Giấy tờ nhân thân thay đổi như thế nào nếu chuyển giới?

Chia sẻ

Tôi sinh ra với hình hài là nam và được bố mẹ khai trong giấy khai sinh là giới tính nam. Khi đến tuổi dậy thì, tôi nhận thấy mình không giống như các bạn nam khác.

Câu hỏi
Tôi sinh ra với hình hài là nam và được bố mẹ khai trong giấy khai sinh là giới tính nam. Khi đến tuổi dậy thì, tôi nhận thấy mình không giống như các bạn nam khác. Sau khi đi khám, tôi mới biết mình vốn là nữ giới nhưng cơ thể phát triển dưới hình hài một người đàn ông. Xin hỏi, nếu tôi làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì giấy tờ nhân thân của tôi có được thay đổi không? Thủ tục như thế nào? Quyền nhân thân – hậu quả pháp lý của việc sau khi thay đổi giới tính? Và như thế nào là vi phạm quyền về hình ảnh cá nhân?

H.H (Hoàn Kiếm)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
(I)Để bảo đảm cho người chuyển đổi giới tính được sống thật với giới tính mà họ mong muốn, để hoàn thiện hơn về mặt pháp lý đối với những người muốn được chuyển đổi giới tính, hiện nay Quốc Hội đang xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Cho đến thời điểm hiện tại thì Luật này chưa được thông qua, tuy nhiên trước đó Bộ luật Dân sự đã có những quy định điều chỉnh một số vấn đề đến quyền xác định lại giới tính:

Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Quyền xác định lại giới tính

“1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Cho dù đơn thuần người muốn chuyển đổi giới tính hay những người có giới tính sinh học hoàn thiện, tự thấy mình có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có và mong muốn được chuyển giới và được pháp luật công nhận là người chuyển đổi giới tính. Cho dù pháp luật chưa quy định thật chi tiết đối với việc chuyển đối giới tính, song vẫn có những quy định về quyền của người chuyển giới:
“Điều 37. Chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Về vấn đề bạn hỏi hậu quả pháp lý của việc thay đổi giới tính: Như Điều 36, 37 Luật Dân sự nêu trên khi chuyển đổi giới tính, thì quyền nhân thân của bạn cũng sẽ được thay đổi theo những pháp luật liên quan. Ngoài những quyền nhân thân mà bạn thay đổi dưới sự điều chỉnh của Luật Hộ tịch, như thay đổi tên, xác định lại giới tính… thì độ tuổi đăng ký kết hôn của nam hay nữ cũng sẽ thay đổi (nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi). Trong quan hệ hôn nhân gia đình thì nghĩa vụ dân sự sẽ không thay đổi.

Về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, theo Điều 28 Luật Hộ tịch để điều chỉnh một số sai sót thông thường hoặc thay đổi họ tên, xác định lại dân tộc. Tuy nhiên việc đăng ký lại hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính là một vấn đề hoàn toàn mới, cần phải có hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn nữa để thuận lợi cho cơ quan chức năng cũng như người có nhu cầu thay đổi giới tính. Sau khi dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua và có hiệu lực, lúc đó Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục thay đổi giới tính trong các giấy tờ hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính. Việc thay đổi giấy tờ pháp lý có liên quan cũng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

(II) Về vi phạm quyền về hình ảnh: Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Viêc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục địch thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Trên thực tế, nếu bạn đưa hình ảnh của một cá nhân nào đó lên trang facebook của mình mà không được người đó đồng ý hay cho phép thì bạn đã vi phạm quyền về hình ảnh cá nhân của người đó; nếu bạn lấy hình ảnh khách hàng quảng cáo để bán hàng mà không được người đó đồng ý, thì bạn cũng vi phạm bản quyền về hình ảnh của người đó; nhưng khi bạn đưa một tin tức về một buổi biểu diễn văn nghệ tại nơi công cộng, thì theo điểm b, khoản 2, Điều 32 bạn không bị vi phạm quyền về hình ảnh của những người có mặt trong buổi biểu diễn đó.

Luật sư Trần Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.