Hai con mèo của nhà hàng xóm
(PNTĐ) - Hai nhà hàng xóm cạnh tôi, mỗi nhà nuôi 1 con mèo. Hai con lại cùng một mèo mẹ sinh ra, sau đó người chủ tặng lại cho hai nhà nuôi.
Một nhà có 4 người, từ bố mẹ đến các con đều rất yêu mèo. Trước hôm đón mèo về nuôi, cả nhà đã rộn ràng đưa nhau đi siêu thị, sắm sửa từ ổ nằm, váy áo, đồ chơi đến các loạt thực phẩm bổ dưỡng cho mèo.
Chú mèo tốt số có bộ lông màu trắng muốt, hai mắt tròn xoe như hai hòn bi ve, ai nhìn cũng yêu. Chú được gia chủ thống nhất đặt tên là Mây vì nhìn chú giống một đám mây bồng bềnh. Mỗi chiều, mèo Mây được các chị chủ thay nhau đưa đi chơi. Nhưng chú rất cảnh giác, chỉ dám đứng trong nhà rồi thập thò ngó ra ngoài. Hễ có một tiếng động lạ là bộ lông của Mây dựng lên, trông không khác gì con nhím 4 chân. Rồi chú co cẳng chạy vèo vào trong nhà, nấp dưới chiếc ghế ở phòng khách, hai mắt xanh lè như hai chiếc đèn pin dõi ra ngoài.
Cũng vì biết mèo hơi nhát, cũng lại sợ Mây dễ bị bắt nên các chị chủ phải canh chừng Mây rất kỹ càng. Mỗi chiều, khi Mây ra khỏi nhà là chị chủ cũng bắc ghế ra sân, vừa xem điện thoại, vừa để mắt dõi theo Mây. Một tháng dễ đến ba lần, cả nhà chủ còn đưa Mây đi bác sĩ. Hôm thì đi tiêm chủng, hôm thì lo lắng Mây bị nôn, bỏ ăn. Mẹ của hai cô chủ nhỏ than thở: “Nuôi có mỗi một con mèo nhỏ xíu mà đến là tốn kém”.

Trong khi đó, anh em của mèo Mây được nhà hàng xóm còn lại đón về nuôi. Con mèo này không tên vì chủ nhân của nó không đặt tên cho mèo. Thời gian đầu, trộm vía, mèo không tên cũng được chăm sóc cẩn thận vì cô chủ của nó cũng khá yêu mèo. Sau đó, khi cô tốt nghiệp đại học rồi vào Nam làm việc, con mèo được để ở nhà cho bố mẹ của cô nuôi. Hai ông bà đều già cả, chủ trương nuôi mèo theo kiểu tự nhiên giống như ở thôn quê. Mỗi sáng, bà cụ trộn cho mèo không tên một ít cơm với tép khô rồi để ra ngoài sân, sau đó, nó muốn ăn hay không thì tùy.
Mèo không tên chẳng bị nhốt hay canh chừng bao giờ. Nó được thả đi tự do, lắm hôm tôi đi chợ cách nhà cả km đã thấy con mèo đang lang thang ở đó. Thế mà chiều tối, nó lại đã nằm lăn lộn ở sân nhà. Công nhận khả năng tìm đường của mèo thật tài tình.
Con mèo không tên ít được chủ chăm chút nên nó cũng sống theo kiểu bản năng, ăn vụng thành thần. Có lần, nhà tôi nấu cơm chiều, quay đi quay lại mất luôn miếng thịt ba chỉ rán vàng trên mâm. Hóa ra là lúc đó cửa sổ không đóng, con mèo không tên lẻn vào rồi quắp miếng thịt, tha lên nóc nhà bên cạnh đang ngồi chén ngon lành.
Nếu như con mèo Mây còn non nớt, không dám rời ra một bước thì con mèo không tên ngày càng khôn ranh, biết cách tránh nguy hiểm rình rập. Một lần khác, con mèo không tên đi đâu đó mất 3 ngày không về, tôi cứ nghĩ chắc là nó bị câu trộm rồi. Nhưng đến ngày thứ 4, bỗng thấy nó kêu meo meo trên nóc nhà. Một chân nó bị thương lòi cả xương, một mảng da đầu cũng bị trợt. Tôi đoán, có lẽ nó giở thói ăn vụng nên bị người ta đánh cho một trận to, may mà sống sót. Sau đợt đó, cứ tưởng nó sẽ chừa thói xấu, nào ngờ vẫn chứng nào tật đó. Chỉ độ 1 tuần sau tôi thấy nó đã khỏe trở lại, còn nhâng nháo đi khắp nơi. Hai ông bà chủ của nó chẳng mất cho nó một đồng tiền khám bác sĩ nào, khác hẳn với con mèo Mây.

Từ việc quan sát hai con mèo, tôi thấy sao giống với việc nuôi hai đứa trẻ đến vậy. Một con mèo, được chăm bẵm kỹ càng, lúc nào cũng sang chảnh, sạch sẽ tinh tươm, nhìn thôi đã muốn bế ẵm. Song, nó lại rất nhút nhát, thiếu cả bản năng sinh tồn. Con mèo Mây không thể một ngày xa chủ vì nó không biết tự kiếm thức ăn cho mình, lại còn suốt ngày ốm vặt phải đi bác sĩ.
Trong khi đó con mèo không tên, nhìn kỹ thì xinh xắn nhưng lúc nào cũng nhem nhuốc, bẩn thỉu nên chẳng ai muốn ở gần nó. Vì được nuôi theo kiểu tự do nên nó cũng không khác gì con mèo hoang, có đủ mọi thói hư tật xấu. Nhưng ngược lại, nó lại rất dạn dĩ, có khả năng sinh tồn và phòng vệ cao.
Dù cùng một mẹ sinh ra, nhưng phương pháp giáo dục có thể cho ra hai sản phẩm khác nhau. Có thể thấy, nếu chúng ta “ấp” con kỹ quá, con sẽ thiếu kỹ năng sống, sau này khó thích nghi ngoài xã hội. Nhưng, nếu một đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương, không được dạy bảo uốn nắn thì cũng sẽ như con mèo không tên kia, sau này khó trở thành công dân tốt của xã hội.
Vậy thì tốt nhất, hãy dạy con theo kiểu dung hòa. Chúng ta yêu con, dành cho con môi trường sống tốt, dạy con điều hay lẽ phải nhưng không bao bọc, ấp ủ con quá mức. Con chúng ta cũng cần được ra ngoài một mình, được học cách vấp ngã và tự đứng dậy. Có như vậy, con mới đủ lành, đủ mạnh, đủ thiện, đủ cứng cáp để tự bước đi trên đường đời phía trước.