Em ơi đừng ảo nữa...

Chia sẻ

Chỉ cần không vừa ý, không được đáp ứng điều gì, Vy sẵn sàng mắng nhiếc chồng bằng những từ ngữ thậm tệ nhất. Từ dạo dịch bệnh triền miên, phức tạp, tình cảm của cả hai càng xấu hơn nữa khi Vy sa vào thú chơi tiền ảo, bất chấp mọi thứ.

Cũng từ dạo ấy, Tùng – chồng Vy bắt đầu ân hận về lựa chọn hôn nhân của mình. Anh trách mình, giá như ngày ấy chọn một người “xứng đôi vừa lứa”, hoàn cảnh bậc trung, cố gắng đi lên, chắt chiu làm lụng, thì có lẽ giờ đây hạnh phúc của anh sẽ được đong đầy, ấm áp. Cuộc sống lại mang Vy đến cho anh – một nàng tiểu thư con nhà có điều kiện, thích vung tiền bao nhiêu thì vung, không biết đến tiết kiệm là gì. Để rồi bây giờ, anh có ân hận, thậm chí có đòi ly hôn cũng khó, bởi với một người chẳng biết đến thiếu thốn bao giờ, sao có thể cảm nhận hết được nỗi khổ của anh?

Tùng năm nay 40 tuổi, làm cơ quan nhà nước, thu nhập khá, nhưng bù lại hay phải đi công tác xa nhà. Vy kém chồng 4 tuổi, con nhà có điều kiện, học thức đầy đủ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước khi lấy nhau, Vy làm ở cơ quan nhà nước, nhưng sau xin nghỉ ra kinh doanh riêng, tiền vốn lấy từ bố mẹ. Không qua đào tạo, học hành bài bản nên chỉ một thời gian ngắn sau, cô ấy đã chán. Vài lần kinh doanh kém như thế, không quản lý được nên cứ mở cái gì rồi lại đóng cái đó. Bố mẹ cô phải trả nợ thay cho con gái rất nhiều, tới mức chán nản, tỏ ý không muốn cho tiền nữa. Nhưng Vy nào có xót, vì thực tế cô chẳng phải mất đồng nào. Bố mẹ mà không cho, cô lại về đòi chồng. Có năm, Vy mở nhà hàng lỗ đến 3 tỷ, về nhà chỉ nói vỏn vẹn đúng 1 câu “cho em vay tiền” với chồng. Tùng chết lặng, 3 tỷ đâu phải là lá mít mà cô nói nhẹ bẫng thế? Thời điểm ấy, Tùng mới chỉ làm nhân viên, lương không khá, không tích lũy được là bao nên chẳng giúp được. Từ đó cứ mỗi lần cãi nhau, Vy lại lôi chuyện chồng ki bo, không đồng cam cộng khổ với cô lúc khó khăn. Nên cho đến bây giờ, khi đã thăng quan tiến chức, thu nhập khá hơn nhiều, Tùng vẫn cứ mãi ám ảnh với lời sỉ nhục của vợ. Nó như một vết rạn trong tình cảm vợ chồng, mà chỉ cần có một ngoại lực nhỏ, cũng đủ làm tan vỡ.

Sau khi mở nhà hàng lỗ, bố mẹ Vy bắt cô phải ở nhà, không được kinh doanh gì thêm nữa, nếu muốn thì phải học hành, tìm hiểu cho tử tế. Vy nghe theo nhưng thực tế, cô đi chơi suốt ngày, để con cái nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Thế nên, không có gì khó hiểu khi hàng tháng, chồng đưa cô 25-30 triệu để lo cho con cái và gia đình mà Vy luôn kêu thiếu. Tùng không muốn kì kèo, hỏi nhiều, sợ mang tiếng chi li, nên anh lại thôi, chỉ nhắc nhở vợ chi tiêu tiết kiệm, vì kinh tế ngày càng khó. Vy cứ như quả bóng nước, chỉ cần chọc nhẹ là vỡ bung, nên khi chồng chê tiêu hoang là bắt đầu sồn sồn lên, kể không ngớt khoản này khoản kia phải chi, “2 đứa con, anh nghĩ tí tiền ấy mà lo đủ à?” – thế còn tiền nhà cho thuê, 50 triệu 1 tháng em cũng cầm, nó đâu? – Tùng có hôm cay cú, bật lại. Em cất để đầu tư, Vy ngúng nguẩy bỏ đi, tảng lờ số tiền lớn ấy.

Thực lòng, Tùng không hề có tính chi li, soi xét chuyện tiêu tiền của vợ. Anh vốn nghĩ, hoàn cảnh gia đình mình kém hơn nhà vợ, nên muốn được bù đắp để vợ không thấy thiệt thòi. Thành quả anh có được hôm nay, ít nhiều cũng là nhờ có vợ đồng hành. Bởi thế, khi sự nghiệp bắt đầu thăng tiến, anh không ngần ngại chuyển cả nhà đến một chung cư cao cấp ở. Nhưng Tùng không ngờ, dễ dãi quá thành ra Vy càng lấn át. Càng ngày, cô càng tiêu hoang phí, xem nhẹ sức lao động của chồng.

Dịch bệnh xảy đến, suốt gần 2 năm nay công việc của Tùng bị ảnh hưởng, vì anh phải tạm dừng rất nhiều chuyến công tác. Các hợp đồng cứ chất cao lên rồi… để đấy, chưa biết tới bao giờ mới được quyết toán. Tùng rất lo. Ai không biết lại cười, vì sao làm sếp rồi mà còn lo thế, dịch bệnh có đáng ngại bao nhiêu thì với địa vị bây giờ, Tùng thừa sức lo cho cả nhà ăn no mặc ấm mà…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh lo là bởi khi dịch bệnh làm mọi thứ ảo não, chơi mãi cũng chán, giờ vợ ở nhà lại đòi chơi… tiền ảo. Một ngày đẹp trời, cô về nhà và thao thao bất tuyệt với chồng, kênh làm ăn này uy tín lắm, “mà em chỉ chơi một ít thôi, nếu yên tâm em mới chơi nhiều. Em tìm hiểu kỹ lắm rồi, anh cho em tiền chơi nhé…”. Ban đầu, cứ trăm triệu mỗi lần không cánh mà bay khỏi ví Tùng, nhưng vài lần như thế mà không thấy vợ nói gì, hay khoe gì, Tùng đâm hoảng. Y như rằng, lần thứ 4 thì cô xin tiền để… bù lỗ. Thậm chí, ngoài tiền bù lỗ, Vy còn bắt chồng đưa thêm tiền sinh hoạt gia đình. Mọi chuyện khủng hoảng từ đây…

Vy gào lên đòi ly hôn bằng được, nửa đêm với tiếng thét của cô, tường cách âm của chung cư cao cấp cũng không chống chọi được. Rồi cô lôi chuyện ngày làm ăn không thuận lợi mà chồng không giúp đỡ ra chì chiết. Tùng chán lắm rồi, đã đang trong giai đoạn phải thắt lưng buộc bụng mà vợ chỉ biết ném tiền qua cửa sổ, anh lôi hết bao nhiêu ấm ức lâu nay ra tố cáo vợ: “Bố mẹ tôi chẳng bao giờ được em chủ động hỏi thăm, em còn bảo không hợp với bố mẹ chồng nên không giao du. Tôi là cháu đích tôn, Tết nhất về quê mà vợ toàn tìm cách trốn, lúc thì lý do con bé quá, lúc lại con ốm, khi thì vợ chồng cãi nhau. Những điều này, em đã làm được cho nhà tôi, cho chồng con em chưa. Mà sao cứ hơi tí em lại đòi đủ thứ, rồi đòi ly hôn vậy?”.

Nguyên một tuần sau đó, cả hai chả thèm đoái hoài đến nhau, con cái cũng phó thác cho ông bà nội ngoại. Tuy không nhắc đến chuyện ly hôn và vay tiền, nhưng Tùng cũng rất lo vì sợ Vy bất chấp vay nóng nơi khác để chơi cho thỏa cái món “tiền ảo”. Nhưng điều Tùng không ngờ là, Vy dùng cách khác để “ép” chồng. Cô nhắn tin cho gần như tất cả nhân viên nữ dưới quyền của chồng, “nhắc nhở” họ tránh xa chồng, nếu không sẽ chẳng ai được yên thân với cô hết. Biết chuyện, Tùng phải xin lỗi nhân viên và như đuối sức, anh không muốn sống với người vợ cực đoan như thế nữa. Nhưng khi tờ đơn ly hôn đã đặt trên bàn chỉ chờ ký, nhìn thấy hai đứa con, nhìn thấy sự nghiệp và tổ ấm cả đời mình đã đeo đuổi, vun đắp, anh lại chùn chân…

Trách là trách vậy, nhưng “lôi” vợ ra khỏi u mê kia mới là chuyện quan trọng. Tùng thừa biết, khi không vay được của chồng, Vy sẽ lại về vòi vĩnh bố mẹ. Khi ấy, chuyện chỉ có căng thẳng hơn mà thôi. Ngẫm lại, bao lâu nay, chỉ vì muốn xóa tan cái mặc cảm hoàn cảnh kém hơn vợ mà Tùng nhường nhịn, im lặng lâu quá. Không những không từ chối bất kỳ yêu cầu gì của vợ, mà nhà vợ quyết gì, anh cũng không nói thêm. Nhưng hôm nay, anh buộc phải có lời. Nhân lúc Vy lại bỏ con để đi chơi đâu đó, anh sang và nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ vợ. Chỉ còn cách phải đồng tâm hiệp lực để cứu cô ra khỏi cái thứ ảo mộng đó thôi. Sẽ không ai được cho Vy tiền nữa, anh tuyên bố. Anh cũng sẽ kiểm soát vợ để cô không vay mượn bạn bè, người thân – khi không tìm được cứu cánh từ gia đình. Và hơn cả, Tùng dặn mình phải thoát khỏi cái bóng người đàn ông nhu nhược, có tiếng nói và thật sự là chỗ dựa cho vợ con – để cô ấy tin tưởng và biết vun vén cho những gì thực tại, để không còn ảo nữa!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.