, hoặc anh chị nào “cứng” hơn, thắc mắc: Ô thế tôi tưởng tôi có thơ đăng thì BTC phải tặng sách chứ? Thì lập tức thơ của anh chị sẽ bị rút ngay khỏi danh sách in ấn, giải thưởng.

Đừng làm biến dạng tình yêu thơ ca  - ảnh 2
Sự việc vinh danh “Nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân gây xôn xao dư luận 

Với những người làm thơ qua được vòng khảo thí này, thì sát ngày trao giải, sẽ có người alo hỏi anh chị có thể… tặng lại giải thưởng để BTC làm từ thiện không? Anh chị nào là nhà thơ đích thực, nghĩa là chỉ thích những thứ thanh cao như cúp ghi nhận, không màng đến mấy thứ vật chất tầm thường, điều này quá ý nghĩa rồi. Còn anh chị nào nghe xong ơ, a sao thế, BTC lại nhanh chóng nói lời tạm biệt. Không có thơ đăng cũng chẳng có giải thưởng gì nốt. 

Câu chuyện quen thuộc ở mấy giải thưởng thơ này khiến các cuộc tranh cãi, tố cáo liên tục ì xèo trên các mạng xã hội. Nhất là hồi giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Covid-19, khi mà người ta sống trong bốn bức tường, thú vui duy nhất là sáng tác thơ để giải khuây tâm hồn, các cuộc thi thơ mọc lên như nấm với chiêu trò trăm cuộc như một, lợi dụng sự ngây thơ, khát vọng được ghi nhận của người làm thơ để kiếm tiền. 

Những cuộc thi, những cách vinh danh kỳ quái gây sóng gió mạng xã hội năm qua là con sâu làm rầu nồi canh, làm biến dạng góc nhìn của dư luận về thơ, người làm thơ và tình yêu dành cho thơ. 

3.

Hội Nhà văn Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ 21 diễn ra vào đêm Rằm Nguyên tiêu xuân Quý Mão 2023 tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long với quy mô hoành tráng, nhiều điểm mới, nét mới. Ngày thơ Việt Nam xuân Quý Mão được kỳ vọng sẽ trở thành ngày hội của người làm thơ, vinh danh thơ và lan tỏa tình yêu thơ ca. Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, từ nay sẽ tổ chức ngày thơ ở nhiều địa điểm khác trên cả nước. “Chúng tôi không muốn thơ là một lâu đài, mà lan tỏa đi khắp nơi. Nơi nào tôn trọng vẻ đẹp của văn hóa và thơ ca thì nơi đó sẽ trở thành mảnh đất của thơ ca và văn hóa…”- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh. Không phải ngành nghề nào cũng có được một ngày đặc biệt như Ngày thơ Việt Nam. Ngày này khẳng định tình yêu thi ca của một đất nước yêu thi ca. Điều đó cũng góp phần khẳng định tâm hồn người Việt đầy lãng mạn, yêu đời và giàu xúc cảm trước cuộc sống. 

Cũng bởi vậy nên mong sao những cuộc thi thơ trục lợi trắng trợn, những lễ vinh danh và những cái danh kỳ quái, nực cười… không làm dư luận nhìn sai lệch, biến dạng về tình yêu đối với thi ca. Sự vinh danh thi ca qua Ngày thơ Việt Nam là điều vô cùng cần thiết để lan tỏa tình yêu thơ, đem đến sức sống mới, mãnh liệt hơn mỗi ngày cho thơ. Cùng với đó, các nhà thơ cũng cần bớt thơ ngây, cần tỉnh táo trước những kẻ kinh doanh nghệ thuật ít văn hóa để bảo vệ vẻ đẹp của tình yêu thơ ca.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.