Gia đình, nhà trường đã sẵn sàng

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Con chuẩn bị bước vào năm học mới cũng chính là khoảng thời gian các bậc phụ huynh với nhiều tâm tư. Song hành với niềm phấn khởi đến trường của con, không ít phụ huynh trăn trở, lo lắng làm sao cân đối ngân sách gia đình để mua sắm, chi tiêu các khoản đầu năm học, rèn luyện con vào nề nếp sau 2 năm dịch bệnh phải học online…

Gia đình Nhiều nỗi lo… 

Vừa trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, cùng với giá cả leo thang, nhiều gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là các gia đình công nhân, nông dân, người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, khi bước vào năm học mới, nhiều gia đình đang phải gồng mình để có đủ tiền lo cho con đến lớp với nhiều khoản chi tiêu, đóng góp. Chị Mai Loan, tạm trú tại Đông Anh, Hà Nội cho biết, hai vợ chồng chị đều là công nhân, năm nay, con gái lớn của chị học lớp 5 còn con trai út lên lớp 2.

Để chuẩn bị năm học mới, chị mua cho mỗi bé 1-2 bộ quần áo mới, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế vất vả, nên chị tận dụng một số đồ cũ để tiết kiệm chi phí, như đồng phục cũ mà con mặc hơi chật có thể nới ra một chút… “Tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết và lo tiền đóng các khoản đầu năm. Vợ chồng tôi có tiết kiệm một chút nên cũng đỡ” - chị nói. 

Gia đình chị Trần Liên (tạm trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chất chứa tâm tư ngổn ngang khi con gái lớn chuẩn bị vào đại học, còn con nhỏ lên lớp 6. Chồng chị chỉ là lái xe công nghệ, thu nhập bấp bênh, chị hiện đang nghỉ việc, chưa có thu nhập. Vì vậy, trước những khoản đóng góp đầu năm học mới, vợ chồng chị khá lo lắng. Chị dự tính tiền chi tiêu đầu năm học cho con gái lớn khi nhập trường đã “ngốn” mất gần chục triệu đồng, còn con thứ hai năm nay bước vào trung học cơ sở nên cũng rất tốn kém.

Gia đình, nhà trường đã sẵn sàng  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhằm tiết kiệm chi phí đầu năm học, nhiều gia đình đã tính đến việc cho con sử dụng lại đồ dùng học tập, đồng phục… của năm học trước. Đây cũng là giải pháp tiết giảm chi phí của các phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài tiền sách vở, quần áo, dụng cụ học tập… phụ huynh còn phải đóng thêm các khoản phí như cơ sở vật chất, vệ sinh, bán trú, nước uống, bảo hiểm, học thêm… Chưa kể, khi họp Hội cha mẹ học sinh còn có thêm nhiều “khoản phụ” khác như tiền điều hòa, tivi, quỹ lớp…

Chị Lương, trú tại quận Bắc Từ Liêm cho biết, hai con trai sinh đôi của chị đang học trường mầm non tư thục ngay dưới sảnh chung cư. Mỗi tháng, học phí của con ngốn hết 5 triệu đồng/tháng/bé, bằng nguyên tháng lương của chị. “Năm nay, nhà trường tăng học phí, tăng tiền ăn trưa và các phụ thu khác, khiến cho tổng tiền phải đóng mỗi tháng là 6 triệu đồng/bé/tháng. Chưa kể, đầu năm học, tôi phải đóng cho con thêm 4 triệu đồng/bé tiền xây dựng trường, dã ngoại, đồng phục, tài liệu học tập… Tôi định chuyển trường cho con nhưng lại không có ai đưa đón” - chị Lương thở dài. 

Các con tựu trường, tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, phụ huynh đều cố gắng chăm lo chu đáo. Chỉ mong sao tình yêu thương, sự vất vả, hy sinh của mẹ cha sẽ là động lực để các con phấn đấu học tốt, đạt nhiều thành tích cao trong năm học mới. 

Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tựu trường năm học 2022-2023 sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Năm nay, các trường sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2022. 

Theo bà Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường THCS Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), sau 3 tháng nghỉ hè, các em đã quen với nếp sinh hoạt tại gia đình nên cũng sẽ có trở ngại khi quay lại trường. Với các trẻ lớp 5 bước vào trung học cơ sở sẽ có tâm lý lo sợ bởi môi trường mới, thầy cô và bạn bè mới. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của sau thời kỳ Covid-19 vẫn còn làm tác động đến tâm lý học sinh; nhiều gia đình mải làm ăn, quên việc rèn giũa các con trong thời gian nghỉ hè nên đại đa số học sinh quên mất nếp học tập. Sau 3 tháng nghỉ hè, tâm lý học sinh lớp 8, lớp 9 cũng thay đổi do các em sẽ thấy mình lớn lên nhiều, sẽ e dè hoặc bạo dạn hơn trong các mối quan hệ thầy trò và bạn bè. 

Gia đình, nhà trường đã sẵn sàng  - ảnh 2
Trường THCS Đông Sơn, Chương Mỹ tổ chức các chương trình chào đón học sinh lớp 6 đến trường năm học 2022-3023

Do đó, để chào đón học sinh, nhà trường đã tổ chức họp hội đồng, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, sửa sang cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị bổ sung, tập huấn chuyên môn, trồng hoa làm đẹp cảnh quan, xây dựng kế hoạch chương trình đón học sinh trở lại trường với nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi lý thú, tạo tinh thần thoải mái, giao tiếp thân thiện cho học sinh khi quay trở lại trường.

Đồng thời, phụ huynh học sinh cần phải quan tâm và phối kết hợp với nhà trường trong mọi công tác như: Nhắc con tự xem lịch đến trường, yêu cầu con soạn lại sách vở năm cũ và chuẩn bị các yêu cầu đồ dùng học tập trong năm học mới; nhắc con sắp xếp và trang trí lại góc học tập, dẫn con đi mua sách vở, bút mực, yêu cầu con bọc sách vở và xếp gọn lên giá sách, khuyến khích con đọc sách giáo khoa trước để tạo tâm thế học tập. Đến ngày tập trung thì chuẩn bị đồng phục. Nếu đồng phục ngắn quá, rách quá, cha mẹ cũng nên sắm cho con bộ mới và nên yêu cầu con tự giặt sạch, phơi khô, là lượt để chuẩn bị cho ngày đi học vui vẻ… 

“Chúng tôi bám sát chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ từng thành viên trong nhà trường, thiết kế tổ chức một lễ khai giảng, long trọng và ý nghĩa để mỗi thầy cô và các em học sinh cảm nhận được niềm vinh dự và tự hào khi công tác và học tập tại trường. Trong nội dung khai giảng sẽ có phần lễ và phần hội. Sau khi khai giảng xong thì học sinh sẽ được học tiết học đầu tiên là Truyền thống nhà trường và Nội quy nhà trường” - bà Liên cho biết.

Bên cạnh đó, trường cũng tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường, có lồng ghép cả trong chương trình dạy học sinh chính khóa, đặc biệt giao mỗi giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý học sinh để kịp thời trao đổi, tâm sự chia sẻ với các em, thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh trong các hoạt động, chú ý biểu hiện tâm sinh lý để điều chỉnh sinh hoạt cho các em…

Theo bà Liên, ảnh hưởng của Covid-19 và nhiều nguy cơ dịch bệnh mới nên nhà trường rất quan tâm đến vấn đề giữ vệ sinh cá nhân cho học sinh. Trước thời tiết thất thường khi chuyển mùa, thêm vào đó là môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém, hệ miễn dịch của các em còn yếu rất dễ bị các bệnh sởi, tiêu chảy, cúm mùa… “Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng chúng ta không được chủ quan, vì hiện nay, có rất nhiều hiện tượng virus biến thể đã xảy ra.

Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia tích cực phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên trao đổi với phụ huynh về việc cân đối chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con. Khi con có cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm cũng khó có thể tấn công. Nhà trường có hệ thống rửa tay và khuyến khích trẻ rửa tay đúng cách, thường xuyên, nhất là khi tiếp xúc với nguồn lây như đồ chơi chung, đất cát…

Nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh liên tục nhắc nhở, tạo cho con có thói quen tự bảo vệ sức khỏe qua việc giữ gìn vệ sinh cá nhân trước, trong và sau khi ăn uống, vui chơi; khuyến khích trẻ tự giác tắm rửa, ưu tiên các sản phẩm sữa tắm sạch khuẩn trong thời điểm này để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Trang bị các sản phẩm diệt khuẩn như gel hay dung dịch diệt khuẩn size nhỏ từ 50-100ml trong balo, túi đồ cá nhân của học sinh để các em chủ động vệ sinh sạch khuẩn mọi lúc, mọi nơi. Khi học sinh có biểu hiện bất thường như sốt, chảy nước mũi, có dấu hiệu bệnh lý về truyền nhiễm thì không nên cho đi học mà cần đi khám, nghỉ ngơi tại nhà” - bà Liên cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.