Hà Nội thu hút du khách với nhiều sản phẩm du lịch mới

Bài và ảnh: Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vượt qua nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19, nhiều công ty du lịch, khu, điểm đến du lịch ở Thủ đô đã có sự chủ động trong việc nghiên cứu, đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tăng cường kết nối, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách gần xa đến khám phá, trải nghiệm.

Sôi động thị trường du lịch tâm linh, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, mất khoảng 45 phút di chuyển, huyện Sóc Sơn với địa hình đồi núi, hồ, rừng phong phú, không khí trong lành được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các tuyến du lịch kết nối giữa khu trung tâm ra ngoại thành.

Ngoài ra, với việc tập trung quần thể di tích lịch sử đa dạng, đời sống văn hóa, tín ngưỡng phong phú, trong đó nổi bật là Hội Gióng ở đền Sóc đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010 và di tích đền Sóc được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014…, đã mang đến nhiều lợi thế cho Sóc Sơn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch, như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm cắm trại…

Nhằm khai thác lợi thế này vào dịp đầu xuân 2023, Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc (huyện Sóc Sơn) phối hợp với các Công ty du lịch WonderTour và Sunvina Travel đã xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Sóc, Đàm Thận Thắng, hằng năm, quần thể di tích đền Sóc thu hút hàng vạn người dân và du khách. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, sự kết nối tour, tuyến chưa nhiều, nên lượng khách đến không đồng đều, chủ yếu đông vào đầu năm. “Việc kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh với du lịch chăm sóc sức khỏe mang đến nhiều lợi ích cho du khách, đồng thời giúp địa phương có thể khai thác tốt giá trị điểm đến”, ông Đàm Thận Thắng chia sẻ.

Hà Nội thu hút du khách với nhiều sản phẩm du lịch mới - ảnh 1
khách quốc tế vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

   Tour văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Sóc Sơn trước mắt diễn ra trong ngày, gồm các hoạt động trải nghiệm, chiêm bái, cầu an, tham quan tại Khu di tích đền Sóc, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, du khách được khám phá, trải nghiệm hoạt động cắm trại, nghỉ ngơi tại Đồng Quan camping.

Cuối hành trình, du khách được tư vấn và trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, dưỡng sinh Đông y tại Sóc Sơn với các dịch vụ: Cân đo kiểm tra sức khỏe, ngâm xông massage trị liệu, chăm sóc các vấn đề bệnh cơ, xương, khớp. Ngoài ra, du khách còn được tư vấn để có thể tự chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho mình và người thân.

Nói về tour du lịch mới, Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho biết, các đơn vị liên kết đang lên chương trình trải nghiệm cho du khách với chi phí trọn gói trong ngày khoảng 1 triệu đồng/người. Hiện sản phẩm này đang thử nghiệm với khách nội địa, hướng tới sẽ thu hút khách quốc tế. “Với lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài, huyện Sóc Sơn được xem như “cửa ngõ” du lịch của Hà Nội, có thể làm nơi quá cảnh cho du khách dừng chân, trước khi đáp các chuyến bay đến và đi. Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm này sẽ tạo thêm sức hút mới cho khách quốc tế khi đặt chân tới Hà Nội”, ông Tạ Hữu Chiến nói.

Đánh giá tiềm năng khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour Lê Công Năng cho rằng, trên thế giới, tour chăm sóc sức khỏe đã có từ lâu và đem lại nguồn thu lớn. Trong khi đó, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng loại hình này còn khá mới, khai thác còn manh mún. “Nếu khai thác tốt, dòng sản phẩm sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch, thu hút được du khách lưu trú lâu dài và chi tiêu nhiều hơn. Sự kết hợp giữa du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe tại huyện Sóc Sơn sẽ là mô hình để các địa phương, đơn vị du lịch cùng bắt tay khai thác, mở rộng”, ông Lê Công Năng bày tỏ.

Để vận hành sản phẩm mới này một cách chuyên nghiệp, bài bản, các đơn vị tổ chức đã kết hợp với nhiều lương y, bác sĩ, thầy thuốc giỏi và phối hợp với những trường có chuyên ngành Đông y đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, kết hợp với các công ty lữ hành quảng bá, bán sản phẩm. 

Hà Nội thu hút du khách với nhiều sản phẩm du lịch mới - ảnh 2
Trẻ nhỏ vui chơi bên chim bồ câu ở đền Sóc

Phát triển nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút du khách

Ngoài tour du lịch tâm linh, trải  nghiệm, chăm sóc sức khỏe tại Sóc Sơn. Trong thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng mang bản sắc riêng, như: Du lịch văn hóa, di sản; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch thể thao… Nhiều điểm đến đã xây dựng những sản phẩm riêng, có sức hút với du khách, như: Tour đêm “Giãi mã Hoàng thành Thăng Long”; “Đêm hoàng cung Thăng Long”. Tham dự tour này du khách có những trải nghiệm trong một không gian Hoàng cung lung linh về đêm từ kiến trúc, nghệ thuật cho đến các di tích khảo cổ học.

Du khách được mặc trang phục cổ xưa, tham gia hành trình trải nghiệm nhiều cảm xúc từ cổng Đoan Môn, xem múa rối nước, rối cạn với nội dung kể câu chuyện về Thăng Long, khám phá những cổ vật Hoàng cung, tham quan dấu tích về điện Kính Thiên. Ngoài ra, trong tour Đêm “Sống như những đóa hoa” và “Lửa thanh xuân” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ mang cho du khách những trải nghiệm hết sức ấn tượng gắn với di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Bên cạnh thị trường du lịch còn có các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại làng sinh vật cảnh Hồng Vân (Thường Tín); khu du lịch sinh thái Đan Phượng (huyện Đan Phượng); du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì); điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất); du lịch làng nghề tại điểm du lịch làng nghề khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ; làng nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên); làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng… góp phần tạo nên diện mạo mới cho du lịch Thủ đô.

Hà Nội thu hút du khách với nhiều sản phẩm du lịch mới - ảnh 3
du khách trải nghiệm khám phá Hà Nội bằng xe đạp

Qua thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, để thu hút khách đến với Thủ đô trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô cần tiếp tục triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Quan tâm phát triển du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo, du lịch đêm như làm mới các không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố đi bộ khu vực hồ Thiền Quang; phố đi bộ Trịnh Công Sơn; phố đi bộ quanh hào Thành cổ Sơn Tây. Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.