Giá tôi để ý đến con sớm hơn
Mấy lần thấy con gái nằm khóc một mình trong phòng, tôi hỏi thì con nói không có gì đặc biệt, con hơi buồn bạn bè một chút thôi. Tôi đã tin là con “không có chuyện gì đặc biệt” thật. Và công việc, những nỗi lo toan cuộc sống lại cuốn tôi đi.
Con tôi từ nhỏ đã là đứa trẻ khảnh ăn, thích sống nội tâm. Cho tới tuổi dậy thì nhìn cháu mới có da, có thịt một chút. Dạo gần đây, vào bữa cơm, con chỉ ăn một chút, có bữa nói bận học nên ăn sau. Tôi vẫn nghĩ, con “bẩm sinh” lười ăn, nên chỉ nhắc con cố gắng chăm sóc sức khỏe của mình.
Như nhiều bạn bè cùng lứa, con tôi cũng thường hay dậy muộn và thức khuya, mê điện thoại và mạng xã hội. Nhiều lần thấy con quá nửa đêm vẫn chưa tắt đèn đi ngủ, tôi lại chậc lưỡi vì thói quen sinh hoạt chưa khoa học của đám trẻ ngày nay.
Nhà tôi không rộng nhưng cũng đủ phòng riêng cho các thành viên. Ngoài giờ ăn cơm, mỗi người lại về phòng tự giải quyết công việc cá nhân của mình. Tôi ít khi can thiệp vào không gian riêng tư của con, trừ khi có việc cần, như một cách thể hiện sự tôn trọng con.
Vợ chồng tôi không khá giả, nhưng vẫn lo được cho con một cuộc sống tương đối, có cơm ngon, áo mặc, một mái nhà đủ bố mẹ. Con không phải sớm mưu sinh mà có thể an tâm tập trung cho việc học. Theo cách nhìn của tôi, vậy là chúng tôi đã và đang làm tốt vai trò của bậc sinh thành.
Cho tới một ngày, con tôi kêu mệt nên tôi đưa con vào viện. Bác sĩ đo huyết áp cho con mà không được vì mạch con yếu. Kết quả thăm khám cho thấy con bị thiếu máu, cơ thể suy nhược. Lúc ấy, con tôi mới thú nhận là thường xuyên nhịn ăn sáng, hai bữa chiều và tối cũng chỉ ăn uống qua loa hoặc bỏ ăn. “Đã lâu rồi, cháu không còn cảm giác muốn ăn và ăn ngon miệng nữa. Cháu hay buồn vô cớ và thường khóc một mình. Cháu cũng không muốn tiếp xúc với ai, chỉ có nhu cầu được ở trong phòng với chiếc điện thoại…”, cháu kể với bác sĩ.
Ảnh minh họa
“Con gái chị có dấu hiệu bị mắc bệnh trầm cảm. Chị nên quan tâm theo dõi và tìm cách hỗ trợ cháu”, vị bác sĩ nói nhỏ với tôi khi chúng tôi rời bệnh viện.
Tối đó, tôi kể lại tình trạng của con với chồng. Thế nhưng, anh lại đùng đùng tức giận, cho rằng, con gái tôi không có lý do gì để buồn bã, khóc lóc cả. “So với nhiều đứa trẻ khác, con mình sướng hơn rất nhiều. Nó chỉ việc ở nhà hưởng thụ sự chăm sóc của bố mẹ và tập trung học cho tốt mà còn không làm được”. Rồi anh kết luận con gái chỉ biết đòi hỏi, không thương bố mẹ đã phải vất vả kiếm tiền nuôi nấng như thế nào. Anh nói tôi phải thật nghiêm khắc, không thể chạy theo mấy trò nũng nịu ấy của con. “Anh mới là người cần được điều trị tâm lý đây. Anh cũng đang căng thẳng, vậy mà mấy mẹ con không biết bảo ban nhau sống cho yên ổn”. Vì chuyện này mà hai bố con xảy ra xung đột, không tìm được tiếng nói chung.
Trưa hôm ấy, tôi không thấy con ra ăn cơm, gọi thì con không thưa nên vào phòng tìm. Tôi tưởng con dỗi bố mẹ nên tỏ thái độ vậy. Nào ngờ, con tôi đã mê mệt trên giường từ lúc nào. Bên cạnh là một lọ thuốc đã hết. Tôi hốt hoảng vội đưa con vào bệnh viện, rất may là còn cứu được kịp thời.
Cho tới khi con suýt mất mạng, chúng tôi mới tỉnh ngộ. Tôi tìm hiểu về bệnh trầm cảm và thấy rằng đây là một trạng thái cảm xúc thể hiện sự thất vọng, buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Đối với bản thân người đang trải qua trạng thái trầm cảm có thể cảm thấy tự ti, vô vọng, giảm sự tự tin ở chính bản thân mình. Trạng thái này đã tồn tại ở con gái tôi trong thời gian dài, bộc lộ qua nhiều biểu hiện không bình thường nhưng tôi lại vô tình bỏ qua. Chúng tôi luôn nghĩ, ở tuổi còn đi học của con thì có gì mà đáng phải suy nghĩ, buồn bã? Nhưng thực ra, tuổi nào cũng đều có áp lực, khó khăn riêng. Thậm chí, với một đứa trẻ đang tuổi lớn, sự hiểu biết, kỹ năng sống chưa nhiều càng dễ bị rối loạn cảm xúc hơn so với người lớn. Cứ như vậy, trầm cảm kéo dài đã khiến con ngày một sa sút, suy nhược..
Chồng tôi cũng ân hận vì sự nóng vội của mình. Thay vì quan tâm đến con đúng mức, chúng tôi lại áp đặt con nhiều thói xấu như ích kỷ, ủy mị, hay nhõng nhẽo. Vì thế, chúng tôi càng đẩy con đi xa mình hơn.
May mà tôi còn giữ được con nếu không chắc cả cuộc đời này chúng tôi sẽ không thể tha thứ cho mình. Chồng tôi nói, sau khi con ra viện, hai vợ chồng sẽ sắp xếp công việc để dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện với con hơn. Chúng tôi đã hiểu rằng, việc lo cho con một bữa ăn đầy đủ không thể thay thế cho những lời nói, cử chỉ yêu thương chúng tôi dành cho con.
Lúc này, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là con gái sớm bình phục và được vui sống trở lại.
TRẦN NGỌC HƯƠNG